Đôi tay không được lành lặn bởi di chứng chất độc da cam nhưng 9 năm liền Lê Thị Điệp (23 tuổi, ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đều nhận được bằng khen của nhà trường về kết quả học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, ước mơ được đến trường của Điệp gặp nhiều trắc trở vì sự khiếm khuyết của cơ thể.
Đôi tay không được lành lặn bởi di chứng chất độc da cam nhưng 9 năm liền Lê Thị Điệp (23 tuổi, ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đều nhận được bằng khen của nhà trường về kết quả học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, ước mơ được đến trường của Điệp gặp nhiều trắc trở vì sự khiếm khuyết của cơ thể.
* Tuổi thơ bất hạnh
Khi đất nước mới giải phóng, chị Nguyễn Thị Lan thường theo các cô chú trong xóm đi lượm vỏ đạn tại những nơi bộ đội đóng quân. Kết hôn được vài năm, chị Lan sinh bé Điệp trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình. Tuy nhiên, niềm vui của họ chưa được bao lâu đã phải lụi tắt, vì đợt trở bệnh co giật năm lên 2 tuổi khiến bé Điệp không được lành lặn như bao người.
Dù tật nguyền nhưng 9 năm liền Điệp luôn được thầy cô ghi nhận có thành tích học khá, chăm ngoan.
Lặng người một lúc lâu, chị Lan mới thổ lộ: “Lúc mới chào đời, bé Điệp khỏe lắm. Ai dè, qua vài lần bị sốt co giật mới thành ra như vầy. Chúng tôi đi biết bao nhiêu chỗ để mong chữa bệnh cho cháu, nhưng bác sĩ nào cũng lắc đầu bảo vô phương”. Kể từ đó, cuộc đời của cô bé nhỏ nhắn, lanh lợi lật sang trang khác, với nước mắt và hờn tủi.
Gia đình nghèo, phải chật vật chạy ăn từng bữa nên ba mẹ Điệp ít có điều kiện tìm bác sĩ để tư vấn về căn bệnh của em. Mẹ của Điệp mang trong lòng nỗi hoài nghi về thuở bé đi lượm vỏ đạn để em phải lãnh hậu quả của di chứng chất độc hóa học. Tựa đầu vào cửa, chị thở lên với giọng buồn rười rượi: “Hồi đó, sau khi lượm vỏ đạn được vài bữa về nhà tôi bị sốt, người rệu rạo hẳn đi. Cứ tưởng chỉ bệnh bình thường, ai dè…”. Thấy Điệp sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, mẹ em phải bỏ công việc làm thuê cho người khác để chăm sóc và ngó chừng em. Kinh tế gia đình nặng gánh trên đôi vai người cha, giờ lại càng nhọc nhằn hơn khi chỉ có anh là lao động duy nhất trong nhà.
Đến tuổi đi học, cô bé cũng chỉ ngồi co ro một chỗ với đôi tay run run, co giật. Khát khao được đến trường nhưng Điệp không thể làm gì, khi đôi tay không thể cầm bút để viết. Em cho biết: “Lúc 7 tuổi, em thấy bạn bè được may áo mới, được đến trường nhưng em phải lê lết mới đi được nên buồn lắm. Mỗi lần nghe ai đó nhắc đến học hành em lại tủi thân và khóc…”.
Lúc em trai của mình đến tuổi đi học, ngày nào Điệp cũng nghe em đánh vần các chữ cái mà lòng buồn rượi. Do đó, Điệp quyết tâm phải đến trường cho bằng được. Em tâm sự: “Ngày nào em cũng xin mẹ cho em được học chữ. Biết em đi lại khó khăn, nói chuyện ú ớ, mẹ khuyên em ở nhà, chứ đến lớp sợ em tủi thân”. Lần lựa mãi, đến lúc bạn bè vào cấp 2, Điệp mới được đến lớp tập đánh vần từng con chữ cùng đám trẻ 6-7 tuổi.
* Mơ được đến lớp
Với những đứa trẻ bình thường, việc đánh vần, viết lách là điều hết sức đơn giản. Nhưng với cô bé tật nguyền đôi tay, miệng nói không tròn chữ như Điệp, đó lại là điều hết sức khó khăn. Thông cảm với khó khăn của em, nhà trường đã tạo điều kiện cho Điệp chỗ ngồi riêng trong góc lớp để có thể ngồi lê viết chữ bằng đôi chân. Điệp cho biết: “Ban đầu, em cầm bút viết bằng chân, ai cũng thấy lạ và khuyên em nên ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng em chỉ muốn được học nên phải quyết tâm đến cùng để chứng tỏ em cũng có thể viết được… bằng chân”. Những ngày đầu ngồi viết, lưng cô bé mỏi nhừ, đôi chân sưng húp vì không quen với việc cầm bút.
Đoạn đường đến trường tuy không xa, nhưng đối với cô bé bị tật đó là cả một thử thách. Mùa mưa đến, con kênh tràn nước, đường sá chưa được bê tông hóa nên ngày ngày người ta lại thấy hình ảnh cô bé Điệp lấm lem bùn đất đến lớp. Trước sự ham học của Điệp, nhà trường cùng chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để em được học hành.
9 năm trôi qua, Điệp đã vươn lên khẳng định bản thân qua con đường ăn học. Các bạn cùng lớp ngưỡng mộ xen lẫn thán phục tinh thần và ý chí của cô bé. Khoe bảng thành tích học tập trong suốt 9 năm, ánh mắt Điệp ánh lên niềm vui rạng rỡ: “Nếu người khác bỏ công sức ra một thì em phải gấp đôi, thậm chí gấp 3 để tiếp thu bài vở. Em viết bằng chân nên chậm lắm. Bởi vậy, ngày nào cũng phải mượn vở các bạn về ghi lại”.
Với em, ước mơ lớn nhất của cuộc đời là được đến trường, để sau này mang con chữ đến cho những đứa trẻ bất hạnh giống mình. Và ước mơ ấy đã được Trường cao đẳng nghề số 8 tiếp sức, chắp cánh...
Tùng Minh