Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếng lòng người trồng chuối

09:08, 11/08/2011

Nhìn buồng chuối vừa trổ được 2 nải (nhánh) đã bị cắt trộm bắp, anh Tấn Tài (ngụ ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) tức giận nói: “Để ông bắt được thì no đòn”.

Nhìn buồng chuối vừa trổ được 2 nải (nhánh) đã bị cắt trộm bắp, anh Tấn Tài (ngụ ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) tức giận nói: “Để ông bắt được thì no đòn”.

* “Tặc” chuốI

Không riêng gì anh Tấn Tài, những người trồng chuối ở đồi Sóc Lu (ấp Nguyễn Huệ 2) hiện đang rất căm giận bọn trộm bắp chuối, lá chuối, buồng chuối. Theo các nông dân ở đây, ai đó vào vườn của họ chỉ chặt buồng chuối, vài bắp chuối, lá chuối về dùng thì không có gì phải than trách. Họ chỉ tức giận khi buồng chuối vừa ló được vài nải đã bị trộm bắp, xén lá. Vì vậy mà vườn chuối của họ kém năng suất, thất thu. “Ngoài nỗi lo dịch bệnh, giá cả. Người trồng chuối ở đây sợ nhất là bọn trộm bắp chuối”- anh Tấn Tài phẫn uất nói.

Thu hoạch chuối trên đồi đá cũng cần kỹ thuật và nhanh tay.
Thu hoạch chuối trên đồi đá cũng cần kỹ thuật và nhanh tay.

Để trồng được 6 sào chuối mốc trên đồi đá Sóc Lu, anh Tấn Tài bỏ ra rất nhiều công sức cho việc đào hố. Sau một năm trồng anh mới thu hoạch được lứa chuối đầu tiên. Anh Tấn Tài cho hay, vườn đạt năng suất thì thu hoạch từ 2 - 2,5 tạ/sào/tháng. Vườn chuối cỗi chỉ thu được 500-600kg/tháng. Với giá chuối khoảng 3.000 đồng/kg (chuối mốc), 1.500 đồng/kg (chuối bom), 3.500 ngàn đồng/kg (chuối cau)…, 5 năm qua, người trồng chuối trên đồi Sóc Lu hết lo sợ nạn trộm chuối, đến dịch bệnh, rồi giá cả.

Đồi Sóc Lu thẳng đứng, toàn đá với đá. Các nông dân ở đây cho biết, không riêng gì cây chuối (chiếm 90% diện tích cây trồng), đất ở đây tuy dốc và đá nhưng trồng cây gì cũng tốt. Theo nông dân Năm Trí, từ thuở khai hoang quả đồi, cha của anh đã trồng chuối. Vì vậy, dù giá chuối có bấp bênh, chuối bị sâu bệnh hay nạn “tặc” chuối thì anh vẫn tiếp tục nối gót cha trồng chuối.

Mưa bắt đầu rơi hạt, chúng tôi tiếp tục leo dốc lên thăm vườn chuối của anh Tư Lý. Chiếc xe máy của chúng tôi do đã quen với đường nhựa của quốc lộ nên cứ ì ạch với mặt đường thẳng đứng, lởm chởm đá, ẩm ướt. Càng leo dốc, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc lời anh Năm Trí đã nói khi nhìn chằm chằm buồng chuối mới vừa ra vài nải đã bị ai đó xén mất bắp: “Đường chỉ khó cho người trồng chuối, thu hoạch chuối. Còn kẻ trộm chuối thì hớn hở, dễ bề ra tay xén bắp chuối khi chúng tôi không có mặt tại rẫy”.

Anh Nguyễn Lâm (người trồng chuối) bày tỏ, việc thu hoạch chuối trên đồi đá phải có kỹ thuật thì mới bảo vệ tốt được buồng. Trước tiên, phải chặt sâu vào 1/3 thân, vết chặt cách gốc 1,5-2m. Để cho thân cây ngã từ từ, khi buồng chuối ngã cách mặt đá nửa mét, lập tức nắm buồng đốn hạ.

Nghe tiếng gọi của chúng tôi, anh Tư Lý tay xách, tay vác 2 buồng chuối nặng gần 40kg từ trên rẫy đi xuống. Nhẹ nhàng đặt buồng chuối xuống đất, anh Tư Lý hổn hển cho biết, 8 sào chuối của anh vừa bị bọn trộm cắt mất khoảng chục bắp khi buồng chuối vừa ra được 4-5 nải. “Tụi này bất nhân quá. Chúng chỉ thấy lợi cho mình, vì những bắp chuối khi chưa ra hết nải bao giờ cũng ngon và bán được giá cao hơn. Riêng người trồng chuối chúng tôi nhìn thấy mà đứt ruột, xót và tiếc”.

Cũng theo anh Tư Lý, bọn “tặc” chuối đáng ghét như sâu bệnh. Chúng làm cho những người trồng chuối trên đồi Sóc Lu điêu đứng vì mùa màng thất bát, chuối từ loại một rớt xuống loại hai và họ không thu được bắp chuối, lá chuối để vớt vát tiền xăng trong những chuyến đi rẫy hoặc khi chuối quả bị dội chợ.

 * Chuối đi xa, người trồng ở lại

Vác cây rựa trên vai, anh Nguyễn Tấn Phát cùng em vợ Nguyễn Minh Nhật vất vả bước chân trên đồi đá thu hoạch chuối. Anh Phát cho hay, một tuần anh mới vào rẫy thu hoạch chuối một lần. Thời gian còn lại do anh bận đi làm công nhân nên 7 sào chuối của gia đình đều trông đợi vào sự may rủi và cả lương tâm của kẻ trộm. Anh Phát thở dài: “Tuy chuối của mình được xuất đi miền Bắc, miền Trung, Trung Quốc…, chuối làm giàu cho người buôn, người sản xuất chuối chiên và sự nhàn hạ cho kẻ cắp, nhưng người trồng chuối bao năm qua vẫn không khá lên được, vì thu nhập từ chuối chỉ được 3-4 triệu đồng/sào/năm”.

Tiếp chuyện với chúng tôi bên vườn chuối đang trong giai đoạn già cỗi, anh Hai Liên cho hay, để cải tạo một hécta chuối anh phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho việc đào hố trồng. Anh Hai Liên nhẩm tính, một người chỉ đào được 20 hố/ngày. Một sào khoảng 300 hố, nếu làm cật lực thì mất trên 100 ngày công. Hơn nữa, nếu cải tạo ồ ạt vườn, đột nhiên chuối lên giá thì anh không còn chuối để bán.

Năm 2010, người trồng chuối ở đồi Sóc Lu khấp khởi mừng khi chuối ở đây hút hàng. Tiểu thương vào tận rẫy nài nỉ mua giá cao hoặc chuối vừa được người trồng chở xuống dốc đã bị tiểu thương chặn lại, níu kéo mua bằng giá như chở ra đại lý bán. “Chính vì vậy mà tôi chỉ cải tạo được 1/3 vườn và không dám phá bỏ chuối để trồng cây khác”- anh Hai Liên bộc bạch.

Do hàng ngày phải leo trèo lên đồi chuối, bắp tay, bắp chân người trồng cũng ú nần như quả chuối trên cao. Anh Tuấn Bình bày tỏ, chỉ cần sơ sẩy một chút trong thu hoạch thì chuối từ loại 1 rớt xuống loại 2, loại 3. Chính vì vậy, khi vác chuối xuống dốc, người trồng chuối phải gắng sức bảo vệ thành quả lao động của mình. “Khi té ngã, tôi cũng ráng ôm buồng chuối vào lòng lăn xuống dốc” - anh Tuấn Bình hài hước nói.

Xe máy là phương tiện duy nhất mà người trồng chuối ở đồi Sóc Lu dùng để chuyên chở chuối ra chợ bán.            Ảnh: Đ.PHÚ
Xe máy là phương tiện duy nhất mà người trồng chuối ở đồi Sóc Lu dùng để chuyên chở chuối ra chợ bán. Ảnh: Đ.PHÚ

Ngồi trò chuyện với những người trồng chuối trên phiến đá, chúng tôi phải đốt thuốc liên tục để xua muỗi. Trong khi đó, những người trồng chuối Sóc Lu đã bỏ được thói xấu hút thuốc nên thân thể họ để mặc cho muỗi đốt. Chúng tôi thắc mắc điều này, anh Tấn Tài giải thích, ẩm thấp thì chuối mới tốt. Muỗi càng nhiều vườn chuối càng rậm rạp, tươi tốt, nung núc trái. Anh Tấn Tài nói: “Dù chính quyền đã nhiều lần cảnh cáo, phạt người trộm chuối nhưng họ vẫn chứng nào tật đó. Vì vậy, chúng tôi chỉ còn cách tự giác bảo vệ vườn cho nhau, chia sẻ nhau những vất vả khi chuối bị sâu bệnh, và nhất là động viên nhau khi chuối bị con buôn chê ỏng chê eo khi dội chợ”.

Mặc cho chuối đồi Sóc Lu được đóng gói cẩn thận, theo xe máy lạnh tỏa đi khắp nơi, người trồng chuối ở đây vẫn canh cánh nỗi lo “tặc” chuối, chuối bị ép giá, sâu bệnh không rõ nguyên nhân. Đồng thời, họ thầm an ủi, chuối Sóc Lu đã mang sức lao động của họ đi đó đây nên không vì thế mà họ đốn hạ trồng cây khác, bội bạc với cây chuối.

Đoàn Phú

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

Tin xem nhiều