Năm 1975, hai anh em ông Nguyễn Văn Ngự (ông Sáu) và Nguyễn Văn Đền (ông Bảy) lập ra nhà thuốc Nam từ thiện ông Sáu, ông Bảy tại tổ 3, ấp Long Hiệu, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) để cứu người. Trước khi về với tổ tiên, hai ông đã kịp để lại cho đời rất nhiều đồ đệ thiện tâm.
Năm 1975, hai anh em ông Nguyễn Văn Ngự (ông Sáu) và Nguyễn Văn Đền (ông Bảy) lập ra nhà thuốc Nam từ thiện ông Sáu, ông Bảy tại tổ 3, ấp Long Hiệu, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) để cứu người. Trước khi về với tổ tiên, hai ông đã kịp để lại cho đời rất nhiều đồ đệ thiện tâm.
* Lời thề
Trong gian nhà rộng khoảng 50m2 phảng phất mùi cỏ cây khô, bà Nguyễn Thị Bôn (con gái ông Bảy) tự hào nói về công việc bốc thuốc từ thiện của gia đình bà. Bà Bôn kể, ông Sáu và ông Bảy được chân truyền nghề thuốc Nam từ ông nội bà là ông Nguyễn Văn Tứ. Sau khi ông Tứ mất, khoảng thời gian năm 1975, hai ông Sáu - Bảy đồng sáng lập ra nhà thuốc Nam từ thiện ông Sáu, ông Bảy để nối nghiệp cha. Trong quá trình hành nghề thuốc Nam, hai ông đã dạy cách tìm thuốc, bốc thuốc cho tất cả những ai có lòng từ tâm với bệnh nhân nghèo. Đồng thời, ông Sáu và ông Bảy cũng chọn ra được gần chục đồ đệ giỏi để truyền thụ các bí truyền về nghề thuốc mà hai ông đã học và nghiên cứu được.
Anh Trương Văn Sen (bìa trái) tiếp bước ông Sáu, ông Bảy duy trì nhà thuốc từ thiện |
Trong lúc chuyện trò với bà Bôn, nhóm đi hái thuốc của chị Bảy Thuận (con ông Sáu), Hai Đen (cháu của ông Sáu, ông Bảy) cũng vừa dẫn nhóm đi tìm thuốc từ đầm ông Trúc (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) về. Nặng nhọc vẫn còn trong hơi thở, chị Bảy Thuận bày tỏ, chị và Hai Đen đảm nhận nhiệm vụ tổ chức mọi người đi lấy thuốc về dự trữ. Để thu hoạch được nhiều thuốc cho mỗi chuyến đi, nhóm lúc nào cũng có trên chục người với xe máy, ghe xuồng, xe tải…, lặn lội vào những vùng sâu xa, đồi núi, đầm lầy để tìm. Sau khi đem thuốc về nhà, mọi người lại cùng nhau chặt, sắc, phơi phóng…
Theo anh Trương Văn Sen, ông Sáu là người giỏi về dược, phụ trách dạy môn đệ về dược tính, cách nhận biết và tìm thuốc. Ông Bảy giỏi về y thuật, phụ trách dạy đồ đệ về cách xem mạch, đoán bệnh, phối hợp thuốc. |
Sau khi ăn vội trái bắp luộc cho đỡ đói, Hai Đen hướng dẫn mọi người chuyển thuốc từ xe xuống sân nhà kho để đưa vào máy sắc thuốc. Nhìn cái dáng thấp đậm của Hai Đen lui cui chỉ đạo, anh Ba Liệt (người hái thuốc từ thiện) bày tỏ với chúng tôi: “Chả lùn vậy nhưng lại rất tinh mắt khi xác định cây thuốc. Hồi nhỏ, Hai Đen đã được thầy Sáu hướng dẫn tận tường về đặc điểm, hình dáng, nơi sinh trưởng các loại thuốc Nam”.
Trong khi nhóm hái thuốc của chị Bảy Thuận, Hai Đen đang tất tả chuyển thuốc về kho, thì ở phòng thuốc Nam từ thiện ông Sáu - ông Bảy, anh Trương Văn Sen (cháu của ông Sáu, ông Bảy) đang cần mẫn làm công việc bốc thuốc cứu người, cháy bỏng lời thề lúc bái sư. “Không được thu tiền của người bệnh dưới bất cứ hình thức nào”- anh Sen nhắc lại lời thề trước bàn thờ tổ ngày nhập môn. Cũng theo anh Sen, sau khi hai ông Sáu - Bảy qua đời, anh phải bỏ công việc của người thợ điện lạnh (lương tháng trên 5 triệu đồng) về đảm nhận việc bắt mạch, kê toa, bốc thuốc tại phòng khám. Để có tiền phụ giúp vợ nuôi con và mẹ già, vợ chồng anh Sen phải tìm thêm thu nhập ít ỏi từ rổ bắp luộc bày bán trước phòng khám. “Một ngày phòng khám bốc miễn phí gần cả ngàn thang thuốc. Thuốc do mọi người cất công hái về, mạnh thường quân đem tặng, nếu tui nhận tiền thì có lỗi với người hái, người cho và phản bội lời thề với các thầy, sư tổ đã dày công duy trì nhà thuốc này” - anh Sen bày tỏ.
* Vị ngọt của cỏ cây
Cỏ cây mà con cháu ông Sáu, ông Bảy tiếp nối lòng từ bi của cha ông, được bào chế thành 400 bài thuốc của tổ sư và gần 10 bài thuốc Nam bí truyền của dòng họ (do ông Sáu, ông Bảy nghiên cứu) như: trị đau đại tràng (gồm 5 vị); rượu thuốc trị tê mỏi, thần kinh tọa (15 vị); kiềm chế sự phát triển của ung thư (12 vị)… Anh Sen cho biết, hai người cùng một bệnh, uống cùng một loại thuốc nhưng người hạp thì khỏi, người không hạp thì thuốc không tác dụng. Chính vì vậy, khi bắt mạch, bốc thuốc anh đều kê toa khi đoán nhịp mạch, sắc da, thể trạng…, từ đó gia giảm trong phối hợp các cây cỏ lại với nhau thành vị thuốc trong điều trị cho bệnh nhân. “Tất cả bệnh nhân đến đây khám bệnh, bốc thuốc đều miễn phí, phòng thuốc không có hòm tiền công quả. Phòng thuốc chúng tôi vẫn duy trì được trên 40 năm qua là nhờ cây cỏ có mọc dại khắp nơi và tấm lòng công quả rất nhiệt thành của những người dân từng là môn đệ, bệnh nhân, người cảm mến tiếng tăm thầy Sáu, thầy Bảy đóng góp”- anh Sen khẳng khái nói.
Trong khi đó, những người phụ trách tìm nguồn thuốc như: chị Bảy Thuận, Hai Đen, bà Bôn, Ba Liệt… thì cho hay, phần lớn lượng thuốc làm từ thiện đều do nhóm tổ chức đi tìm, hoặc người dân trong vùng đem tặng. Đồng thời, cũng có những vị thuốc quý hiếm không thể tìm thấy được do cô Tư Tơ (ở TP.Biên Hòa), ông Ba Nam (ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)… thường xuyên mua tặng. Bên những bao thuốc cao ngất, được chất đầy cả căn phòng rộng 50m2, bà Bôn bộc bạch, nếu nhà thuốc không thường xuyên tổ chức đi tìm thuốc dự trữ thì số thuốc trong kho chỉ đủ dùng trong một tháng. Bà Bôn thỏa lòng tâm sự: “Hơn 40 năm qua, các thế hệ trong gia đình tôi đã bốc thuốc miễn phí cho không biết bao nhiêu người, tiêu thụ bao nhiêu là cây cỏ. Vậy mà, cỏ cây không bao giờ cạn kiệt. Riêng người tình nguyện đến hỗ trợ nhà thuốc, tháp tùng đi tìm cây thuốc ngày một nhiều thêm”.
Để có được lượng thuốc phục vụ cho phòng khám, nhóm hái thuốc của chị Bảy Thuận, Hai Đen, bà Bôn, Ba Liệt… khi thì tổ chức ghe máy men theo đầm hoang tìm rễ bình bát, dứa, nhào…, lúc lại băng rừng, trèo đèo tìm mật nhân, nhân trần, nhãn lồng…, hoặc men theo các bãi biển, vùng ngập mặn tìm lức, kinh giới, muống biển, ô rô, dây cốc, mướp gai, quao… Những chuyến đi như vậy, có khi sáng đi chiều về hoặc phải mất vài ba ngày ăn bụi, ngủ nhờ nhà dân, chùa chiềng. Chị Bảy Thuận tươi cười cho hay, cánh phụ nữ các chị thì lo việc hậu cần cho chuyến đi. Đàn ông thì lo phương tiện, trực tiếp hái thuốc. Chuyện dở khóc, dở cười xảy ra khi đi hái thuốc như: bị rắn độc cắn, ong đốt; lạc rừng bị kiểm tra giấy tờ; bị xua đuổi vì nghi là kẻ trộm…, giúp cho người đi hái thuốc thêm nhiều kinh nghiệm.
Nhóm tìm thuốc của chị Bảy Thuận, Ba Liệt, Hai Đen tìm thuốc tại bàu ông Trúc, xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) |
Cầm trên tay mấy thang thuốc được cột chặt trong túi ny-lông, chị Út Huyền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) tất tả dắt xe đạp ra về để kịp bán nốt những tờ vé số còn lại trước giờ xổ số. Chị Út Huyền bày tỏ, nhờ thứ cỏ cây do thầy Sen bốc tặng miễn phí mà bệnh suy nhược cơ thể do thiếu máu của chị mỗi ngày thuyên giảm. Chị không còn triệu chứng chóng mặt, hồi hộp khi thức khuya, dậy sớm quần quật mưu sinh. “Nhà thuốc ông Sáu, ông Bảy luôn là chỗ dựa của những người nghèo hay đau bệnh như tui” - chị Út Huyền nói.
Trong lòng những người nghèo ở huyện Nhơn Trạch và nhiều nơi khác nữa, ông Sáu và ông Bảy được truyền tụng như danh y nhân đức với tóc bạc, râu quắc thước, thần thái như bậc hiền nhân, tu hành. Nghề thuốc của hai ông xuất phát từ nhân tâm, đức độ, giúp dân chứ không màng lợi danh, tiền bạc. Chính vì vậy, trong số đồ đệ của ông nay chỉ còn anh Trương Văn Sen tiếp nối nghề thuốc của thầy với rổ bắp luộc để hành nghề. |
Đoàn Phú