Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Làm gì để kiềm chế hiểm họa giao thông ?

09:08, 28/08/2011

Trước hoàn cảnh đau thương của những gia đình có người bị tai nạn giao thông (TNGT), các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội đã có nhiều hành động sẻ chia, góp phần làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát của họ. Đối với những người có trách nhiệm, đó còn là nỗi trăn trở, suy nghĩ để tìm mọi biện pháp kiềm chế hiểm họa do TNGT gây ra.

Trước hoàn cảnh đau thương của những gia đình có người bị tai nạn giao thông (TNGT), các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội đã có nhiều hành động sẻ chia, góp phần làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát của họ. Đối với những người có trách nhiệm, đó còn là nỗi trăn trở, suy nghĩ để tìm mọi biện pháp kiềm chế hiểm họa do TNGT gây ra.

>>> Bài 1: Khánh kiệt vì tai nạn giao thông

>>> Bài 2: Nỗi đau chồng lên nỗi đau

* Cùng xoa dịu đau thương

Trước những khó khăn mà gia đình chị Phạm Thị Thanh Chiêu (ngụ tại phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), người đang mang nỗi đau mất chồng và con trai trong vụ tai nạn tàu hỏa tại cầu Ghềnh, ông Mai Văn Phó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tân Mai, cho biết: “Chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần để giúp gia đình chị vượt qua hoạn nạn”. Theo ông Phó, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con trong phường cũng rất quan tâm chia sẻ. Bà con đã quyên góp, ủng hộ và thường lui tới gia đình chị Chiêu để động viên, thăm hỏi. 

Đại diện Ban ATGT tỉnh đã đến thăm hỏi và động viên một gia đình có người thân chết và bị thương vì tai nạn giao thông.    Ảnh: T.Danh
Đại diện Ban ATGT tỉnh đã đến thăm hỏi và động viên một gia đình có người thân chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Ảnh: T.Danh

 

Ông Võ Sĩ Anh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban an toàn giao thông (ATGT) phường Tân Mai chia sẻ: “Hậu quả từ các vụ TNGT nghiêm trọng tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Gặp trường hợp như gia đình chị Chiêu, các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã vận động bà con cùng chung tay hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để gia đình dần ổn định cuộc sống”.

Tương tự, khi chứng kiến cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Kim Lan (ngụ tại khu phố 6, phường Tân Hòa) mất đi người chồng và con trai sau vụ TNGT, ông Nguyễn Công Tâm (Trưởng khu phố 6) xót xa nói: “Khi biết gia định chị Lan gặp hoạn nạn, bà con trong khu phố rất đau lòng. Để góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình chị, bà con trong khu phố và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đã đến thăm hỏi, động viên”.

Còn với hoàn cảnh của chị Liên (người bị liệt sau vụ tai nạn giao thông mà chúng tôi đề cập ở bài đầu), chính quyền phường An Bình đã xem xét, giải quyết trợ cấp cho gia đình chị Liên mỗi tháng 480 ngàn đồng (kể từ đầu năm 2011). Một cán bộ chính sách ở phường An Bình cho biết, chị Liên là một trong những trường hợp được trợ cấp theo chế độ vì bị tai nạn hiểm nghèo, không còn khả năng lao động. Bởi sau tai nạn, chị Liên bị liệt nửa người, chấn thương não và di chứng thần kinh làm mất sức trên 80%. Hay với trường hợp khánh kiệt vì phải chạy chữa cho chồng bị TNGT như chị Đào, UBND phường Long Bình đã xem xét cho chị vay vốn để làm ăn.

Không là tất cả nhưng những sẻ chia của chính quyền địa phương và nhiều người đồng cảm sẽ là động lực cho những con người đang phải chịu nỗi đau mất mát từ những vụ TNGT thương tâm.

 * Quyết liệt ngăn chặn hiểm họa giao thông

Cùng với sự quan tâm, chia sẻ với những đau thương của thân nhân người bị nạn, các cơ quan chức năng ở địa phương, những người có trách nhiệm với xã hội cũng có những trăn trở, cố gắng tìm ra những giải pháp để hạn chế hiểm họa giao thông xảy ra.

Vụ TNGT  tàu hỏa ở KP8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa ngày 10-6 đã làm một người chết.       Ảnh: T.DANH
Vụ TNGT tàu hỏa ở KP8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa ngày 10-6 đã làm một người chết. Ảnh: T.DANH

 

Ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, hậu quả từ những vụ TNGT nghiêm trọng để lại trong đời sống xã hội là rất lớn. Nếu không cứng cỏi, vững vàng trước những đau thương mất mát thì những người thân rất dễ bị suy sụp, ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái về sau. Xét về mặt kinh tế, nếu những lao động chính trong gia đình bị tai nạn sẽ kéo theo kinh tế gia đình suy sụp, khó khăn. Cũng theo ông Quý, TNGT còn có những tác động lớn đến tình hình chung của xã hội. TNGT xảy ra nhiều sẽ gây ra những bức xúc trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và tạo tâm lý bất an trong mỗi người dân. Khi bước chân ra đường, không chỉ những người tham gia giao thông phải tự lo cho bản thân mà cả xã hội cũng phải tìm mọi biện pháp để đảm bảo ATGT cho người đi đường. Bên cạnh đó, vấn đề thiệt hại về kinh tế do TNGT, dù chưa được thống kê cụ thể, nhưng là rất lớn đối với cả xã hội. Trong đó, số đối tượng bị TNGT chủ yếu đang trong độ tuổi lao động, sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.

Ngày 16-8, đại diện Ban ATGT tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Thiên Nhiên (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), người có chồng bị TNGT chết, đồng thời chị và hai đứa con cũng bị thương nặng trong vụ tai nạn. Theo Ban ATGT tỉnh, những trường hợp bị TNGT nghiêm trọng, có nhiều người thương vong, Ban ATGT tỉnh sẽ trích Quỹ ATGT để thăm hỏi, động viên.

 

Trước những tác động không nhỏ do TNGT gây ra, Ban ATGT tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các biện pháp như: tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông; khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường giao thông (như: đường trơn trượt, tầm nhìn bị che khuất, ánh sáng không đủ…). Ban ATGT tỉnh đã và đang phối hợp với các các tổ chức phi chính phủ (như: Tổ chức Handicap; Quỹ Phòng chống thương vong châu Á; Hiệp hội xe cơ giới Việt Nam) để lập và thực hiện các dự án nhằm đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công tác tuần tra, xử lý các vi phạm giao thông cũng được Ban ATGT phối hợp với lực lượng công an thực hiện quyết liệt và thường xuyên. Tuy nhiên, theo ông Quý, để các biện pháp này có hiệu quả, Ban ATGT tỉnh cùng với lực lượng công an phải xây dựng các chuyên đề riêng biệt, xác định được các điểm, khu vực, thời điểm thích hợp thì mới thực hiện có hiệu quả.

“Đảm bảo ATGT là vấn đề chung của toàn xã hội. Để giảm thiểu các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị. Có như vậy, những vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng mới dần được kéo giảm” - ông Quý nói.

Trần Danh

 

 

 



 

 

Tin xem nhiều