Hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra cho người bị nạn, gia đình họ và cả xã hội không thể lường hết. Thế nhưng, điều đáng lo hiện nay là TNGT vẫn có thể xảy ra với bất kỳ ai, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, khi mà hiểm họa TNGT vẫn luôn rình rập những người lưu thông trên đường.
Hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra cho người bị nạn, gia đình họ và cả xã hội không thể lường hết. Thế nhưng, điều đáng lo hiện nay là TNGT vẫn có thể xảy ra với bất kỳ ai, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, khi mà hiểm họa TNGT vẫn luôn rình rập những người lưu thông trên đường.
Từ những trụ cột trong gia đình, họ đã trở thành người tàn phế sau những vụ TNGT bất ngờ. Cuộc sống, công việc và cả những nếp sinh hoạt của người bị nạn đã bị đảo lộn cũng chỉ vì…TNGT. TNGT đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời họ và là gánh nặng cho những người thân trong gia đình.
>>> Bài 2: Nỗi đau chồng lên nỗi đau
>>> Bài cuối: Làm gì để kiềm chế hiểm họa giao thông ?
* Tai họa bất ngờ
Được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Hồng Liên (ở phường An Bình, TP.Biên Hòa) vào một ngày cuối tháng 6-2011. Ngồi trong căn nhà cũ nát, nơi mà chị Liên và gia đình đang tá túc, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi đau mà gia đình chị Liên phải gánh chịu. Chỉ sau một vụ TNGT, chị Liên - người vợ, người mẹ của hai đứa con, đã không còn được một ngày bình thường như bao người khác. Một tiếng “rầm” từ cú tông xe của hai thanh niên chạy xe bất cẩn trên đường đã biến chị thành một người tàn phế, sống biệt lập với xã hội bên ngoài.
Sau khi bị TNGT, mọi sinh hoạt hàng ngày của chị Liên đều phải nhờ đến người thân trong gia đình. Ảnh: T.DANH |
Cố đỡ người vợ khỏi chiếc giường ọp ẹp, cũ kỹ để chị Liên nhìn cho rõ mặt khách đến nhà, anh Nguyễn Mạnh Hùng (chồng chị Liên) buồn rầu kể lại tai họa đã giáng xuống gia đình họ. Ngày 11-3-2007, chị Liên chở đứa con gái út đi chợ về đến gần cổng nhà thì bị một chiếc xe máy từ phía sau tông thẳng vào. Một tuần sau tai nạn, con gái chị Liên tỉnh lại, còn chị hôn mê hơn 2 tháng do bị dập não. Sau khi tỉnh lại, chị Liên đã bị liệt nửa người, trí nhớ mất đi một phần và chị cũng không còn nói được nữa. Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày tai nạn bất ngờ giáng xuống, chị Liên đã phải bỏ lại cuộc sống tươi đẹp để chấp nhận cuộc đời tàn phế, vật vờ một chỗ bên chiếc giường bệnh. Cuộc sống của chị giờ chỉ còn là việc ra dấu nhờ người thân giúp cho bữa ăn, giấc ngủ…
* Nỗi đau dai dẳng
Sau một năm chạy chữa, chị Liên được bệnh viện tiến hành phẫu thuật ghép não nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không được cải thiện là bao. Từ sau vụ tai nạn, cuộc sống của gia đình chị hoàn toàn thay đổi. Một mình anh Nguyễn Mạnh Hùng phải gánh vác tất cả công việc của gia đình. Chỉ là một công nhân nhưng anh Hùng phải gồng gánh cả việc nuôi hai đứa con ăn học và lo thuốc men, chăm sóc cho vợ hàng ngày. Kinh tế gia đình ngày một eo hẹp khi bệnh tình của chị Liên đòi hỏi phải chạy chữa nhiều nơi, với đủ mọi loại thuốc. Không kham nổi cảnh chắp vá chuyện học hành, đứa con gái út của chị Liên đành phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà chăm sóc mẹ. Người con trai lớn vì muốn học để vượt ra khỏi cái nghèo đành mang sách đến tá túc nhà ông bà nội để tiếp tục ăn học.
Tâm sự về những khó khăn sau ngày vợ bị tai nạn, anh Hùng chia sẻ: “Những tưởng cuộc sống của gia đình chúng tôi sẽ đỡ phải vất vả hơn, khi các con sắp trưởng thành. Ai ngờ…, chuyện đời không lường trước được, khi con cái chưa kịp khôn lớn thì tai họa lại ập đến. Sau ngày vợ tôi bị tai nạn phải nằm một chỗ, một mình tôi không kham nổi cảnh chăm vợ và nuôi hai con ăn học nên các con lại phải gián đoạn chuyện học hành”. Kể về những khó khăn của gia đình trong 4 năm vợ nằm một chỗ, anh Hùng không sao điểm hết được nỗi gian truân mà mình đã vượt qua. Anh cho biết, chỉ vì vợ bị tai nạn giao thông mà kinh tế gia đình bị suy sụp hẳn, cuộc sống sinh hoạt trong gia đình hoàn toàn đảo lộn. Từ một người không biết chuyện bếp núc thì nay anh lại phải sớm hôm lo chuyện chợ búa, cơm nước cho vợ và các con.
Từ ngày chồng mất vì tai nạn giao thông, chị Đào phải bươn chải để gánh vác việc gia đình và lo kiếm tiền trả nợ. Ảnh: T.DANH |
Cũng từ một vụ TNGT, anh Phạm Minh Quý (SN 1983, ngụ tại KP13, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) giờ chỉ biết lần mò bên chiếc bàn bán vé số để kiếm ít tiền phụ giúp vợ nuôi con. Từng là một thợ cắt tóc, thu nhập đủ nuôi sống gia đình, nhưng chỉ sau tai nạn, anh Quý đã trở thành người tàn tật, đêm ngày chỉ biết chìm trong bóng tối. Gia đình chạy vạy tiền nong chữa trị đủ đường nhưng cũng không cứu vãn được đôi mắt của anh. Lần tay trên chiếc bàn cũ kỹ để sắp lại tập vé số chưa bán hết, anh Quý cho biết: “Gia đình tôi vốn chẳng khá giả gì nên khi tôi bị tai nạn cuộc sống vợ chồng càng thêm khó khăn bội phần”. Trong khi tiền nợ vay mượn chạy chữa cho anh Quý chưa trả được thì gia đình anh lại phải đương đầu với cuộc mưu sinh, chạy ăn từng bữa. Đồng lương công nhân ít ỏi của chị Xuyên (vợ anh Quý) chẳng đủ để đắp đỗi bữa cơm hàng ngày cho cả nhà. Bộ đồ nghề cắt tóc, tài sản đáng giá còn lại của Quý, giờ cũng phải nhượng lại cho người em trai, còn anh phải đi bán vé số kiếm tiền phụ vợ. Ông Hoàng Bá Nhật (chú họ anh Quý) cho biết: “Sau lần bị chấn thương do tai nạn, tinh thần của Quý bị suy sụp nhiều. Đôi mắt không còn, kinh tế gia đình thì eo hẹp, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chỉ trông nhờ vào vợ nên nhiều lúc Quý hay cáu bẳn”. Biết hoàn cảnh của Quý đáng thương, nhưng với cái nghề làm thợ như anh Nhật cũng chỉ biết động viên cháu vực dậy tinh thần mà sống. Mỗi lần ngồi bên Quý tâm sự, anh Nhật lại cháy bỏng mong ước có một phép mầu nào đó để cuộc sống của cháu mình được thay đổi.
Không khá hơn gia đình chị Liên, anh Quý, gia đình chị Nguyễn Thị Đào (ngụ ở khu phố 6, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) rơi vào cảnh nghèo túng sau vụ TNGT khiến chồng chị thiệt mạng. Ngồi trong căn nhà tồi tàn nằm tít trong hẻm sâu, chị Đào cho biết cuộc sống của vợ chồng chị và bốn đứa con đang ngày được vun vén thì bỗng một ngày chị nhận được tin chồng bị tai nạn trên đường đi làm về. Sau khi nhập viện, chồng chị bị hôn mê vì chấn thương sọ não. Trong suốt 5 tháng chồng nằm viện, chị Đào đã bán hết gia sản và vay mượn đủ đường để chạy chữa cho chồng, nhưng đều vô vọng. Tròn 5 tháng điều trị tại nhiều bệnh viện, chồng chị Đào vĩnh viễn ra đi, để lại cho chị và 4 đứa con với nỗi vô vọng cùng gánh nặng nợ nần. Cuộc sống của chị và các con từ đó rơi vào cảnh khó khăn cùng cực, một mình chị phải bươn chải để kiếm bữa cơm cho 4 đứa con còn nhỏ dại. Được chính quyền địa phương hỗ trợ ít vốn, chị mở hàng bán trái cây và đồ ăn hàng ngày ở khu chợ nhỏ trong phường. Việc buôn bán có thể tạm lo bữa ăn qua ngày nhưng còn đó hàng trăm triệu đồng tiền nợ lo chữa chạy cho chồng thì chị Đào chỉ biết lắc đầu ái ngại.
Trần Danh