Để có quần đảo Trường Sa hiên ngang vững chãi giữa biển Đông như ngày nay, cách đây 36 năm, những người lính Trung đoàn 83 Công binh hải quân (nay là Trung đoàn 83 Vùng 3 Hải quân) đã vượt sóng ra Trường Sa xây dựng đảo với một sứ mệnh mới.
Để có quần đảo Trường Sa hiên ngang vững chãi giữa biển Đông như ngày nay, cách đây 36 năm, những người lính Trung đoàn 83 Công binh hải quân (nay là Trung đoàn 83 Vùng 3 Hải quân) đã vượt sóng ra Trường Sa xây dựng đảo với một sứ mệnh mới. Với mục tiêu xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, là trung tâm văn hóa - xã hội của quân và dân huyện đảo, điều đó có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, vừa khẳng định với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Đảo Trường Sa Lớn những ngày đầu sau giải phóng. (Ảnh TL)
Truyền thuyết kể rằng, vua An Dương Vương muốn xây thành cổ loa đánh giặc, nhưng bao nhiêu năm ròng rả cứ xây đến đâu thành lại đổ đến đó. Mãi đến khi thần kim quy trao cho vua nỏ thần thành mới xây xong. Vậy mà ngày nay, giữa Trường Sa đầy bão tố, chẳng cần một sức mạnh thần linh nào cả, chỉ có bàn tay khối óc, nghị lực phi thường và tình yêu biển đảo, những người lính Trung đoàn 83 đã xây nên những loa thành vững vàng kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió.
* Hừng hực trong tim người lính
8 tháng sau ngày đất nước thống nhất, trước yêu cầu khách quan về nhà ở và hệ thống phòng thủ bảo vệ đảo, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Hải quân tiến hành khảo sát xây dựng các nhà kiên cố trên quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng phải bảo đảm 2 yếu tố cơ bản: Phải là nơi phòng thủ kiên cố có tầm quan sát rộng, tiện cho việc sẵn sàng chiến đấu và tránh nắng nóng; đồng thời tránh được ẩm thấp nước biển mặn, đón được hướng gió, bảo đảm mọi sinh hoạt công tác, huấn luyện, vui chơi của bộ đội.
Những người lính Đoàn M31 Công binh hải quân ra Trường Sa xây dựng như một sự tiếp nối sứ mệnh của những người đi trước. Họ đã gạt bỏ tất cả chuyện riêng tư, gia đình để ra đi mà không hề do dự. Vẫn biết ra đi có thể sẽ hy sinh, nhưng “tất cả vì Trường Sa thân yêu” sá chi sức trẻ và dấn thân vì Tổ quốc.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Trung đoàn 83 Công binh hải quân xác định: “Dù khó khăn đến mấy, dù phải hy sinh đến tính mạng cũng phải xây bằng được nhà kiên cố lâu bền trên các cụm đảo Trường Sa, đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính đối với Tổ quốc nơi tuyến đầu”. Thế là, hàng ngàn khối đá, xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng được chuyển xuống tàu đưa ra đảo.
Chuyến tàu đầu tiên mang tên Đại Khánh, do đại úy Lê Nhật Cát (nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 83) chỉ huy, cùng 69 CBCS trẻ đã tiến ra Trường Sa vào cuối tháng 4-1976. Việc đi Trường Sa ngày ấy đồng nghĩa với cuộc chia ly sinh tử. Bởi, đất nước mới trải qua chiến tranh, tàn tích đau thương chưa xóa nhòa, giờ lại phải ra Trường Sa xây dựng đảo - một thử thách lớn đối với những người lính công binh thời bình. Từ cảng T thuộc huyện Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa), con tàu trọng tải 75 tấn Đại Khánh đã vượt sóng ra đến đảo Trường Sa Lớn lúc chiều tối, sau gần 4 ngày lênh đênh trên biển. Gần 4 ngày vật lộn với sóng gió, 80% CBCS bị say sóng, nhiều chiến sĩ trẻ bỏ bữa ăn. Hầu hết các chiến sĩ chưa biết Trường Sa là gì, mà chỉ hình dung trong đầu đó là một hòn đảo xa xôi và thiêng liêng. Trong tim họ luôn nghĩ, ra đảo Trường Sa để xây nhà là nhiệm vụ vinh quang nên khí thế hừng hực và không hề ngần ngại.
Công việc đầu tiên của CBCS Trung đoàn 83 là thiết kế nơi ăn ở, nhanh chóng bắt tay vào xây đảo. Một bài toán vô cùng khó khăn đặt ra lúc bấy giờ là làm thế nào để có nước ngọt, trong khi lượng nước ngọt đem theo tàu vơi dần. Thời điểm đó, Trường Sa không có nước ngọt, ngoài hai đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây có bể chứa nước của chế độ ngụy để lại, mỗi bể chừng 6m3. Để có nước ngọt nấu ăn, các chiến sĩ tận dụng tất cả những gì có thể, kể cả áo mưa rách, vỏ lon sữa bò của ngụy vất chỏng chơ trên cát để hứng nước mưa. Anh em đã sáng tạo đào hố, dùng xi măng trát quanh để chứa nước. Tuy nhiên, lượng nước mưa hứng được cũng không đủ cho bộ đội ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Nước ngọt chỉ dùng nấu cơm, bộ đội tắm giặt bằng nước lợ. Sau một thời gian dài, da người nào cũng xù xì như lớp sừng bám. Việc ăn uống vô cùng khổ sở. Mỗi bữa ăn, cả đại đội chỉ có 4 hộp thịt hộp của Liên Xô, đổ thêm nước rồi nấu sôi, chan cơm ăn. Mọi người thèm một bữa rau xanh cháy cổ nhưng lấy đâu ra giữa Trường Sa chỉ có nắng, gió, cát và sỏi đá ngày ấy.
Cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo vô cùng gian khổ nhưng tinh thần và ý chí xây đảo thì luôn hừng hực trong tim, không ai kêu ca hoặc có tư tưởng chùn bước.
* Những “loa thành” đầu tiên
Công việc đầu tiên của 70 CBCS Trung đoàn 83 Công binh hải quân là xác định tọa độ đặt móng xây nhà theo tiêu chuẩn lâu bền. Đảo Trường Sa Lớn những ngày đầu sau giải phóng hoang sơ và ngổn ngang đất đá. Tất cả công trình quân sự, nhà ở, hầm hào của ngụy để lại hầu hết bị cày xới, tàn phá. Vài ngôi nhà cấp 4 còn lại không có gì ngoài 4 bức tường mục nát, cháy sém.
Đảo Cô Lin hiện nay. (Ảnh TL)
Dưới cái nắng như thiêu đốt, các chiến sĩ với quần đùi, áo lót ngày đêm vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo trên đá san hô. Quân bình mỗi người vác 200 hòn đá mỗi ngày. Ban ngày vận chuyển vật liệu, ban đêm đóng cọc dựng nhà che bạt ở tạm, cốt để bộ đội có chỗ ăn cơm và ngủ lấy lại sức. Nắng gió rát mặt, các chiến sĩ như những con ong chăm chỉ người vác đá, người khiêng xi măng, người trộn hồ, tung gạch... Sau gần một tháng thi công, ngôi nhà đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn hoàn thành vào cuối tháng 5-1976. Loại nhà “sê-ri” thế hệ đầu tiên được thiết kế nửa chìm nửa nổi, chiều cao 2,8m (trong đó 1,5m ẩn âm trong lòng đảo), lòng nhà rộng 4,5m theo hình lục giác, có các cửa sổ, tiện cơ động quan sát, hứng gió 4 phía.
Song song với việc xây nhà, các chiến sĩ Trung đoàn 83 còn có nhiệm vụ mở thông 2 lạch để đưa tàu cặp vào mép đảo. Trong khi không có phương tiện khoan trong môi trường nước, bộ đội đã nghĩ ra cách dùng bộc phá đặt sát đáy san hô và châm ngòi nổ. Sức công phá dưới nước tuy có hạn chế nhưng so với sức người gấp trăm lần. Sau hơn 1 tháng lao động khẩn trương, 2 luồng ở đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết được hoàn thành, luồng dài đến 300m, rộng 8m. Đá san hô từ nổ bộc phá được các chiến sĩ mò lên xây đảo.
Sau căn nhà đầu tiên xây dựng ở đảo Trường Sa Lớn, CBCS Trung đoàn 83 Công binh hải quân được quân chủng giao nhiệm vụ tiếp tục khảo sát và xây nhà trên các đảo: Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây và Sơn Ca. Do nhiều công trình phải xây dựng khẩn trương nên có phân đội công binh sau khi hoàn thành nhiệm vụ không về đất liền theo quy định, mà tiếp tục ở lại từ 2-3 năm để xây những công trình nhà ở các đảo khác, thậm chí có chiến sĩ 4 năm mới vào bờ một lần. Từ đây, nhiều chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhiều người chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội lâu dài. Có chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đi đào tạo sĩ quan công binh, sau đó trở lại đơn vị cũ, chỉ huy chiến sĩ ra Trường Sa xây đảo.
Mai Thắng