Năm Ký vừa nhấc cửa chuồng, lũ vịt đã ùn ùn lao xuống dòng kênh (thuộc ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) tung tẩy. Cộng thêm 1.000 con vịt của ông Đỗ Văn Hùng và chục đàn vịt của các chủ khác, nhánh kênh lập tức trắng màu lông vịt.
Năm Ký vừa nhấc cửa chuồng, lũ vịt đã ùn ùn lao xuống dòng kênh (thuộc ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) tung tẩy. Cộng thêm 1.000 con vịt của ông Đỗ Văn Hùng và chục đàn vịt của các chủ khác, nhánh kênh lập tức trắng màu lông vịt.
* Theo vịt ra đồng
Sau khi mở cửa chuồng thả đàn vịt đi ăn, Năm Ký giao đàn vịt lại cho anh Phúc (người chăn vịt thuê) để đi cày đất. Năm Ký cho hay, do hùn hạp với Hai Thái nuôi 1.700 con vịt (gồm: 1.000 con vịt đẻ, 700 vịt thịt), nên hôm nào bận việc nhà ông phải thuê anh Phúc để Phúc cùng Hai Thái đưa đàn vịt chạy đồng. “Bây giờ, tui chỉ mướn người chăn vịt theo ngày, không còn mướn công theo tháng. Do đó, người chăn mướn phải có kinh nghiệm hoặc từng là ông chủ nuôi vịt” - Năm Ký nói.
Năm Ký kiểm tra bầy vịt trước khi chạy đồng. Ảnh: Đ.PHÚ
Anh Phúc, Hai Thái mỗi người vác trên vai một cây sào dài gần 5m, ngọn sào được buộc tấm ny-lông phất phơ (gọi là cờ). Cả hai thủng thẳng lùa đàn vịt bơi ngược dòng nước ra cánh đồng vừa gặt xong hôm qua (cách chuồng hơn 1km). Đi được đoạn suối dài hơn 500m, Hai Thái bảo anh Phúc lùa đàn vịt lên bờ đê để chúng đi bộ cho nhanh.
Tiếng vịt kêu cạp cạp, kít kít… râm ran, chúng tỏ ra khó chịu khi bị lùa lên bờ. Chúng tôi lấy làm lạ nên thắc mắc: “Sao không để cho vịt vừa bơi vừa tìm mồi”. Hai Thái giải thích: “Kênh giờ đây làm gì còn thức ăn nữa mà rúc. Nuôi vịt chạy đồng bây giờ cốt để giảm chút đỉnh chi phí. Chiều lùa về phải đổ thêm lúa, cám chăn nuôi thì chúng mới no”.
Lũ vịt ngoan ngoãn “cuốc bộ” ra đồng theo sự chỉ huy của Hai Thái, anh Phúc. Chúng lạch ba lạch bạch trật tự rẽ trái, sang phải theo sự điều khiển của hai ngọn cờ nằm trên tay người chăn. Hai Thái bày tỏ với chúng tôi, thấy vậy chứ khi đến đồng thì chúng chạy lung tung, người chăn khó mà ngồi yên được một chỗ. “Chăn không khéo thì vịt tràn qua ruộng lúa chưa cắt (gặt) hoặc nhập vào đàn vịt khác thì mệt lắm và dễ sinh chuyện” - Hai Thái nói.
“Gặp người dễ chịu thì không sao, mình gọi thì vịt bầy nào về lại bầy nấy. Chẳng may gặp người tham, khó tính thì mất vịt, chửi lộn và đánh nhau không chừng” - lầm lủi đi với chúng tôi gần cả cây số, anh Phúc giờ mới chịu lên tiếng. Cũng theo anh Phúc, trên dòng kênh này đã từng xảy ra đánh, chửi nhau giữa các chủ vịt.
Bắt chuyện với anh Phúc, chúng tôi được biết, quê anh ở miệt Vĩnh Long. 16 tuổi anh đã theo cha chăn vịt và anh cũng từng làm ông chủ hàng ngàn con vịt thịt chạy đồng. Hiện anh đang tạm trú tại ấp 1, xã Hiệp Phước để chăn vịt thuê cho Năm Ký và các chủ khác tại ngọn kênh này. “Chăn vịt nhàn hơn làm công việc nông nghiệp khác, như: đắp bờ, vác lúa, xịt thuốc. Vì vậy, ngày công chỉ có 120 ngàn đồng, thấp hơn công việc khác từ 30-50 ngàn đồng một ngày”- anh Phúc cho hay.
* Khó tìm người chăn vịt
Theo như lời anh Phúc, chăn vịt nhàn hạ hơn so với làm các công việc khác. Người chăn vịt có thể hú nhau gầy chầu nhậu tại đám ruộng và mặc cho vợ hay chủ vịt chửi khi biết chuyện. Điều đó đã được chứng minh khi chúng tôi theo sau Hai Thái và anh Phúc lùa đàn vịt thịt 700 con đến chân ruộng. Tuy nhiên, khi Hai Thái giao đàn vịt lại cho anh Phúc trông coi (ông quay về nhà cùng vợ lùa tiếp đàn vịt đẻ 1.000 con ra nhập đàn), thì anh Phúc không còn thời gian để tiếp chuyện với chúng tôi. Một mình với đàn vịt, anh Phúc liên tục cầm cờ chạy tới, chạy lui chỉ huy chúng ăn theo ý muốn, nhưng bất lực. Anh Phúc bày tỏ, phải đến 11 giờ trưa chúng no mồi thì tự khắc túm tụm lại một chỗ, tìm chỗ mát nghỉ ngơi, không còn chạy lung tung và người chăn mới khỏe. “Thôi anh cứ lên bờ đê mà ngồi, theo chân tui làm gì cho cực. Đợi đến trưa chúng mệt thì mình mặc sức mà trò chuyện” - anh Phúc gợi ý.
Giữa trưa nắng chói chang, chúng tôi vẫn quyết bám theo đàn vịt, theo bước chân trần của Hai Thái, anh Phúc bì bõm dưới chân ruộng nồng mùi bùn, hơi vịt để hỏi chuyện. Thấy chúng tôi nhiệt tình, anh Phúc và Hai Thái vừa đảo mắt quan sát lũ vịt, vừa tranh thủ tiếp chuyện. “Trên ngọn kênh, nhánh suối ấp 1, xã Hiệp Phước này hiện có 5 người chăn vịt thuê, như: anh Đực, Kiền, Thói, ông Ba Bá. Hiện chúng tôi không thuê người chăn theo tháng vì phải luôn đi kèm để chỉ việc. Thuê công ngày vì họ đã có sẵn kinh nghiệm, giao hẳn đàn vịt cho họ mình vẫn yên tâm” - Hai Thái nói.
Cũng theo Hai Thái, nuôi vịt bây giờ không phải như hồi xưa, chạy hết đồng này sang đồng khác. Đồng bây giờ là những thửa ruộng mà chủ vịt đã chiếm thả từ nhiều năm qua. Hai Thái cắt nghĩa: “Đó là quy định bất thành văn, đồng ai nấy thả, không được xâm phạm nhau. Hết đồng thì nhốt vịt lại thúc bằng thức ăn công nghiệp”.
Bầy vịt luôn trật tự theo chủ ra đồng. Ảnh: Đ.PHÚ
Chán chê với lũ vịt của Hai Thái, anh Phúc, chúng tôi băng đồng tìm đến bầy vịt trên ngàn con của Tèo Bụng. Anh Tèo Bụng cho hay, tìm người chăn vịt mướn hiện giờ rất khó. Thường thì anh phải dặn trước họ và họ phải là người thường xuyên chăn mướn cho anh. “Đối với vịt thịt chỉ cần thả đồng 10-15 ngày. Khi vịt còn nhỏ hoặc sắp đến ngày xuất chuồng phải nhốt lại, chỉ thúc bằng thức ăn công nghiệp, riêng vịt đẻ thì thả đồng lúc nào cũng được. Nhưng do không có đồng trống để thả, tụi tui chỉ mướn người chăn theo ngày, nên người chăn vịt mướn không thể làm việc tại một chủ mà phải chăn công cho nhiều chủ”- Tèo Bụng bộc bạch.
Rồi Tèo Bụng tiếp tục chỉ đường cho chúng tôi đến thăm chòi vịt gần 2.000 con của Hai Đắng và Mỹ Đẹt đang ăn bên đám ruộng của Tư Miên, cách đàn vịt của anh một cây số. Đang lóng ngóng bên bờ kênh thì chúng tôi nhác thấy một thanh niên đang ẩn mình tại một bụi cây nghỉ trưa. Hỏi thăm nơi thả vịt của Hai Đắng, Mỹ Đẹt thì được người thanh niên này cho hay anh tên Đực, người chăn mướn cho Hai Đắng và Mỹ Đẹt. Thấy chúng tôi chần chừ không dám lội qua kênh, anh Đẹt bảo chúng tôi cứ đứng yên ở đó, rồi anh lội qua nói chuyện.
“Trưa rồi, mình nhậu nha. Giờ này lũ vịt no mồi nằm im một chỗ, đến 2 giờ chiều thì chúng đói chạy nhảy lung tung. Nếu có say cũng chẳng sao, vì hiện người chăn vịt mướn có nghề chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Còn người nuôi vịt thì có trên 20 chòi tại khu vực này và hàng chục chòi khác ở cạnh đây”- vừa bước chân lên bờ, anh Đẹt ra lời mời mọc.
Đoàn Phú