Những ngôi nhà mới khang trang bền vững hiện diện giữa biển Đông hôm nay không chỉ là biểu tượng trường tồn cho sức sống mãnh liệt của quân dân huyện đảo, mà còn là những công trình ghi dấu thành quả lao động và niềm tự hào vô bờ bến của những người lính công binh hải quân.
Những ngôi nhà mới khang trang bền vững hiện diện giữa biển Đông hôm nay không chỉ là biểu tượng trường tồn cho sức sống mãnh liệt của quân dân huyện đảo, mà còn là những công trình ghi dấu thành quả lao động và niềm tự hào vô bờ bến của những người lính công binh hải quân.
>>> Bài 1: Trường Sa những ngày đầu giải phóng
>>> Bài 2: Nhiệm vụ đặc biệt đêm 30 Tết
>>> Bài 3: Chống chọi giữa đại dương
* Trường Sa gọi chúng tôi trả lời
Trung tá Nguyễn Văn Lâm, nguyên chính trị viên của tiểu đoàn 1 Đoàn M31 công binh hải quân, dẫn chúng tôi đi một vòng doanh trại rồi dừng lại khá lâu ở phòng truyền thống. Ngước mắt về những tấm bằng khen, giọng trung tá Lâm chùng xuống: “Công lao thành tích và cả những hy sinh gian khổ của chúng tôi gói ghém trong những khung hình này. Ẩn chứa trong ấy là mồ hôi, máu và cũng là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ công binh chúng tôi. 23 năm kể từ ngày lính hải quân công binh Trung đoàn M31 hành quân ra Trường Sa xây dựng cũng đủ để nói bề dày của đơn vị. Trước đó, việc xây dựng đảo chủ yếu giao cho Đoàn M31 và Trung đoàn công binh 83 hải quân, nhưng giờ có nhiều đơn vị khác tham gia xây đảo như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tiểu đoàn 1 công binh thuộc Vùng 4 Hải quân. Bây giờ không xây theo mùa mà xây cả năm, bất chấp thời gian, có yêu cầu là đi, xây quanh năm không nghỉ, Trường Sa gọi chúng tôi trả lời”.
Một góc đảo Trường Sa lớn. |
“Đại bản doanh” của Đoàn M31 công binh hải quân (đóng ở phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lúc nào cũng chứa đầy sắt thép, đá, xi măng dự trữ trong kho cùng với một đội quân hùng hậu sẵn sàng đi đảo. Đội quân cơ động này cũng có thể xuất phát từ Hải Phòng ra thẳng Trường Sa, cũng có thể hành quân từ Hải Phòng, Quảng Ninh vào Vũng Tàu và xuất phát tại đây. Trước khi đi, các chiến sĩ được “vũ trang” kỹ càng về tinh thần dũng cảm, sự gan dạ, kiên cường chấp nhận gian khổ và sẵn sàng hy sinh. Thiếu tá Trần Ngọc Tuyên, người đã 15 năm gắn bó với các công trình xây dựng ở đảo cho biết: “Nhiệm vụ của người lính công binh xây nhà trên đảo Trường Sa chẳng khác gì lính thời chiến trận. Có nhiệm vụ là đi, yêu cầu là đến, bất kể ngày hay đêm, nắng gió triều cường hay bão giông. Lính công binh Trường Sa không có khái niệm thứ bảy hay chủ nhật, ngày làm 13-14 giờ. Trước đây xây dựng đảo chỉ 2 mùa biển lặng từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 2 năm sau, còn bây giờ xây cả năm. Thi công ở đảo nổi còn đỡ vất vả, ở đảo chìm khó khăn hơn nhiều. Khi gặp sóng to gió lớn, xuồng tròng trành, chỉ cần sơ sẩy là người và đá chìm xuống biển”.
* Những công trình thắm tình đất mẹ
Đến Trường Sa hôm nay, điều đầu tiên dễ nhận thấy là một thị trấn sầm uất giữa biển Đông. Nổi bật giữa hàng nghìn cỏ cây hoa lá là những dãy nhà mái ngói còn tươi nồng vôi mới. Khu nhà này là doanh trại quân đội, khu kia là sân bóng chuyền, bóng đá, phía bên này là trường học, xa xa là dãy nhà hạnh phúc giành cho những cặp vợ chồng quân nhân xã đảo.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Lâm, ở đảo nào có công trình xây dựng là ở đó có dấu chân chiến sĩ công binh hải quân. Mỗi công trình nhà ở hoặc nhà truyền thống, nhà tưởng niệm hay chùa chiền, đều gắn với một kỷ niệm và tên đơn vị thi công. Một trong những công trình lớn, thắm tình quân dân phải kể đến là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo Trường Sa Lớn do tỉnh Nghệ An đầu tư kinh phí trên 4,3 tỷ đồng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thiết kế và xây dựng hoàn thành cuối năm 2009. Kế tiếp là những công trình có tính chất linh thiêng chùa Trường Sa. Việc xây dựng chùa ở Trường Sa không chỉ đáp ứng nguyện vọng đời sống tâm linh của quân dân huyện đảo, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi, giữa trùng dương tít tắp ấy, bên cạnh việc đối mặt với bao khó khăn gian khổ về điều kiện thời tiết và kẻ thù rình rập, thì 4 ngôi chùa ở các đảo Đá Đông, Sinh Tồn, Song Tử Tây và Trường Sa Lớn là sự nguyện cầu khát vọng một cuộc sống an lành với thông điệp Trường Sa mãi mãi trường tồn bình yên, hòa bình và hữu nghị.
Chiến sĩ Đoàn M31 bốc đá chuyển xuống tàu, đem ra Trường Sa xây dựng. |
Một trong những công trình có tính chiến lược lâu dài “ươm mầm non chiến sĩ” cho Trường Sa là dãy trường học ở đảo Trường Sa Lớn được đưa vào sử dụng cuối năm 2005. Việc xây dựng trường học ở Trường Sa không chỉ nói lên sự phát triển toàn diện kinh tế - chính trị - xã hội theo tiêu chí của một thị trấn, mà còn là nơi ươm mầm các chiến sĩ hải quân tương lai. Những em bé Trường Sa sớm chiều tung tăng cắp sách đến trường, bi bô học chữ là minh chứng sống động cho sự tiếp nối thế hệ, khẳng định sức sống trường tồn của quân và dân huyện đảo. Một công trình thắm tình quân dân khác ở Trường Sa là 3 “dãy nhà hạnh phúc” ở 3 đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử. Đây là những ngôi nhà xây dành riêng cho gia đình quân nhân sinh sống tại đảo. Trong ngôi nhà hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Thanh ở đảo Trường Sa Lớn, lần đầu tiên một bé gái đã chào đời tại đây.
Bế một em bé trên tay, đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân nói với đoàn công tác: “Việc em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không chỉ là quy luật sinh tồn của những công dân trên đảo, mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của thế hệ người Việt trong việc bảo vệ, giữ gìn quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đứa bé này sẽ được nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Rồi đây, sẽ có những em bé khác ra đời tại Trường Sa. Đảo Trường Sa sẽ có nhiều chiến sĩ hải quân “nhí” lớn lên từ hòn đảo thân yêu này”…
Thành phố biển Vũng Tàu tấp nập người và xe, dân Sài Gòn đổ về bãi trước, bãi sau vui chơi vào những ngày nghỉ cuối tuần. Cách đường 30-4 hơn trăm mét, trong “đại bản doanh” của Đoàn M31 công binh hải quân, các chiến sĩ trẻ đang hối hả bốc đá lên xe chuyển xuống tàu ra đảo. Trong văng vẳng tiếng gió cuối hạ, chúng tôi nghe rõ các chiến sĩ vừa bốc đá vừa hát: “Từ ngàn đời xưa một dải đất thiêng liêng của Tổ quốc ta, xây dựng bảo vệ Trường Sa có chúng tôi, người chiến sĩ công binh hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời…”.
Mai Thắng