Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóm đèn dầu!

08:07, 21/07/2011

Chỉ cách trung tâm xã Phú Lộc, huyện Tân Phú chừng 3km và cách đường dây điện hạ thế vài trăm mét, thế nhưng mấy chục năm nay hàng trăm hộ dân ở ấp 7 vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu leo lét. Khi màn đêm buông xuống, nhìn ra những ánh đèn đường chiếu sáng họ lại mơ ước một ngày nào đó sẽ có điện trong ngôi nhà của mình.

Chỉ cách trung tâm xã Phú Lộc, huyện Tân Phú chừng 3km và cách đường dây điện hạ thế vài trăm mét, thế nhưng mấy chục năm nay hàng trăm hộ dân ở ấp 7 vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu leo lét. Khi màn đêm buông xuống, nhìn ra những ánh đèn đường chiếu sáng họ lại mơ ước một ngày nào đó sẽ có điện trong ngôi nhà của mình.

Theo chân cán bộ mặt trận xã Phú Lộc đến thăm nhiều ngôi nhà trong ấp 7, chúng tôi mới thấu hiểu được sự khao khát về điện đến dường nào! Rất nhiều hộ gia đình sử dụng chiếc đèn dầu để phục vụ cho sinh hoạt về đêm. Một vài nhà có điều kiện hơn, thì sắm thêm được chiếc bình ắc quy 12V cùng một bóng đèn nhỏ để dành thắp sáng, nhưng khi dùng cũng phải hết sức tiết kiệm. Bởi một bình ắc quy chỉ sử dụng được vài ngày, việc đi sạc bình rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Ông Chương Phát, ngụ tại  ấp 7, than: “Không có điện thiệt thòi đủ điều, tối đến đèn dầu leo lét, sinh hoạt khó khăn. Con cái học hành vừa thiếu sáng vừa nóng nực. Có cháu sau mỗi buổi tối học bài là hai lỗ mũi đen ngòm khói đèn dầu. Ai có tiền, thì cũng chỉ mua bình ắc quy để thắp sáng, nhưng, mỗi lần đi sạc bình ắc quy cũng rất cam go, phải đi rất xa mới tìm được nơi sạc bình. Do vậy, phải xài rất tiết kiệm, chủ yếu dành cho bọn trẻ có ánh sáng học bài”.

Giống như rất nhiều học sinh khác ở ấp 7, xã Phú Lộc, em Trần Minh Tài lớp 4, Trường tiểu học Phạm Văn Đồng, ban tối ở nhà học bài bằng đèn dầu.  Ảnh: L.NGÂN
Giống như rất nhiều học sinh khác ở ấp 7, xã Phú Lộc, em Trần Minh Tài lớp 4, Trường tiểu học Phạm Văn Đồng, ban tối ở nhà học bài bằng đèn dầu. Ảnh: L.NGÂN

Cuộc sống không điện đã tác động trực tiếp tới toàn bộ học sinh nơi đây, bởi tại ấp 7 chỉ có một Trường tiểu học Phạm Văn Đồng với 5 phòng học tiểu học và 1 phòng học mẫu giáo được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Điểm trường này có đầy đủ thiết bị đèn chiếu sáng, quạt máy và giếng khoan, nhưng thầy trò ở đây vẫn học tập trong cảnh thiếu thốn. Ngày nắng thì nóng nực, ngày mưa trời tối nên các em đành phải nghỉ sớm để học bù vào hôm khác. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang,  giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Đồng, cho biết: “Các em ở đây học tập thiệt thòi lắm. Cho dù đèn điện và quạt máy được lắp đầy đủ trong mỗi phòng học nhưng có điện đâu mà dùng. Đến giờ học nhạc, học công nghệ cũng phải học chay. Có giếng mà không có điện bơm nước lên nên các em mỗi khi đi vệ sinh phải chạy ra ngoài vườn rẫy…”.

Ấp 7, xã Phú Lộc có trên 200 hộ dân với hơn 1 ngàn nhân khẩu thì chỉ có khoảng vài chục hộ dân là có điện sinh hoạt, do những gia đình này ở đầu ấp được người dân ấp 6 - Phú Lộc cho kéo điện về xài “ké”  (đường điện của các hộ tại ấp 6 - Phú Lộc cũng  kéo nhờ từ xã Phú Thịnh vào), còn lại hơn 150 hộ dân vẫn không có điện sinh hoạt. Các hộ có điện xài phải trả với giá điện cao từ 2 - 5 ngàn đồng/kw điện. Do có vài chục hộ phải dùng chung một đồng hồ “mẹ” rồi kéo điện về đồng hồ con đến từng nhà nên điện vừa yếu, dùng ít mà tiêu hao thì nhiều… Nhưng như thế vẫn còn hơn những hộ không có điện.

Hàng chục năm qua, ông Chương Phát cũng như hơn 150 hộ dân ở ấp 7 đã quá quen thuộc với cây đèn dầu. Ảnh: L.NGÂN
Hàng chục năm qua, ông Chương Phát cũng như hơn 150 hộ dân ở ấp 7 đã quá quen thuộc với cây đèn dầu. Ảnh: L.NGÂN

Ông Nguyễn Văn Tường, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc, cho biết: “Nhu cầu cần điện phục vụ sinh hoạt cho người dân sinh sống ở ấp 7 đã được xã phản ánh nhiều lần về huyện. Nhưng do cách đường hơi xa, cần phải kéo đường điện trung thế, sau đó mới có thể hạ thế cho người dân sử dụng. Để thực hiện được việc này, cần phải có sự hỗ trợ nguồn vốn từ  huyện và tỉnh”.

Cuộc sống tù mù bằng đèn dầu bao năm qua đã làm cho người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, giải trí. Nhiều gia đình muốn mua tivi, quạt điện… cũng phải chờ đến khi nhà có điện. Trẻ em nơi đây, ngoài giờ đi học chỉ còn biết quanh quẩn trong vườn rẫy, nghịch đất cát, ngoài ra hầu như không có gì để giải trí…

Lê Ngân


 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích