Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: <i>Vì đàn em thân yêu</i>

09:07, 04/07/2011

Bên trong căn phòng nhỏ thuộc Trường nghề số 8, Ka Mui lặng lẽ ngồi kiểm tra lại danh sách các em học viên. Mới gắn bó với công việc này chừng 3 năm nhưng với người cán bộ quản lý học viên này, đây là cả tâm huyết và tình yêu thương mà chị dành cho học viên, những trẻ em người dân tộc thiểu số muốn thoát nghèo, vươn lên bằng con đường ăn học.

Bên trong căn phòng nhỏ thuộc Trường nghề số 8, Ka Mui lặng lẽ ngồi kiểm tra lại danh sách các em học viên. Mới gắn bó với công việc này chừng 3 năm nhưng với người cán bộ quản lý học viên này, đây là cả tâm huyết và tình yêu thương mà chị dành cho học viên, những trẻ em người dân tộc thiểu số muốn thoát nghèo, vươn lên bằng con đường ăn học.

Ka Mui kể cho tôi nghe về những trường hợp học viên nổi bật ở đây giờ đã thành công và giữ những vị trí chủ chốt ở các buôn làng. Ánh mắt chị ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào vì các em đã không phụ lòng chăm lo của mọi người.

>>> Bài 1: Ươm mầm tương lai

* Mặt trời ở trong tim

Ka Mui từng là học viên của Trường nghề số 8. Những năm học tại trường, cô gái nhỏ nhắn người dân tộc Mạ này đã sớm gắn bó với công việc quản lý học viên. Năm 2006, khi tốt nghiệp ra trường, Ka Mui về làm việc tại bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú. Suốt 3 năm gắn bó với bệnh viện, Ka Mui vẫn không quên được những tháng ngày được làm việc với vai trò quản lý học viên tại trường. Sau nhiều ngày trăn trở suy tính, Ka Mui quyết định quay lại Trường nghề số 8 để tìm cơ hội công tác ở nơi mình từng gắn bó. Ka Mui cho biết: “Lúc hay tin được trường tuyển dụng làm công tác quản lý học viên tôi mừng lắm. Tôi luôn mong ước được góp phần uốn nắn các em nên người…”.

Những cán bộ giáo viên luôn gần gũi và tận tình truyền đạt kiến thức cho học viên.                  Ảnh: Đ.Phú
Những cán bộ giáo viên luôn gần gũi và tận tình truyền đạt kiến thức cho học viên. Ảnh: Đ.Phú

 

Theo lời Ka Mui, cán bộ quản lý ở Trường nghề số 8 có 12 người nhưng phải quản lý đến 936 học viên. Trong đó, chỉ có 3 người là sĩ quan chuyên nghiệp, còn lại hầu hết đều là học viên nổi bật trong trường được giữ lại phục vụ cho công tác giáo dục. Nhiều học viên của trường sau khi tốt nghiệp đã trở thành những tinh hoa trong buôn làng. Như trường hợp của học viên khóa 1 Hoàng Thị Kiều, ở huyện Thống Nhất. Trong những năm học tại đây, Kiều đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, cầu tiến… Sau khi ra trường, Kiều năng nổ tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị ở địa phương và đạt nhiều thành tích. Đến nay, Kiều đã nằm trong vị trí thường trực Đảng ủy xã Đồi 25, huyện Thống Nhất. Nhiều học viên khác cũng có những công việc và thu nhập khá tốt tại các bệnh viện tuyến huyện…

Đến giờ kiểm tra tác phong và vệ sinh các phòng ở của học viên, cán bộ Châu Ngọc Tiền nghiêm nghị bước vào từng phòng trong dãy nhà 5 tầng ở khu ký túc xá. Nhác thấy cán bộ quản lý xuất hiện, các học viên liền đứng dậy gật đầu chào lễ phép. Trong quá trình kiểm tra, nếu học viên nào không xếp gọn gàng mền mùng theo quy định (xếp như chiếc bánh vuông vức) sẽ bị lưu vào sổ đen và bắt phải thực hành ngay tại chỗ. Anh Tiền cho biết: “Chúng tôi không gặp trở ngại nhiều trong công tác quản lý học viên vì phần lớn các em rất ngoan và biết nghe lời. Trừ những trường hợp đặc biệt, nếu có lý do chính đáng chúng tôi cũng sẽ xí xóa, và em nào cố tình làm trái quy định chúng tôi phải sử dụng biện pháp kỷ luật mạnh để răn đe”.

Những người như Ka Mui, anh Tiền… vừa là những người bạn, vừa là người thầy đối với các em học viên. Họ như những con ong chăm chỉ, âm thầm làm những công việc xung quanh các học viên là con em đồng bào các dân tộc ít người. Bởi họ cũng chính là người con của buôn làng và họ mong lắm một ngày ánh mặt trời sẽ sáng rực trong tim các em.

* Rạng ngời những ước mơ

Chúng tôi dừng chân trước dãy phòng, nơi có các học sinh khối lớp 10 đang làm bài kiểm tra môn toán hình học với sự giám sát của giáo viên trẻ Trần Văn Toàn. Thi thoảng, có em hỏi dò bạn đáp án thì tức khắc bị thầy Toàn nhắc nhở, nêu tên.

Cán bộ trường Hoàng Văn Hùng giải thích: “Ở đây chúng tôi muốn các em tự giác ý thức việc học và không muốn các em phải học lóm ai cả. Học thật và điểm thật, đó là mục tiêu, là kết quả đánh giá chính xác việc học của các em”. Kể cho tôi nghe về những ước mơ cháy bỏng ấp ủ từ thời còn là học viên ở đây, cán bộ Hùng không giấu được những xúc động: “Tôi luôn mong những người con của đồng bào dân tộc ít người sẽ chứng tỏ khả năng và bản lĩnh của mình để giúp ích cho đời. Bản thân tôi cũng là người dân tộc Tày, gia đình thuộc dạng khó khăn ở huyện Tân Phú. Nơi quê tôi còn thiếu những cán bộ quản lý, những người thợ giỏi chuyên môn để góp sức nâng cao đời sống ở buôn làng…”. Theo lời của anh Hùng, nếp sống ở buôn làng đã ăn sâu vào tâm trí của các học viên, vì vậy những cán bộ quản lý phải uốn nắn từng tí một để các em tuân thủ theo nề nếp. Bởi vậy, để tiện cho công tác quản lý, nhà trường hầu như chỉ dùng những học viên trong trường sau khi tốt nghiệp để chỉ dạy lại lớp đàn em kế thừa.

Cán bộ Hùng đang kiểm tra sĩ số học viên.   Ảnh: Đ.Phú
Cán bộ Hùng đang kiểm tra sĩ số học viên. Ảnh: Đ.Phú

 

Theo lời một số cán bộ ở Trường nghề số 8, khi trường mới thành lập và nhận đào tạo nghề cho học viên là con em đồng bào các dân tộc ít người đã xảy ra bao chuyện dở khóc, dở cười. Vì quá quen với tập tục sống tại địa phương, bản làng nên những học viên khi mới vào đây chỉ thích sử dụng nước ao tù để tắm, uống… Giải thích mãi các em không hiểu, nên theo hiến kế của một số cán bộ có kinh nghiệm, các giáo viên ở đây dùng kính hiển vi rọi vào 2 thùng nước sạch và nước ao. Khi các em nhìn thấy những con vi trùng bò lổm ngổm trong nước bẩn, lúc đó các em mới từ bỏ việc dùng nước kém vệ sinh. Chưa kể, những việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc ít người của cán bộ trường còn gặp không ít vướng mắc. Vì vậy, họ muốn đào tạo người của thôn làng để sau khi tốt nghiệp ra trường các em sẽ trở về quê nhà giúp ích lại cho dân làng mình…

Đến giờ nghỉ, Ka Mui mời tôi ở lại sinh hoạt cùng mọi người để hiểu hơn về cuộc sống của những cán bộ ở đây. Lời mời được đáp lại bằng cái gật đầu thiện chí, Ka Mui mừng rỡ, dắt tay tôi đi khắp dãy phòng và không ngớt kể chuyện. Trong lúc dùng cơm tập thể, những cán bộ quây quần bên nhau thành nhóm dùng cơm chung và kể cho nhau nghe về những câu chuyện trong ngày. Họ nhắc khá nhiều đến trung tâm giới thiệu việc làm cho tất cả học viên sắp ra trường. Theo lời một số cán bộ trường, đây sẽ là một bước tiến đáng kể nhằm tạo ra nhịp cầu nối giữa học viên với doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho học viên sau khi ra trường.

Ka Mui cười rạng rỡ nói về những ước nguyện của mình: “Cuộc đời ai cũng có những ước mơ, và ước mơ của chúng tôi là chỉ mong các em luôn khỏe mạnh, học tốt và không phụ lòng mọi người”. Tiếng cười nói râm ran hòa vào tiếng xôn xao của những học viên nói chuyện quanh bàn ăn, tôi nghe hơi thở cuộc sống đang trỗi dậy mạnh mẽ từ chính ngôi trường này.

Tùng Minh


 

 

Tin xem nhiều