Báo Đồng Nai điện tử
En

Thợ rèn, còn có mấy ai!

10:07, 27/07/2011

Để rèn được các dụng cụ cuốc, rựa, dao, cào… sắc bén và bền chắc, ngoài công phu chăm chút thì kỹ thuật tôi luyện sắt thép của người thợ rèn phải điêu luyện. Thợ rèn Ngô Đình Tảo ví von: “Học rèn như học võ, thọ giáo thầy hay thì mới giỏi nghề”.

Để rèn được các dụng cụ cuốc, rựa, dao, cào… sắc bén và bền chắc, ngoài công phu chăm chút thì kỹ thuật tôi luyện sắt thép của người thợ rèn phải điêu luyện. Thợ rèn Ngô Đình Tảo ví von: “Học rèn như học võ, thọ giáo thầy hay thì mới giỏi nghề”.

* Thuốc diệt cỏ xóa nghề rèn

Được chân truyền các bí quyết tôi luyện sắt thép từ cha ông, các công cụ sản xuất nông nghiệp, như: cuốc, cào, dao, rựa…, do bàn tay thợ rèn Ngô Đình Tảo (55 tuổi, ở ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) chế tác một thời nức tiếng tại địa phương. Bà Tư (vợ ông Tảo) bán hàng bún trước nhà cho hay, thời ăn nên làm ra, mới 6 giờ sáng lò rèn của chồng bà đã đỏ lửa, tiếng búa đe chát tai hàng xóm.

Ông Tâm làm nghề dưới sự giúp sức của hai con gái.
Ông Tâm làm nghề dưới sự giúp sức của hai con gái.

Giờ đây, 8 giờ sáng mà ông Tảo vẫn còn nán ngủ, bếp rèn thì lạnh tanh. Chờ đến khi vợ gọi, ông Tảo mới tỉnh giấc và thủng thẳng ngồi vào bàn uống trà, rồi tiếp chuyện với chúng tôi. Ông Tảo mở đầu câu chuyện bằng lời than ngắn thở dài trong lúc nghề rèn ế khách. Theo ông Tảo, do nông dân phần lớn dùng thuốc diệt cỏ thay thế các công cụ cuốc, cào, liềm… làm đồng nên lò rèn của ông ế ẩm. “Tôi bám nghề cốt kiếm chút tiền lo trà, thuốc và cho vui tay chân. Sang năm tôi dứt khoát dẹp lò để nghỉ ngơi” - ông Tảo nói.

Ông Tảo là thế hệ thứ 3 của dòng họ theo nghề rèn. Trước đó, ông nội ông Tảo là một thợ rèn có tiếng tại đất Quảng Nam, với thương hiệu lò rèn Ngô Phàn. Những năm 1980, cha ông Tảo đã đưa gia đình vào Xuân Tâm lập nghiệp, từ đó dựng nên thương hiệu lò rèn Tư Điếc nổi đình nổi đám tại đây. Lò rèn Tư Điếc một thời cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ mạnh như: Tư Huế, Sơn, Nhân, Mười…, nhờ kỹ thuật tôi sắt thép bền, sắc không thua gì hàng xứ Quảng chính hiệu.

Thời gian từ năm 1980-2000, không riêng gì lò rèn của cha, lò rèn của ông Tảo cũng ăn nên làm ra, thu nạp rầm rộ môn đệ. Đồng thời, 15 lò rèn khác trên địa bàn xã Xuân Tâm cũng phát huy hết tiềm lực, nhân lực sản xuất ra hàng loạt các mẫu cuốc, rựa, xà beng, liềm, cào… để phục vụ cho quá trình khai hoang, làm rẫy, chăm sóc mùa màng. Thời điểm đó, chủ lò rèn được người dân trọng vọng. Không ít thanh niên trai tráng mang rượu thịt đến nhà chủ lò bái sư xin làm môn đệ và bị thầy từ chối nhận là chuyện thường tình.

Ngồi chồm hổm trên tấm xạp ván, ông Tảo chậm rãi bật quẹt nhóm lò. Tiếng ông ồ ồ như tiếng quạt hơi đang tống gió qua ống dẫn: “Hồi đó, một lò rèn có ít nhất 3 thợ chính. Một ngày, một người thợ làm được 10 cái rựa (hoặc các sản phẩm khác). Một cái rựa giá gốc 4 ngàn đồng, lãi 3 ngàn đồng. Tiền công trả cho thợ 1.500 đồng/ngày. Trong khi đó, gạo ngon chỉ có 300 đồng/ký. Điều này chứng tỏ nghề rèn không thể nghèo, thu nhập của chủ lò khá cao”.

Vậy mà giờ đây, ông Tảo vẫn đau đáu trong lòng ý định bỏ nghề rèn vì lý do rất thực. Miền Nam có 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Tháng nắng thì vào thời kỳ dọn rẫy, cần nhiều công cụ như: rựa, cuốc, cào (để phát dọn); xà beng, nỏ (để đào giếng, đập đá). Nay, rừng không còn, đá thì hết. Tháng mưa thì nông dân dùng các loại thuốc diệt cỏ, máy cơ giới nên cuốc, xẻng, rựa… không cần đến. Vì vậy mà các lò rèn tắt lửa, im tiếng đe búa. “Dẫu biết rằng “đỏ lửa là có tiền”. Nhưng đỏ lửa chỉ trui rèn vài cây cuốc mẻ, tra cán rựa, mài sắc lưỡi dao… thì lấy gì mà sống, lấy gì nuôi vợ con” - ông Tảo trần tình.

 * Cha con cùng đỏ lửa

Cách lò rèn ông Tảo hơn 100m, ông Trần Văn Tâm cùng với hai cô con gái Mỹ Hạnh (học sinh lớp 12), Mỹ Hiền (học sinh lớp 11) bắt đầu ngày làm việc lúc mới 7 giờ sáng. Trong lúc làm việc, hai chị em Hạnh và Hiền còn mang theo tập sách để ôn bài. Hàng ngày, ông Tâm phân việc cho các con như sau: Hiền cầm búa, Hạnh đảm nhận quay quạt (các công đoạn còn lại thì ông đảm nhận). Ông Tâm mở đầu câu chuyện: “Tôi học nghề từ anh trai, vốn là đồ đệ của ông Tảo. Tôi đến với nghề rèn khi giã từ công việc của người thợ rừng và cân nặng chỉ 48 ký”.

“Đỏ lửa là có tiền”, câu nói nằm lòng của dân thợ rèn đã giúp gia đình ông Tâm bám nghề được 20 năm. Ngày đầu mở lò, ông Tâm làm thợ chính, bà Sơn (vợ ông Tâm) làm thợ phụ. Khi Hạnh, Hiền có thể nhờ vả được thì ông phân việc phù hợp cho từng đứa, không ảnh hưởng đến chuyện học tập.

Có tay nghề gia truyền, nhưng ông Tảo phải ngậm ngùi xóa lò khi không có ai nối nghiệp.
Có tay nghề gia truyền, nhưng ông Tảo phải ngậm ngùi xóa lò khi không có ai nối nghiệp.

Từ một anh thợ rèn tay ngang, qua bao thăng trầm, ông Tâm vẫn giữ nghề. Trong khi đó, các chủ lò được mệnh danh là gia truyền đất Quảng thì lần lượt đóng cửa, tắt bếp, chuyển đổi công việc khác. Ông Tâm tự hào nói về nghề rèn và cái khó của nghề là sự dẻo dai, nhẫn nại, chịu nóng và kỹ thuật tôi sắt thép. Tuy ông không được chân truyền từ thầy giỏi, nhưng nhờ sự chịu khó, yêu nghề và hay mày mò học hỏi nên các lưỡi dao, cuốc, rựa, xà beng… do ông chế tác ra đều sắc bén, bền chắc, không thua kém các lò rèn khác thời bấy giờ. “Từ 17 lò rèn trên địa bàn xã Xuân Tâm, nay chỉ còn tôi và ông Tảo duy trì nghề. Vậy mà, công việc bữa được, bữa mất. Ngày nào nhiều hàng cũng chỉ kiếm được 200 ngàn đồng. Chính vì vậy, năm rồi tôi để vợ đi làm công nhân”- ông Tâm thở dài bày tỏ.

Do không có con trai nên những công việc nặng nhọc, như: đập, phay, trui…, ông Tâm phải giao cho vợ và hai cô con gái đảm nhận dưới sự chỉ dẫn của ông. Ông Tâm cho biết lý do ông duy trì nghề theo kiểu gia đình vì tiền thu nhập từ nghề rèn của gia đình ông ngày càng teo tóp, không thể chia nhỏ khi thuê người làm công. Ngừng tay búa hớp một ngụm nước, Hiền quẹt mồ hôi nói: “Tuy không giỏi văn, nhưng bài văn tả về thợ rèn của em năm lớp 7 được cô giáo cho đến 7,5 điểm”.

Ông Tảo cho hay, tùy theo sắt, thép mà kỹ thuật tôi luyện khác nhau. Người giỏi nghề bao giờ sản phẩm của mình cũng bền, chắc, sắc bén. Bí quyết của nghề rèn là kỹ năng tác hợp giữa lửa và nước. 7 đồ đệ của ông sau khi thọ giáo xong vẫn không có ai làm nghề. Đó cũng là điều khiến ông Tảo rất đau lòng.

Những giọt mồ hôi của cha con ông Tâm vẫn còn chảy và chúng được bụi than nhuộm màu. Nhờ vậy mà hơn 20 năm qua ông Tâm đã khéo léo chèo lái nuôi sống gia đình bằng cái nghề rèn. Ông Tâm tâm sự, ông sẽ tiếp tục duy trì nghề rèn cho tới khi ông không còn sức, các con vào đại học. Bởi nghề rèn như ca sĩ, không đỏ lò thì nhớ nghề, ngứa ngáy tay chân. Chính vì vậy, trong những tháng ế hàng, chỉ cần mài một lưỡi dao, cuốc, rựa thu của khách hơn 10 ngàn đồng, ông cũng hồ hởi nhóm lò.

Trong vòng một năm tới, lò rèn của ông Tảo sẽ đóng cửa (ông Tảo khẳng định điều này với chúng tôi). Như vậy, xóm lò rèn xã Xuân Tâm chỉ còn duy nhất ông Tâm hành nghề. Điều này không thể khẳng định là ruộng đồng bị bỏ hoang, rừng không bị chặt phá, ông Tâm ế khách… Tuy nhiên, có thể khẳng định dù dao, cuốc, rựa… sẽ được thay bằng thuốc diệt cỏ, cơ giới hóa, nhưng cuộc sống hàng ngày của người dân nông thôn không thể thiếu chúng. Vì vậy, sau khi ông Tâm già yếu, xóa lò, biết đâu một lò mới của người trẻ hơn ở đâu đó sẽ tiếp bước.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều