Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi buồn bà mẹ... trẻ con

10:07, 20/07/2011

Trốn tránh dư luận, các thiếu nữ “lỡ dại” đành từ bỏ giấc mơ cắp sách đến trường để làm mẹ khi tuổi đời còn quá non nớt. Hoàn cảnh khá éo le, tương lai của những bà mẹ trẻ và đứa con không cha sẽ về đâu…

Trốn tránh dư luận, các thiếu nữ “lỡ dại” đành từ bỏ giấc mơ cắp sách đến trường để làm mẹ khi tuổi đời còn quá non nớt. Hoàn cảnh khá éo le, tương lai của những bà mẹ trẻ và đứa con không cha sẽ về đâu…

Lần theo địa chỉ ghi trong sổ lưu của Chi cục Bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em, chúng tôi tìm đến nhà Tr. (ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa), nơi em đang sinh sống và chăm sóc đứa con nhỏ khi tuổi đời chỉ vừa 16. Cách đây hơn 1 năm, bà B.T.N. (mẹ của Tr.), đành mang con về nhà chăm sóc, chờ ngày “khai hoa nở nhụy”, khi bản thân Tr. cũng không hiểu lý do tại sao bụng mình… ngày một lớn.

* Không hay biết “dại một giờ”

Tr. có nước da trắng ngần, dáng vẻ mảnh mai và gương mặt khá dễ thương. Mẹ của Tr. cho hay: “Tr. bị khiếm thính từ nhỏ, lại mắc chứng bệnh tim bẩm sinh, mắt nhìn không được tỏ như người khác nên cháu hay trở bệnh. Chúng tôi gửi cháu lên học ở trường khiếm thính, nhưng một thời gian sau thì hay tin cháu hay bị nôn, mệt nên phải đưa về nhà chăm sóc”. Theo lời bà N., lúc đầu gia đình chỉ nghĩ em bị đau bao tử hay có giun sán nên mới nôn mửa liên tục. Bà thường ra hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về cho Tr. uống nhưng chẳng thấy tác dụng. Hỏi thăm vài Sơ trong trường dòng thì được biết Tr. hay buồn ngủ và xuống sức nhiều, nhưng chẳng ai rõ nguyên nhân do đâu. Ba của cô bé thấy không yên tâm nên dồn tiền đưa mẹ Tr. dắt em đi khám bệnh, để rồi bà N. phải điếng lòng khi được bác sĩ báo tin Tr. có thai. Bà cho biết: “Siêu âm xong, bác sĩ gọi tôi ra hỏi chuyện và cho biết Tr. có thai đã hơn 7 tuần. Tôi ngớ người không biết chuyện gì đã xảy ra với con bé. Gặng hỏi mãi nhưng nó không biết gì cả…”.

Làm mẹ khi tuổi đời chỉ vừa 16 nên T. gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Làm mẹ khi tuổi đời chỉ vừa 16 nên T. gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

Sau nhiều hôm nghĩ suy, vợ chồng bà N. quyết định dẫn Tr. đi phá thai. Nhưng đến đâu bác sĩ cũng từ chối vì Tr. có tiền sử bệnh tim, sức khỏe suy yếu nên sẽ nguy hiểm. “Bỏ không được mà giữ cũng chẳng xong. Lần lữa mãi thì cái thai đã lớn nên nhà tôi đành để vậy. Mong sao đứa trẻ chào đời sẽ là nguồn động viên, chăm sóc cho Tr. khi mai này chúng tôi không còn sức che chở cho con bé” - bà N. tâm sự.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp mặt, nhìn T. (ở phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chẳng khác gì một cô nữ sinh trung học. Em có mái tóc dài đen nhánh và nụ cười hút hồn người đối diện. Nhà nghèo, ba mẹ suốt ngày lo làm kiếm tiền nên ít có điều kiện quan tâm đến em. Trong một lần đi sinh nhật bạn, T. gặp và quen biết Minh. Chừng đôi lần gặp gỡ, em nhanh chóng nhận lời yêu người bạn trai này. T. bộc bạch: “Anh ấy hay dẫn em về nhà chơi nên em tin anh ấy. Trong một lần ba mẹ anh đi vắng, anh rủ em về nhà chơi và “chuyện ấy” đã xảy ra... Khi nghe em nói đã có thai, anh ấy có đề cập chuyện cưới hỏi nhưng gia đình bên ấy không chấp nhận…”.

Năm lần bảy lượt gọi điện thoại thông báo cho gia đình người yêu biết chuyện xảy ra, T. chỉ nhận được những lời lạnh nhạt. “Cha mẹ anh ấy không muốn nhận em làm con dâu. Bụng bầu ngày càng lớn, nên phá đâu được” - T. ngậm ngùi cho biết. Nhờ người trưởng khu phố giới thiệu, T. nhận được nhiều sự hỗ trợ của xã hội và “sống ẩn dật” ở nhà nuôi con đến giờ.

Làm mẹ ở tuổi 15 khiến T. gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hay mỗi khi va vấp chuyện tình cảm. Em tâm sự: “Nhiều lúc nghĩ lại em thấy mình khờ quá. Giá như hồi đó tỉnh táo một chút thì đâu xảy ra cớ sự như bây giờ. Nhà đã nghèo, giờ em lại làm nặng gánh thêm cho gia đình”.

Câu chuyện của những cô bé vội yêu và sớm làm mẹ ở cái tuổi thiếu nữ như T., Tr… khiến mọi người phải giật mình và tự đặt ra câu hỏi: Nên thương hay giận các em?

 * Ngày mai sẽ ra sao?

Từ lúc hay tin Tr. có thai, hội phụ nữ của phường Long Bình đã nhiều lần đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ em về nhiều mặt. Họ giới thiệu cho gia đình Tr. tìm đến Chi cục Bảo trợ và chăm sóc trẻ em để được tư vấn, chăm sóc trước và sau khi sinh.

Trong khi bạn bè đang tung tăng cặp sách đến trường thì Tr. lại phải “náu” mình ở nhà để giữ con nhỏ. Sinh con đã gần 1 năm, gương mặt Tr. vẫn còn rất xanh xao. Trò chuyện với tôi, mẹ em phải ngồi cạnh bên để “phiên dịch”, trong khi em luôn cúi mặt xuống. Đôi mắt thâm quầng mệt mỏi, Tr. im lặng thật lâu khi tôi nhắc đến việc quay lại trường lớp. “Hồi lúc có bầu, em nói với bạn bè là em chuyển sang trường khác học. Giờ có con, em không dám đến trường đâu. Chắc em sẽ kiếm công việc gì đó để làm”. Bà N. tâm sự: “Nhiều lần chúng tôi muốn gửi Tr. đi học nghề nhưng sức con bé yếu quá, mắt lại kém, không nói, không nghe được thì ai dám nhận”.

Còn T., em còn quá nhỏ để nhận biết những bi kịch xảy ra cho sự vụng dại ở cái tuổi mới lớn. Thấy T. xanh xao, gia đình dẫn em đi khám mà T. cũng không thể hình dung mình đang mang một mầm sống trong người. Khi nghe bác sĩ cho hay em có thai 5 tháng, T. và mẹ ôm nhau khóc nức nở. Em xúc động kể: “Lúc đó em chỉ tưởng mình bị bệnh nên mới sa sút sức khỏe, ai dè đâu…”. Bụng đã lớn, T. đành nghỉ học, từ bỏ tà áo dài trắng tinh khôi để làm bà mẹ trẻ con. Em ngậm ngùi: “Nhiều lúc thấy tụi bạn bận áo dài đi học mà em thấy buồn. Em muốn đi học, muốn được sống như trước đây, nhưng… khó quá”.

Bà Ngô Kim Chi, cán bộ Chi cục Bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em, nói: “Tôi rất mong những em gái, phụ nữ độc thân lỡ dại sẽ được chăm sóc, định hướng cho họ ở bước đường tiếp theo”. Là người phụ trách chương trình bà mẹ độc thân (do nước ngoài tài trợ), bà Chi cũng như những cộng sự mong muốn trẻ em và phụ nữ sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong quá trình tư vấn, cán bộ ở đây sẽ cho các bà mẹ độc thân tìm hiểu về giới tính, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe chính mình. Đây là chương trình hỗ trợ ngắn ngày, chỉ khoảng 3 tháng/trường hợp trước và sau khi sinh. Và có 2 hình thức hoạt động: ở trung tâm và tại địa phương, nhằm tạo sự yên tâm và tin tưởng cho các bà mẹ trẻ. Theo lời bà Ngô Kim Chi, hầu hết các em gái “lỡ dại” tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn là 15-24 tuổi. Từ năm 1998 đến nay, chương trình hỗ trợ bà mẹ độc thân đã giúp đỡ được 210 em, trong đó có những em chỉ mới 12-13 tuổi. Theo đó, các em sẽ được đưa đến một địa điểm cụ thể để được nuôi dưỡng, hỗ trợ; hoặc các em sẽ được đưa về gia đình chăm sóc và nhận trợ cấp. Ngoài việc giúp đỡ các em về vật chất, các cán bộ còn trang bị giúp các em về vốn sống và giữ gìn sức khỏe giới tính…

Đứa con do chính các “bà mẹ trẻ con” dứt ruột sinh ra, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh và quyết tâm để giữ lại nuôi. Nghe tôi hỏi về bước đường tương lai, T. im lặng, ngập ngừng, ánh mắt nhìn xa xăm. Còn Tr., do không đủ sức khỏe để học nghề, em vẫn chọn việc ở vậy nuôi con mà không biết tương lai phía trước sẽ như thế nào.

Tùng Minh

 

 

 

Tin xem nhiều