Báo Đồng Nai điện tử
En

Lấy chồng ngoại: <i>Cười ra nước mắt…</i>

10:07, 12/07/2011

Tại địa bàn xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), có nhiều cô gái xuất giá theo chồng sang Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… Phía sau những tiếng cười rôm rả, những đồng tiền do con gái gửi về là những cuộc đánh đu với hạnh phúc.

Tại địa bàn xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), có nhiều cô gái xuất giá theo chồng sang Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… Phía sau những tiếng cười rôm rả, những đồng tiền do con gái gửi về là những cuộc đánh đu với hạnh phúc.

Tiếng chuông điện thoại reo vang, bên kia đầu dây, giọng L. (27 tuổi) khóc tức tưởi vì nhớ nhà, vì tủi cho số phận. Cũng như bao cô gái khác ở làng quê nghèo, L. phải ngậm ngùi lấy chồng xứ lạ mà không hề biết gì về đời tư của họ.

* Vỡ mộng nơi xứ người

Học xong lớp 12, do gia đình không có điều kiện nuôi ăn học tiếp nên L. đành từ bỏ giấc mộng làm giáo viên và đến quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) làm công nhân. Mỗi ngày L. làm quần quật suốt 2 ca, từ 7 giờ đến hơn 22 giờ, để dành dụm tiền gửi về gia đình giúp ba mẹ trang trải kinh tế. Hai năm sống cảnh xa nhà, làm việc đầu tắt mặt tối nhưng số tiền kiếm được chẳng là bao, trong khi các cô gái ở quê rủ nhau lấy chồng ngoại để kiếm chút vốn cho gia đình đỡ chật vật. Biết hoàn cảnh của L., những gia đình có con lấy chồng ngoại thường lui tới thủ thỉ, tỏ ý mai mối cho L. lấy chồng nước ngoài. Họ thường bắt đầu bằng những lời mật ngọt: “Lấy chồng ngoại sẽ sung sướng, được cưng chiều và có số tiền lớn để giúp ba mẹ sửa sang nhà cửa, làm ăn…”. Mưa dầm thấm lâu, ba mẹ của L. cũng dần thấy bùi tai trước viễn cảnh tươi đẹp mà bà mai vẽ ra. Bà T. (mẹ của L.) gọi điện trao đổi với con gái thì bị L. kịch liệt phản đối, bởi L. đã thầm yêu một người trai làng từ nhiều năm nay. Song, qua nhiều ngày đắn đo suy nghĩ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cộng thêm sự tác động mãnh liệt của bà mai, cuối cùng L. đồng ý lấy chồng người Singapore.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bà T. cho biết: “Sau khi gửi hình L. cho chú rể bên ấy xem, bà mai đến nói tháng sau là cưới. Họ đặt sẵn vé máy bay cho con tôi và bảo qua đó mới tổ chức hôn lễ”. Trước ngày đi, để thêm tin tưởng, bà mai đưa cho mẹ L. số tiền khá lớn và bảo rằng đó là của hồi môn mà chú rể gửi tặng mẹ vợ. Gạt nước mắt, bà T. cầm số tiền trên tay khi đánh đổi hạnh phúc cả đời của con gái. Bà ngậm ngùi: “Lúc đưa nó ra sân bay, tôi dặn dò nhiều lắm. Sợ nó qua đó lạ người lạ nước bị người ta ức hiếp không biết kêu ai…”.

Máy bay cất cánh chưa đầy 3 tiếng đã đưa L. sang đất nước Singapore lạ lẫm. Ra sân bay đón L. là chú rể và gia đình. Ngay lúc giáp mặt, L. cúi mặt chào chú xưng con với chồng (một tháng trước lúc về nhà chồng cô dâu được học khóa cấp tốc về ngoại ngữ). Khi biết mình bị hớ, L. hốt hoảng, khóc rấm rức suốt mấy ngày liền. Nhưng khi gọi điện về cho gia đình, L. giấu nhẹm mọi chuyện và đều khoe rằng mình sung sướng, được cưng chiều hết mực. Sau khi L. sinh đứa con gái đầu lòng thì họ ruồng rẫy, suốt ngày chì chiết khiến cô không chịu nổi mà ôm con bỏ về Việt Nam. Bà T. xúc động: “Nó bỏ đi biệt tăm hơn 1 năm nay, lâu lâu mới gọi điện về thăm con. Còn thằng chồng thì phủi tay luôn, chẳng thèm đá động gì tới vợ con”.

Không chỉ có L., nhiều cô gái lấy chồng ngoại khi sang đến xứ người mới hiểu rõ giá trị thật của tình yêu và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không lấy đó là bước cản mà vẫn tiếp tục dấn thân vào, mặc cho số phận định đoạt may rủi.

* Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo

Có con gái lấy chồng ngoại nên bà H. kiêm luôn nghề mai mối.
Có con gái lấy chồng ngoại nên bà H. kiêm luôn nghề mai mối.

Với những cô gái quê chân lấm tay bùn, để ghi điểm với bà mai và chồng tương lai thì chỉ còn cách đi “tân trang” lại cơ thể. Người nào có nhiều tiền thì tắm trắng, đi thẩm mỹ viện chỉnh sửa những phần khiếm khuyết trên cơ thể, ai ít tiền thì đi bôi kem trộn để lột da cấp tốc... Nếu ai có nhu cầu cao hơn thì liên hệ bà mai mượn tiền để làm đẹp, tiền lời tính 10%/tháng và buộc phải hoàn trả trước lúc về nhà chồng. Trường hợp của cô gái tên K. là điển hình. Hay tin chồng sắp cưới là thương gia nên K. ra sức đầu tư sắc đẹp bằng cách vay mượn tiền đi sửa mũi, tắm trắng... Nhưng gần đến ngày thành hôn, K. mới biết anh thương gia đẹp trai theo lời rỉ tai của bà mai chỉ là gã nông dân khố rách áo ôm, không đủ điều kiện lấy con gái bản địa mới qua đây chọn vợ. K. tức tối đi tìm bà mai hỏi cho ra lẽ thì bà này thật thà cho biết anh ta là “thương gia”... buôn rau. K. hủy đám cưới và phải chấp nhận bồi thường hợp đồng tiền vé may bay và toàn bộ chi phí cho bà mai. Còn số tiền hơn 10 triệu đồng vay mượn đầu tư cho nhan sắc, K. phải oằn lưng ra trả hơn một năm mới dứt. Tuy vậy, mỗi khi nghe nhắc tới chồng ngoại quốc, trong ánh mắt K. vẫn ánh lên vẻ háo hức.

Theo lời giới thiệu của người quen, tôi tìm đến ngôi nhà xây hoành tráng giữa con hẻm nhỏ đầy sình lầy ở xã Sông Ray. Đây là nơi trú ngụ của người phụ nữ tên H. (43 tuổi), chuyên làm mai mối cho những cô gái mới lớn thích ăn diện và lấy chồng ngoại. Bà H. có 5 người con, trong đó 2 đứa con gái lớn được bà gả cho đàn ông Đài loan, Malaysia. Ba người con trai kế của bà đều quậy phá, hay làm phiền lòng xóm làng. Nhà bà H. thường là điểm tụ tập của đám thanh niên choai choai đến ăn nhậu và những bà sồn sồn đánh bài tứ sắc để giết thời gian. Cũng như bà H., phần lớn những gia đình có con gái lấy chồng ngoại ở vùng quê này đều chơi chung với nhau và chỉ thích tiêu khiển chứ không muốn làm việc.

Con gái lớn của bà H., sau một thời gian lấy người chồng mắt kém đáng tuổi cha mình đã quyết định ly hôn để ưng người khác. B. (con gái lớn bà H.) vốn nổi tiếng ngoan hiền, chịu thương chịu khó nhưng lấy chồng xứ ngoại được 3 năm thì cô đổi tính và hút thuốc, uống rượu chẳng thua gì cánh đàn ông. Trở về Việt Nam, B. sa vào ăn chơi, hết cặp người này đến người khác. B. nói vẻ bất cần: “Đời còn gì để tiếc mà không chơi. Trước đây sống cho gia đình thì bây giờ sống cho bản thân mình thôi”. Một thời gian sau khi gặp B., tôi nhận được tin B. vừa đi “tuốt” lại nhan sắc để kiếm chồng. Và người chồng lần này của B. cũng chẳng khác gì người đàn ông đầu tiên, chỉ có khác là B. đã buông tay sống bất cần đời để kiếm tiền.

Khi nghe tôi bày tỏ ý định kiếm chồng ngoại, bà H. mừng ra mặt và chỉ vẽ đủ đường để lấy lòng đàng trai. Bà H. xởi lởi: “Cuối tháng này thằng A Soẻn nó về chơi, nó là bạn của H. (con gái kế của bà) nên con không phải lo. Nếu con thấy ưng thì cô dẫn ra tiệm chụp hình rồi gửi qua cho nó xem trước. Lấy chồng ngoại cho sướng cái thân con ơi, quen mấy thằng ở quê chán lắm…”. Nghe lời tỉ tê của bà, tôi khẽ cười và bảo cần suy nghĩ thêm.

Nhìn gương mặt chi chít những nếp nhăn của chàng rể bà H. trong tấm ảnh cưới treo ở góc tường, tôi thấy xót xa và băn khoăn tự hỏi vì sao các cô gái lại nhắm mắt trao thân cho những chàng rể ngoại mà không biết gì về họ ? Giá trị thực của hạnh phúc có hay không khi nhiều người chấp nhận đánh đổi mình như thế ?

Tùng Minh

 

Tin xem nhiều