Hiện nay, xe buýt đã hoạt động khắp các tuyến đường từ trung tâm TP.Biên Hòa đến các thị trấn, thị xã, các khu du lịch và các tỉnh, thành lân cận. Nhiều người dân cũng đã lựa chọn đi lại bằng xe buýt thay cho phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều khiến hành khách chưa an tâm khi đi xe buýt.
Hiện nay, xe buýt đã hoạt động khắp các tuyến đường từ trung tâm TP.Biên Hòa đến các thị trấn, thị xã, các khu du lịch và các tỉnh, thành lân cận. Nhiều người dân cũng đã lựa chọn đi lại bằng xe buýt thay cho phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều khiến hành khách chưa an tâm khi đi xe buýt.
* Phiền hà trên xe
7 giờ ngày 12-7, chúng tôi đón xe buýt tuyến số 16 từ TP.Biên Hòa đi huyện Tân Phú. Đây là tuyến “nổi tiếng” có nhiều xe phóng nhanh, vượt ẩu và gây tai nạn. Thoáng thấy chiếc xe buýt 16 vào đầu đường Võ Thị Sáu, chúng tôi vẫy tay và chẳng mấy chốc chiếc xe này thắng kêu “két…” ngay trước mặt. Một thanh niên mặc quần lửng, áo ca rô phanh ngực đứng trên xe nắm tay chúng tôi kéo nhanh lên xe. Chiếc xe nhanh chóng lao đi, một thanh niên đến yêu cầu chúng tôi trả tiền xe nhưng không đưa vé. Khi chúng tôi đòi vé, anh ta mới đi lại đầu xe lấy xấp vé ngắt đưa chúng tôi. Lúc này, trên xe mới có hơn chục người nên mỗi khi thấy có người đi bộ đứng bên đường, tài xế luôn chạy tấp vào lề đường hỏi khách dù nơi đó không có trạm dừng xe buýt. Trên đường ra Quốc lộ 1A, chúng tôi nhìn thấy tài xế luôn cho xe chạy với tốc độ từ 50km/h trở lên, vượt quá tốc độ quy định cho xe buýt trong khu đông dân cư.
Tài xế xe buýt vừa cầm lái vừa nhìn điện thoại di động bấm số - Nhân viên xe buýt tuyến số 16 không mặc đồng phục trên chuyến xe buýt sáng ngày 12-7, từ Biên Hòa đi Tân Phú. |
Theo quy định, nhân viên phục vụ trên xe buýt phải mặc đồng phục, đeo bảng tên, nhưng trên xe buýt này chỉ có người thu tiền xe mặc áo có đeo phù hiệu, không có bảng tên. Chưa hết, khi ngửi thấy mùi thuốc lá khó chịu từ người đứng kế bên, chúng tôi nhắc khéo hành khách này thì anh ta chỉ về phía bác tài vừa cầm lái vừa vô tư phì phèo thuốc lá. Cạnh bác tài cũng có hai hành khách khác đang “thi” nhả khói thuốc, khiến nhiều hành khách đứng, ngồi gần đó phải chịu trận.
Trên đường chạy đến ngã tư Dầu Giây, chiếc xe buýt tuyến 16 này liên tục ra, vào lề đường đón khách. Tài xế tên K. phân bua, ở đoạn đường nông thôn này cứ cách mấy cây số mới có một trạm xe buýt nên phải dừng xe ngay khi có khách đón xe, bất kể có trạm hay không. Trên đoạn đường từ Trảng Bom đến đây, chúng tôi thấy kim tốc độ trên xe luôn chỉ mức 65-80km/h, quá tốc độ quy định. Do vậy, mỗi khi có khách đón xe trên đường, tài xế phải tấp xe vào và thắng gấp, làm những người đứng trên xe té dúi dụi vào nhau. Khổ nhất là các cụ già luôn nhăn nhó khi bị những cú dằn xóc nảy người do xe chạy nhanh và ngã dúi do xe thắng gấp. Chúng tôi hỏi “Không sợ cảnh sát giao thông bắn tốc độ hay sao?” thì tài xế K. cười khì cho biết, các tài xế đều biết nơi nào có cảnh sát giao thông kiểm tra để chạy cho đàng hoàng. Liền lúc đó, anh ta vội đưa tay ra dấu cho tài xế xe buýt ngược chiều hỏi thăm có chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông ở phía trước hay không. Động tác này được tài xế thực hiện liên tục khi thấy các xe buýt đối diện.
Trên đường đi, dù luôn chạy xe quá tốc độ nhưng bác tài này vẫn liên tục sử dụng điện thoại di động. Một tay cầm lái, tay kia anh ta vừa bấm vừa nhìn xuống bàn phím để nhắn tin hoặc bấm số, bất kể việc đó làm mất tập trung quan sát mặt đường gây nguy hiểm.
Xe vào quốc lộ 20 là tuyến trùng với tuyến xe buýt 602 (từ Phú Túc, huyện Định Quán đi Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh và ngược lại) nên tài xế xe buýt 16 chạy rất nhanh để giành khách. Bác tài liên tục gọi điện thoại di động để nắm tình hình xe buýt 602 và phóng xe với tốc độ trên 80km/h. Khi xe về tới bến ở huyện Tân Phú, kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ 30, chúng tôi mệt mỏi vì hơn 3 giờ đứng, ngồi trên chuyến xe buýt qua cung đường gần 100km này. Trên đường trở về Biên Hòa cũng bằng xe buýt tuyến 16, chúng tôi cũng mệt mỏi vì tình trạng tài xế xe buýt lúc chạy rà rà, lúc lại phóng quá tốc độ và những vi phạm như: hút thuốc, sử dụng điện thoại di động…
* Sai phạm là “chuyện thường ngày”
Bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (QLĐHVTHKCC), cho biết: “Vi phạm phổ biến của các tài xế xe buýt là tình trạng chạy “rà, rút”. Tức là tài xế chạy xe tà tà với tốc độ rùa bò khi khởi hành để chờ bắt cho nhiều khách. Khi đến điểm kiểm tra tuyến thì tài xế lại chạy rút quá tốc độ cho đúng thời gian quy định. Ngoài ra, các tài xế xe buýt khi đến các đoạn đường trùng tuyến với xe buýt khác cũng cho xe chạy quá tốc độ để tranh giành khách. Chính những lúc chạy quá tốc độ này đã gây ra nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) từ xe buýt”.
Điển hình cho tình trạng chạy quá tốc độ cũng là ở tuyến xe buýt số 16. Trong 6 tháng đầu năm 2011, các xe buýt ở tuyến này đã gây ra 9 vụ TNGT, trong đó có vụ do tài xế chạy quá tốc độ làm lật xe, đụng chết một người ở huyện Thống Nhất vào ngày 22-6. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Trung tâm QLĐHVTHKCC cho thấy, tình trạng chạy “rà, rút”, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách trên tuyến còn rất nhiều và xảy ra ở nhiều tuyến, như: tuyến số 2, 4, 10, 11, 15, 602. Qua thực tế ghi nhận trên các tuyến, chúng tôi nhận thấy tình trạng xe buýt phóng nhanh để giành khách xảy ra khá phổ biến. Ngay cả tuyến số 14 chạy trên đường 769, dù không trùng với tuyến nào cũng thường phóng nhanh quá tốc độ quy định.
Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm QLĐHVTHKCC đã tổ chức kiểm tra, phát hiện gần 1.500 trường hợp vi phạm trên các chuyến xe buýt toàn tỉnh. Các vi phạm phổ biến là: tài xế bỏ tài, bỏ chuyến; nhân viên phục vụ hoặc tài xế có thái độ phục vụ không tốt; thu tiền khách không xé vé hoặc lấy quá giá quy định; bỏ trạm, bỏ khách, bỏ nhân viên kiểm tra... Ngoài việc kiểm tra trực tiếp, trung tâm còn lập 2 đường dây nóng số 0908149543 và 0613.840937 để tiếp nhận thông tin phản ảnh của hành khách về những vi phạm, thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt. Gần 100 trường hợp phản ảnh của hành khách qua đường dây nóng đã được trung tâm xác minh, xử lý. Bà Ty cho biết thêm, trung tâm thường xuyên cho nhân viên kiểm tra xe buýt đột xuất để ghi nhận những vi phạm của tài xế, nhân viên phục vụ nhằm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Thế nhưng, các tài xế xe buýt biết mặt nhân viên kiểm tra nên họ bỏ trạm không đón cả khách lẫn nhân viên kiểm tra.
Đầu tháng 7-2011, Sở Giao thông - vận tải đã chỉ đạo chấn chỉnh có hiệu quả hơn hoạt động xe buýt, trong đó có cả việc đình chỉ hoạt động của các xe buýt vi phạm. Bà Thái Thị Ty cũng mong muốn được Sở Giao thông - vận tải tăng thêm thẩm quyền cho trung tâm để xử lý có hiệu quả các vi phạm của xe buýt. Bên cạnh đó, các xe buýt cần được lắp đặt hộp đen (thiết bị giám sát hành trình), giúp các đơn vị quản lý theo dõi được từng chiếc xe buýt trên đường chạy (thông qua máy vi tính nối mạng). Bởi, máy tính có thể cho biết thông số về độ dài quãng đường, thời gian cầm lái của tài xế, tốc độ hiện hành của xe, số lần dừng trạm và ngay cả các hành động của tài xế, nhân viên phục vụ... để qua đó cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các xe buýt vi phạm.
Anh Lê Văn Đức, Trưởng phòng kế hoạch của Trung tâm QLĐHVTHKCC, cho biết: “Tình trạng nhân viên thu tiền của khách mà không xé vé xảy ra rất nhiều. Nếu không kiểm tra việc xé vé thì các nhân viên chỉ báo cáo khoảng 50% sản lượng so với thực tế số lượng hành khách đi xe”. Cũng theo anh Đức, tài xế xe buýt tuyến 16 phải chạy đến 3 chuyến/ngày. Mỗi chuyến phải chạy suốt quãng đường gần 100km nên tài xế phải làm việc quá số giờ trong ngày theo quy định, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. |
Thanh Toàn