Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an nói chung, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là những người lính trên trận tuyến thầm lặng nhưng nhiều hy sinh, vất vả.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an nói chung, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là những người lính trên trận tuyến thầm lặng nhưng nhiều hy sinh, vất vả. Trong cuộc chiến chống lại “cái chết trắng” để giành lại sự bình yên cho xã hội, hạnh phúc cho từng cá nhân và gia đình người nghiện, các anh phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí có lúc phải hy sinh xương máu, hạnh phúc riêng tư trên đường truy bắt tội phạm…
“Tội phạm ma túy là tội phạm ẩn, không địa chỉ, hoạt động không biên giới và có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với công an. Do vậy, để xác định được hành vi phạm tội của chúng, các trinh sát phải có bản lĩnh, thậm chí có khi phải hóa thân để xông vào tận hang ổ của chúng thì mới mong triệt phá được” - Trung tá Phan Văn Công, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), người có hàng chục năm đấu tranh với bọn tội phạm ma túy, tâm sự về những vất vả, khó khăn của những người làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
* Cuộc chiến không ngơi nghỉ
Ðồng Nai tuy chưa phải là địa bàn nóng về ma túy và cũng không phải là địa bàn trọng điểm về nạn mua bán ma túy với số lượng lớn, nhưng những năm qua, hoạt động của bọn tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Qua nhiều vụ án ma túy được khám phá cho thấy, ma túy được thẩm lậu vào địa bàn tỉnh từ nhiều nguồn, từ các tỉnh phía Bắc, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, thông qua con đường mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ. Do vậy, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy (PCMT) một mặt là phải chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kết hợp với đấu tranh triệt xóa các băng nhóm tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất trái phép các chất ma túy, đồng thời phải tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy.
Dẫn độ tội phạm ma túy từ Nam Ðịnh vào Ðồng Nai. Ảnh: T.L |
Thực tế, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998-2010 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng cảnh sát PCMT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ngành chức năng tổ chức công tác phòng ngừa xã hội thông qua việc tuyên truyền, giáo dục PCMT trong sinh viên, học sinh, thanh niên, công nhân và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được chuyển tải bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng địa bàn và đối tượng, như: thi tìm hiểu về đề tài PCMT, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các chương trình văn nghệ, giao lưu văn hóa, phát hành băng đĩa, pano, tờ bướm, thi viết tin bài PCMT trên báo tường tại các trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng... Mặt khác, lực lượng phòng ngừa ma túy thuộc PC47 còn tỏa xuống các địa bàn cơ sở, lặn lội đến các vùng sâu, xa để chuyển tải các chủ trương, chính sách pháp luật của Ðảng, Nhà nước về công tác đấu tranh PCMT cho người dân; tổ chức cho hàng trăm ngàn hộ dân đăng ký không chứa chấp, tàng trữ, sản xuất, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy.
Mồ hôi, công sức của các chiến sĩ PCMT đổ ra nhiều năm qua không chỉ góp phần cứu nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ tan nát vì có người thân nghiện ngập, mà còn trả lại cho xã hội nhiều công dân mạnh khỏe sau nhiều năm sống trong tăm tối, u mê vì sa chân vào ma túy. Qua đó, tạo được bước chuyển đáng kể trong việc nâng cao nhận thức cho mọi người về công tác đấu tranh PCMT và tham gia phát hiện, tố giác các loại tội phạm ma túy trên địa bàn.
* Hy sinh thầm lặng
Dù công tác đấu tranh PCMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực, song tệ nạn ma túy vẫn còn là nỗi nhức nhối của xã hội. Trong giai đoạn 1998-2010, cảnh sát PCMT toàn tỉnh đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, phát hiện và triệt xóa 1.992 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy; bắt, lập hồ sơ và đề nghị truy tố 4.930 đối tượng phạm pháp ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, kể cả người nước ngoài; thu giữ một lượng lớn tang vật gồm: 385,7kg thuốc phiện, 1,5 bánh heroin, gần 600 cục heroin, 8.892 tép heroin, 527 viên ma túy tổng hợp, gần 2.000kg cần sa khô, hàng trăm ngàn cây cần sa tươi, 4 khẩu súng ngắn, 22 viên đạn, 2 lựu đạn…
Một đối tượng mua bán ma túy bị bắt giữ. Ảnh: T.L |
Qua từng vụ án, nhiều đối tượng trong các băng nhóm tội phạm ma túy bị phát hiện đã phải trả giá đắt trước pháp luật cho hành vi phạm tội của mình. Nhưng những hình phạt nghiêm khắc ấy vẫn không làm cho chúng chùn tay. Ma túy vẫn từng ngày âm thầm thẩm lậu vào địa bàn tỉnh bằng nhiều con đường, thông qua các con nghiện, đồng thời cũng là kẻ mua bán ma túy.
Trung tá Phan Văn Công cho biết, trong số rất nhiều vụ án mua bán ma túy được khám phá, có khoảng 70% đối tượng cầm đầu là con nghiện. Do “đói thuốc” và để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, họ đến TP.Hồ Chí Minh mua ma túy về sử dụng rồi bán lại cho các bạn nghiện để kiếm lời, bất chấp sự lên án của xã hội và sự trừng phạt của pháp luật. Cũng có trường hợp, kẻ gieo rắc “cái chết trắng” không phải là con nghiện, nhưng trước lợi nhuận từ việc mua bán ma túy nên đã nhắm mắt làm liều, không từ bỏ một thủ đoạn nào, kể cả sử dụng con cháu đang trong độ tuổi vị thành niên làm công cụ đi gieo rắc “cái chết trắng”. Từ đây, ma túy len lỏi vào các nhà hàng, quán bar, karaoke, các khu nhà trọ công nhân, trường học, các khu lao động nghèo… Kẻ mua bán ma túy đã dụ dỗ, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên nhẹ dạ, đua đòi ăn chơi, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình vào con đường nghiện ngập.
Những năm gần đây, bọn tội phạm ma túy chủ yếu chỉ mua bán các mặt hàng như: các loại tân dược gây nghiện, ma túy tổng hợp (thuốc lắc, hàng đá), heroin,… vì đây là các loại ma túy nhỏ, gọn, dễ cất giấu, vận chuyển lại có giá trị lớn. Và, để đối phó với lực lượng công an, bọn tội phạm ma túy thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, sẵn sàng dùng vũ khí và hung khí tấn công những người thi hành công vụ nếu bị phát hiện. Do vậy, trong quá trình chiến đấu với bọn tội phạm ma túy, cảnh sát PCMT phải đối diện với nhiều rủi ro như: bị thương tích, bị lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...
Đức Việt