Tọa lạc trong khuôn viên rộng trên 24 hécta thuộc phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), Trường cao đẳng nghề số 8 là nơi được các học sinh người dân tộc tìm đến học tập. Từ đây, những người thợ giỏi tay nghề đã được đào tạo để về phục vụ cho buôn làng, nâng cao đời sống văn hóa, vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Tọa lạc trong khuôn viên rộng trên 24 hécta thuộc phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), Trường cao đẳng nghề số 8 là nơi được các học sinh người dân tộc tìm đến học tập. Từ đây, những người thợ giỏi tay nghề đã được đào tạo để về phục vụ cho buôn làng, nâng cao đời sống văn hóa, vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Sinh ra và lớn lên tại vùng xa xôi, nơi điều kiện sống còn khiêm tốn, cuộc sống của những đứa trẻ người dân tộc thiểu số những tưởng sẽ chỉ quanh quẩn bên buôn làng, nương rẫy… Nhưng, cuộc đời vẫn rộng mở, khi chính quyền địa phương và các cấp lãnh đạo đã quan tâm, tạo điều kiện cho các em đổi đời thông qua việc hướng nghiệp, học nghề…
Từ những năm đầu khi thành lập, Trường cao đẳng nghề số 8 (gọi tắt Trường nghề số 8) đã đề ra mục tiêu đào tạo ra đội ngũ học viên không chỉ lành nghề, mà phải có tư chất đạo đức tốt. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, trường đã áp dụng kỷ luật và nếp sinh hoạt như trong quân ngũ để uốn nắn các học viên theo khuôn phép.
* Phải gắng học
Điểu Thanh Vũ (12 tuổi) vào Trường nghề số 8 học thấm thoát đã gần tròn một năm. Ban đầu, vì xa lạ với môi trường, phần vì nhớ gia đình nên em khá ương bướng. Những ngày đầu vào đây học, tối nào em cũng thút thít khóc vì nhớ mấy anh chị ở quê, nhớ thằng út hay tranh đồ chơi với mình… Em cho biết: “Lúc mới vào đây, nhìn thứ gì cũng lạ lẫm. Không quen biết ai nên em buồn lắm. Mỗi lần gọi điện về nhà lại khóc và đòi về…”. 12 tuổi nhưng thân hình của Vũ rất nhỏ nhắn, khiến người đối diện mới gặp lần đầu dễ nhầm em là học sinh lớp 3. Nhà ở Định Quán, Vũ lại là con em gia đình đồng bào dân tộc Chơro. Học xong tiểu học, em được các cán bộ xã lập danh sách đưa lên huyện để gửi vào Trường nghề số 8 học tiếp.
Rồi mai đây các em sẽ trở lại quê nhà với những vốn kiến thức được học để giúp ích cho mọi người. Ảnh: T.MINH
Ở cùng phòng với Vũ là K’Tịnh, nhà ở huyện Tân Phú, người dân tộc S’Tiêng. K’Tịnh là con kế út trong gia đình có 5 anh em. Nhà K’Tịnh nghèo, bố mẹ suốt ngày bán mặt cho nương rẫy nên họ rất mong những đứa trẻ của vùng quê hẻo lánh sẽ biết đến con chữ, đem nguồn sáng tri thức về buôn làng. Vì không có điều kiện thăm nom nên suốt cả năm học tại Trường nghề số 8, ba mẹ K’Tịnh chỉ có thể đón xe buýt đến thăm em 3 lần. Trên tay của K’Tịnh là chuỗi hạt nhựa đủ màu sắc. Khi nói chuyện với người lạ, thỉnh thoảng K’Tịnh hay lấy tay xoay xoay vòng dây. K’Tịnh hồn nhiên khoe: “Đây là sợi dây bà nội tự tay làm tặng em lúc em lên đây học. Bà nội già lắm rồi, mắt nhìn không tỏ như trước nữa. Có lần mẹ gọi điện lên hỏi thăm và kể nội bị bệnh ho kéo dài khiến em thấy lo và buồn lắm…”.
Nói xong, đôi mắt K’Tịnh đỏ hoe, em lặng im nhìn xung quanh rồi ngồi vào một góc giường. Tôi bước đến gần, K’Tịnh có vẻ ngại ngùng. Mới 15 tuổi, nhưng em đã ý thức rõ những điều mẹ dạy: “Con trai khóc mà để người khác thấy là kỳ lắm…”.
Một lúc sau, K’Tịnh lấy vở ra nhẩm miệng ôn bài. Em và các bạn đang trong giai đoạn thi học kỳ nên phải cố gắng để không phụ lòng trông đợi của mọi người. K’Tịnh tâm sự: “Nhiều hôm nhìn quanh ai cũng ngủ cả rồi, chỉ còn mình em vẫn nằm im đấy, tự dưng em thấy nhớ mẹ lắm. Nhưng phải ráng cố gắng, vì mỗi lần mẹ lên thăm đều dặn dò em phải ngoan và học thật tốt để về buôn làng giúp mọi người”.
* Gắn kết cộng đồng
Ông Nguyễn Xuân Quế, Trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng nghề số 8, cho biết: “Vào những dịp lễ, Tết hay nghỉ hè, chúng tôi đều tổ chức xe đưa rước các em về tận gia đình. Làm như vậy vừa tiết kiệm chi phí cho các em, vừa thể hiện sự quan tâm của nhà trường đối với học viên…”. Hiện tại, trường có 1.500 chỗ ở nội trú cho bộ đội xuất ngũ và sinh viên đồng bào các dân tộc ít người. Các khoản chi phí, sinh hoạt nhà trường đều tạo điều kiện tốt nhất cho học viên và miễn hoàn toàn các chi phí. Ông Quế nói thêm: “Nhiều em gia đình nghèo, không có điều kiện học ở nơi khác vì tốn nhiều chi phí… Hiểu rõ điều đó nên những trường hợp khó khăn, diện chính sách, chúng tôi đều tạo điều kiện để các em yên tâm ăn học”.
Những đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên nương rẫy, giờ đây đã được xã hội chăm lo cho ăn học và hướng nghiệp. Ảnh: T.MINH
Theo chân một cán bộ quản lý học viên, tôi có dịp tiếp xúc với những học viên nữ của Trường nghề số 8. Đang trong giờ hành chính nên các em phải mặc đồng phục gọn gàng, dù hôm tôi đến thăm là ngày nghỉ của các em. Hỏi dò một cán bộ thì được biết, nếu em nào không mặc đồng phục trong giờ hành chính mà không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật và trừ điểm thi đua. Em Vương Hoàng Nhật Linh, dân tộc Hoa, cho biết: “Ban đầu tụi em hòa nhập khó khăn với kỷ luật khắt khe của nhà trường, nhưng rèn luyện một thời gian cũng dần đi vào nề nếp. Ai cũng theo đúng nguyên tắc mà mình lại không làm theo thì kỳ lắm”. Linh vào đây học được một năm. Lúc đầu em cũng rất lo, vì sợ đi học sẽ làm nặng gánh lên vai mẹ. Nhưng khi được các thầy cô giải thích rằng em cứ yên tâm học tập, mọi thứ được nhà trường lo hết thì Linh mới an lòng. Ba Linh mất cách đây 3 năm do bị ung thư gan. Linh là chị cả trong gia đình nên những hôm đầu nhập học em lo không ai đỡ đần việc nhà cho mẹ, trong khi đứa em trai chỉ mới vào lớp 1. Biết Linh lo xa nên mẹ em hay gọi điện trấn an. Linh cho biết: “Lần nào về nhà mẹ cũng hỏi thăm, dặn dò em phải cố gắng. Học xong em chỉ muốn về lại Định Quán làm việc để gần gũi và chăm sóc mẹ”.
Trong khi đó, học viên Vi Thị Bé, người dân tộc Mường, hân hoan nói về giấc mơ đang được em biến thành hiện thực với sự nỗ lực học tập không ngừng. Khi đó, em sẽ là nữ điều dưỡng khoác trên mình chiếc áo blue trắng tinh khôi đi thăm khám và chăm sóc cho người bệnh. Tuy nhiên, trong chốc lát Bé lại trở về với thực tại là phải ôn bài để đối mặt với kỳ thi quan trọng, quyết định giấc mơ của em.
Tiếng kẻng báo giờ cơm trưa vang lên, từng tốp học viên chạy xuống sân ký túc xá xếp hàng ngay ngắn và đi về hướng nhà ăn tập thể. Tôi đứng đó nhìn theo và mường tượng về một tương lai đẹp, nơi ấy có những người thợ giỏi tay nghề, những nữ y tá dịu hiền… sẽ làm đổi thay bộ mặt của địa phương, bản làng.
Tùng Minh