Sau gần 250 năm, Phú Quốc - hòn đảo ngọc, đã trở thành hòn đảo tự do, hòn đảo của những người dân cày, thuyền chài sớm hôm cần mẫn không được mấy ngày.
Sau gần 250 năm, Phú Quốc - hòn đảo ngọc, đã trở thành hòn đảo tự do, hòn đảo của những người dân cày, thuyền chài sớm hôm cần mẫn không được mấy ngày.
Trước và sau ngày 2-9-1945, ở miền Bắc, các thế lực phản động trong nước tìm đủ mọi cách phá hoại thì một dải non sông ở phía Nam của Tổ quốc đang thật sự lâm nguy. Ngay trong ngày Tết “độc lập” đầu tiên của nhân dân ta, máy bay của không quân Hoàng gia Anh đã bay lượn trên bầu trời Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Những ngày sau đó, là các đội quân xâm lược từ các nước thuộc địa của thực dân trên thế giới và từ các vùng phụ cận tràn vào Sài Gòn. Trên đường phố, lính ngoại xâm đông hơn dân lành, bởi bên cạnh mười ngàn lính Pháp là hai mươi ngàn quân Anh và bốn mươi ngàn quân Nhật.
Nửa đêm 23-9-1945, trong trang phục quân đội Anh, quân Pháp bất ngờ nổ súng tấn công các công sở của chính quyền cách mạng trong thành phố Sài Gòn. Tiếng súng nổ khắp thành phố Sài Gòn báo hiệu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp trên đất nước ta bắt đầu.
Ngay trong ngày hôm ấy, Xứ ủy và ủy ban nhân dân Nam bộ đã họp khẩn cấp và phát đi lời kêu gọi thiêng liêng:
“…Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!”
Tại thủ đô Hà Nội, nghe tin quân Pháp xâm lược Nam bộ, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh quặn thắt. Người luôn xem miền Nam trong trái tim tôi, và thường nói: Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi, đã triệu tập tức thì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc bộ Phủ để kêu gọi cả nước chi viện miền Nam, thành lập các đội quân Nam tiến. Trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, lời Hồ Chủ tịch như tiếng gọi của non sông:
“... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: Thà chết tự do hơn sống nô lệ!”.
Cả nước đã hưởng ứng lời thề với núi sông mà Hồ Chủ tịch đã đưa ra chưa tròn một tháng trước đó: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Những đoàn quân xuất phát từ ga Hàng Cỏ, đi về phía Nam, đến với Bình Lợi - Sài Gòn, Xuân Lộc - Biên Hòa,…
Quân Pháp lại kéo vào miền Bắc với danh nghĩa quen thuộc của những kẻ xâm lược. Hải Phòng là cửa ngõ quan trọng để từ đó đổ quân về Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ.
Một hình ảnh trái ngược đã diễn ra: khi quân xâm lược với đầy đủ khí tài, phương tiện kéo đến, thì từng đoàn dân lành lũ lượt gồng gánh tản cư.
Sau lưng họ là nhà cửa, ruộng vườn, phố phường bao đời gắn bó.
Sau lưng họ là ngọn lửa chiến tranh mà kẻ thù vừa châm lấy.
Sau lưng họ cũng là ngọn lửa do chính tay của những người thợ cày, thợ cấy nhóm lên quyết tiêu thổ để kháng chiến.
Chiến trường mỗi lúc một lan rộng, bởi giặc Pháp nôn nóng muốn chiếm lại những rừng vàng, biển bạc chúng đã cướp của dân ta gần một trăm năm.
Khi xưa, giặc lập nhà tù nhiều hơn trường học để đàn áp người dân phản kháng. Lúc này, nhà tù được lập nên nhanh và nhiều hơn trước, theo từng bước chân đẫm máu của chúng hòng giam cầm những người kháng chiến, những ai quyết không chịu sống quỳ.
Chiến tranh mỗi lúc một khốc liệt. Những nhà tù giặc mới vừa lập nên đầy ắp các tù binh Việt Minh.
Hình thành cả một hệ thống nhà lao trên đất liền chưa đủ, thực dân Pháp còn xây dựng các nhà tù ngoài hoang đảo Việt Nam và cả ở hòn đảo xa xôi đang là thuộc địa của chúng ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Lý do thật đơn giản, tại ốc đảo xa xôi đó, những người chống lại chế độ thực dân bị cắt đứt mọi liên lạc với người thân, bạn bè, đồng chí, với đất Mẹ thiêng liêng.
Tại Việt Nam, thực dân Pháp nhận thấy Phú Quốc là nơi lý tưởng để chúng xây dựng nên một nhà tù mới, xa cách với đất liền, ở tận cực nam của Tổ quốc ta. Ở đây, chúng tận dụng cơ sở là các doanh trại của hơn 30 ngàn tàn quân Tàu Tưởng (Quốc Dân đảng) để lại trên một diện tích gần 40 hécta. Từ tháng 7-1953, trên bản đồ hệ thống nhà tù dày đặc của Pháp ở Đông Dương, Căng Cây Dừa - Phú Quốc trở thành một điểm đặc biệt. Bởi chỉ chưa đầy một năm, số tù binh vốn là những cán bộ, bộ đội, du kích Việt Nam mà giặc Pháp giam giữ đã tăng từ 300 người lên gần 15 ngàn người. Căng Cây Dừa - Phú Quốc đạt kỷ lục là nhà tù đông nhất trên toàn cõi Đông Dương, với số tù binh gấp 30 lần so với số quân địch cai quản vào bảo vệ hòn đảo châu ngọc này.
Sau khi Nam bộ đứng lên đáp lời sông núi, toàn cõi Việt Nam nơi đâu cũng anh dũng chống quân xâm lược Pháp. Ở miền Bắc, quân đội của Cụ Hồ đã nhanh chóng được tổ chức thành quân đội quốc gia, bẻ gãy các đợt càn quét của kẻ thù vào chiến khu. Ở miền Nam, đầu năm 1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa do đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy đã đánh thẳng vào tỉnh lỵ; giữa năm, bộ đội và du kích Đức Hòa, Long An bẻ gãy cuộc tấn công của 2.000 lính lê dương, phá hủy 25 xe quân sự, bắn rơi một máy bay,…
Tiến thoái đối với giặc Pháp đều lưỡng nan.
Tình thế chiến trường khiến quân xâm lược Pháp phải liên tục chuyển quân, thay đổi cả chiến thuật lẫn chiến lược. Chúng phải dồn quân về đồng bằng, xây dựng hậu cứ trước khi muốn bành trướng dã tâm.
Còn nhớ, khi khởi sự cuộc chiến xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Tổng chỉ huy lực lượng lục quân Pháp ở Viễn Đông, tướng Leclere vạch ra kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” từ vùng trọng yếu Sài Gòn - Chợ Lớn rồi mở rộng toàn cõi Đông Dương chỉ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, 3 tháng, 6 tháng, rồi một năm, hai năm, từ Leclere, Nyo, đến Bollaert, Tassigny, De Latour, Chanson... vẫn không sao thực hiện được giấc mộng đầy hoang tưởng đó.
B.Q.H