Báo Đồng Nai điện tử
En

“Ốc tiêu” không đơn độc

09:06, 21/06/2011

Tiếng chuông điện thoại vừa vang lên trong căn phòng nhỏ, Lâm Thị Nhi vội vàng chạy đến dãy phòng học của Khoa Kế toán để đẩy xe lăn cho người bạn tật nguyền Ngọc Diễm. Nhi là một trong ba cô gái đã sát cánh cùng Ngọc Diễm “ốc tiêu” trong những năm học tại Trường cao đẳng nghề số 8 (phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

Tiếng chuông điện thoại vừa vang lên trong căn phòng nhỏ, Lâm Thị Nhi vội vàng chạy đến dãy phòng học của Khoa Kế toán để đẩy xe lăn cho người bạn tật nguyền Ngọc Diễm. Nhi là một trong ba cô gái đã sát cánh cùng Ngọc Diễm “ốc tiêu” trong những năm học tại Trường cao đẳng nghề số 8 (phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

 

Giọt mồ hôi thấm nhòe vai áo nhưng trên môi của Nhi luôn nở nụ cười tươi tắn. Ít ai biết, phía sau những nỗ lực và thành công trong học tập của Ngọc Diễm “ốc tiêu” là sự trợ giúp nhiệt tình của 3 cô bạn nữ người dân tộc thiểu số…

 

* “Đôi chân” của Diễm

 

Ngọc Diễm là cô gái nghị lực, chăm chỉ, biết vượt lên số phận để chứng tỏ năng lực. Tuy nhiên, thuở thơ bé của Diễm là chuỗi ngày đầy nước mắt. Ba của Diễm từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Không may, ông đã mang di chứng chất độc da cam nên tạo ra một hình hài không trọn vẹn gắn với cái tên “ốc tiêu” của Diễm. Ngày ấy, gia đình khó khăn, mọi thứ chỉ trông chờ vào những vụ mùa thu hoạch. Khi sinh Diễm ra, không ai ngờ ngôi sao xấu ấy lại soi vào cuộc đời của Diễm. Mãi khi lên 3 tuổi mà Diễm chỉ biết bò lê, trong khi đôi chân ngày một teo tóp bất thường. Lúc đi khám, mọi người mới thót tim khi hay tin Diễm mang di chứng chất độc da cam nên tứ chi không thể vẹn toàn như người khác. Diễm xúc động kể: “Những ngày đầu đi học xa nhà, ai cũng lo vì họ biết em không thể xoay sở những việc làm đơn giản nhất. Có lẽ, cuộc đời cướp đi của em đôi chân lành lặn, đôi tay khỏe mạnh nhưng lại trả cho em những người bạn tuyệt vời như Nhi, Diệu, Trang…”.

 

Mỗi lần tan học, Nhi và các bạn lại cùng nhau đẩy xe lăn của Diễm. Ảnh: T.MINH

Trong căn phòng nhỏ của 4 cô gái, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng và sạch sẽ. Nhi ngồi cạnh chiếc xe lăn của Diễm, thi thoảng cô bé lại đưa tay xoa nắn đôi bàn chân teo tóp của người bạn bất hạnh. “Em không ngại làm những việc này sao?” - tôi hỏi. “Dạ không!” - Nhi nhanh miệng đáp. Khi tôi hỏi lý do, em giải thích khá đơn giản: “Ban đầu, em cũng không nghĩ mình có thể chăm sóc chị Diễm lâu dài. Nhưng làm riết tự dưng thấy gần gũi và thương chị ấy lắm…”.

 

Nhi sinh ra trong gia đình làm nông ở Tà Lài (huyện Tân Phú). Cái nắng gió của làng quê đã nung nấu trong em đức tính chịu thương, chịu khó, luôn muốn bao bọc những người khốn khó hơn mình. Năm 2008, Nhi vào học ngành may công nghiệp ở Trường cao đẳng nghề số 8. Cũng từ đây, em đã gặp “đại ca ốc tiêu” Ngọc Diễm. “Những lần nhìn thấy “ốc tiêu” vất vả với chiếc xe lăn trên sân trường, Nhi lại se lòng và quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ những người như Diễm. Do đó, em về nhà kể chuyện với gia đình và quyết định xin chuyển phòng để chăm sóc chị ấy” - Nhi tâm sự.

 

* Chỉ sợ bạn ngại nhờ vả

 

Đối với những học viên khác ở Trường cao đẳng nghề số 8, họ chỉ cần thức dậy lúc 5 giờ 30 để làm vệ sinh cá nhân, sau đó đi tập thể dục, ăn sáng rồi đến lớp. Nhưng với Nhi, Trang, Diệu, mỗi ngày thức dậy lại bộn bề với công việc. Các em phải dậy sớm trước đó 15 phút để giúp Diễm làm vệ sinh cá nhân, lau dọn phòng, xếp lại mền mùng theo quy định. Diễm cho biết: “Những công việc của cá nhân em không thể tự mình xoay sở được vì không thể đi đứng được như người khác. Ngày nào các bạn Trang, Nhi, Diệu cũng giúp em làm mọi việc…”.

 

Trong lúc mọi người tập thể dục buổi sáng thì họ lại tranh thủ chạy ra nhà ăn lấy cơm mang về phòng để cùng ăn với nhau. Bởi, sau khi ăn xong, một trong 3 cô gái sẽ luân phiên đẩy xe lăn cho Diễm đến lớp. Công việc tất bật là vậy, nhưng trên môi họ luôn nở nụ cười và lắc đầu bảo không có hề chi. Nhi thật thà: “Làm riết rồi cũng quen. Đôi lúc em cứ lo chị Diễm ngại không dám nhờ vả điều gì vì sợ làm phiền tụi em…”.

 

Những tình bạn chân thành mới có thể làm những công việc như thế này trong suốt 3 năm.

Tranh thủ lúc mặt trời vừa hửng nắng, Nhi vội mang quần áo của cả phòng ra sân phơi phía sau dãy ký túc xá. Đôi tay nhỏ nhắn ôm lấy đống quần áo còn ẩm mùi, Nhi giải thích: “Dạo này nắng mưa bất thường nên tụi em phải tranh thủ phơi đồ cho có nắng. Mình còn đi đứng nên chịu được chứ chị Diễm ngồi một chỗ mà mang đồ ẩm thì tội lắm…”. Và có lẽ tôi sẽ không tin vào mắt mình nếu không có dịp chứng kiến cảnh Nhi và các bạn thay đồ, cởi vớ rồi mang ra chậu giặt cho Diễm. Nếu đó là ngày một, ngày hai tôi sẽ không lấy làm lạ, nhưng các em đã làm những việc này trong suốt nhiều năm mà không hề kêu ca, than thở. Và tình bạn càng xúc động biết bao khi tôi được nghe một trong số các em kể lại những chuyện tế nhị xung quanh việc thay đồ, tắm rửa cho Diễm…

 

Nói đến đây, họ đột nhiên im lặng, có tiếng sụt sùi khóc từ trong góc phòng. Tôi lắng nghe tiếng lòng mình chan hòa cùng tiếng khóc của những cô bạn sống tại đây. Rồi mai này, khi tốt nghiệp ra trường, trên bước đường đời của Diễm sẽ không còn Nhi, Trang, Diệu bên cạnh để chăm sóc. Nhưng khoảng thời gian 3 năm, vui buồn bên nhau sẽ là những gói quà đầy ắp kỷ niệm theo chân 4 cô gái trên suốt quãng đời còn lại…

 

Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều