Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm bạn với... người chết
Bài cuối: Lặng thầm bên lò hỏa thiêu

09:06, 01/06/2011

Trong căn phòng rộng lớn ở Trung tâm hỏa táng Biên Hòa (thuộc KP6, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), ông Nguyễn Minh Quân (54 tuổi) ngả lưng trên chiếc võng lưới đặt cạnh xe đẩy quan tài để nghỉ lấy sức và tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về công việc ở nhà hỏa táng, khâu cuối cùng để đưa người chết trở về với cát bụi.

Trong căn phòng rộng lớn ở Trung tâm hỏa táng Biên Hòa (thuộc KP6, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), ông Nguyễn Minh Quân (54 tuổi) ngả lưng trên chiếc võng lưới đặt cạnh xe đẩy quan tài để nghỉ lấy sức và tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về công việc ở nhà hỏa táng, khâu cuối cùng để đưa người chết trở về với cát bụi. "Công việc gắn liền với việc thiêu xác người chết và trao hài cốt cho người thân của họ..., nên quanh năm suốt tháng chúng tôi chỉ làm việc với những cỗ quan tài..." - giọng ông trầm buồn.

>>>Bài 2: Những người sống cạnh... tử thi

>>>Bài 1: Bắt tử thi... "nói chuyện"

* Làm việc bằng chữ tâm

 

Gắn bó với công việc tại nhà hỏa táng hơn 20 năm, người đàn ông có nước da sạm đen này không hề ngần ngại khi tiếp xúc với tro cốt người chết. Ông cho biết: "Thật tình thì lúc mới vào làm ở đây tôi cũng sợ lắm. Nhiều hôm đến ca trực phải ngủ một mình cạnh xe đẩy tử thi, lò thiêu... cảm thấy ớn lạnh. Nhưng làm riết rồi cũng quen, bây giờ không sợ nữa, vì tôi làm việc bằng cái tâm nên người... chết họ chẳng trách gì mình". Đã quen với công việc nên ông Quân, anh Thiện, anh Thuận, anh Dũng... rất hiểu cho thân nhân của người chết trong lúc họ đau đớn, mất mát. "Nhiều người gào khóc đến ngất xỉu bởi họ không thể chấp nhận việc mất người thân. Chúng tôi phải động viên họ vì đâu có nỗi đau nào lớn hơn mất đi người thân yêu" - ông Quân nói.

 

Ông Nguyễn Minh Quân đang kiểm tra bộ máy hoạt động của lò hỏa thiêu. Ảnh: T.M

Gắn bó 20 năm với công việc tại đây, ông Quân luôn có nhiều cảm xúc khi đứng bên lò thiêu để ở cùng người chết những phút cuối cùng trước lúc họ thành tro bụi. Giọng ông xúc động: "Đời một người, ai rồi cũng sẽ đến giây phút phải ra đi... Tôi tự nghĩ, mình ráng làm tốt công việc để đưa người đã khuất về một thế giới khác, biết đâu mai này khi mất đi sẽ có những người khác đối xử tốt lại với tôi". Ông Quân cũng thường nói với các con cháu của mình rằng, đừng nghĩ công việc canh lò thiêu là gớm ghiếc và đáng sợ, bởi những người chết đi hoàn toàn "lành" đối với những người làm công việc như ông.

 

Ở nhà hỏa táng Biên Hòa hiện có 4 nhân viên làm việc vào ban ngày, ca tối thì 4 người luân phiên nhau trực mỗi ngày. Trước lúc đưa quan tài vào lò hỏa thiêu, phần lớn người thân của người đã mất đều tiến hành các thủ tục cuối cùng..., sau đó sẽ có giường đẩy chuyển quan tài vào lò thiêu bằng gas có hệ thống điều chỉnh tự động. Và không phải ai cũng may mắn được mọi người cảm thông với công việc của những người... đốt xác. Phần lớn những người thân, bạn bè của những nhân viên ở đây đều ngại ngùng khi nói về công việc của họ. Anh Lý Tâm Thiện (27 tuổi) nhớ lại: "Những ngày đầu làm việc tại đây, tôi không dám cho gia đình biết. Làm được một thời gian tôi mới dám kể và cố gắng thuyết phục cha mẹ hiểu cho cái nghề này". Ban đầu, cha mẹ Thiện có phần ái ngại nhưng vì thương con nên họ chấp nhận để chia sẻ công việc đặc biệt này cùng anh.

 

Đang trò chuyện dở dang với chúng tôi thì đến giờ ông Quân và anh Thiện phải đi làm vệ sinh những khay inox chứa tro cốt. Thấy tôi có vẻ ái ngại, anh Thiện cười trấn an: "Không sao đâu, tụi tui ngày nào mà không làm những việc này. Biết là môi trường độc hại nhưng làm riết cũng quen...". Sau khi thiêu xác người chết xong, những nhân viên sẽ để nguội lò và sau đó dùng cào inox đưa tro ra khay. Tiếp đó, họ sẽ bỏ tro cốt vào bình gốm và trao lại cho thân nhân người đã mất. Những tàn tro còn sót lại, những nhân viên ở đây gom vào bao, thắp nhang rồi đem chôn ở nghĩa trang...

 

* Để người chết yên lòng nhắm mắt

 

Đến nhà hỏa táng, điều dễ dàng đập vào mắt mọi người là quan tài và nước mắt. Nhiều người thân đưa người chết đến đây hỏa táng nhưng người chết còn quá trẻ nên gia đình gào khóc rất thảm thiết. Anh Thiện cho biết: "Nhìn cảnh đó dù đã quen nhưng chúng tôi chẳng thể nào cầm được nước mắt. Mình có phải là sắt đá đâu mà không đau trước nỗi đau của người khác. Nhiều người vẫn nghĩ chúng tôi chai sạn trước cảnh chết chóc, ly tán, nhưng thực chất sao mà chịu được trước nỗi đau mất mát quá lớn ấy...".

 

Ông Nguyễn Thạnh, Giám đốc trung tâm nghĩa trang Biên Hòa, dẫn tôi  vào "diện kiến" đài làm lễ của nhà hỏa táng. Nơi đây là một gian phòng lớn, bộ phận mai táng sẽ đưa quan tài vào đài và làm lễ chừng 30 phút trước khi đưa người chết ra hỏa táng. Sát bên gian làm lễ là 4 chiếc giường đẩy có trục nâng khá chắc chắn. Sau khi làm lễ xong, đến giờ "đưa", nhân viên ở đây sẽ nhấn nút cần gạt đưa quan tài xuống lò thiêu. Khi quan tài xuống lò thiêu, một nhân viên trực lò sẽ nhấn nút hệ thống điều khiển bên hông để thiêu. Thường thì 2 người sẽ phụ trách một lò và mỗi lần thiêu là từ 4-5 tiếng mới xong. Nơi đây có 2 lò thiêu lớn, hiện đại và sử dụng hoàn toàn bằng hệ thống gas tự động tắt và khóa nguồn.

 

Anh Lý Tâm Thiện làm vệ sinh khay đựng tro cốt. Ảnh: T.MINH

Ngoài công việc đứng lò thiêu, những nhân viên ở đây còn phụ trách cả khâu nhặt cốt, bởi khi "ra lò" có hai loại được phân ra rõ ràng: phần tro và phần cốt. Phần cốt là của người, còn phần tro là phần gỗ hòm. Phần cốt màu trắng ít hơn phần tro màu đen nên dễ phân biệt, nhưng người phân loại cũng cần khéo léo và cẩn thận, bởi chỉ cần một lỗi nhỏ thôi họ cũng thấy mình có lỗi với người quá cố. Sau khi lựa chọn xong tro và cốt, những nhân viên còn lại sẽ ghi tên tuổi của người mất và bỏ vào hũ để giao cho người nhà. Công việc ấy tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần sự tỉ mỉ, chịu khó và cả một tấm lòng. "Tại sao chú lại chọn công việc này, chú không sợ sao?" - tôi hỏi chân thành. Khẽ mỉm cười, ông Quân vừa nói vừa chỉ tay về hướng bàn thờ cúng: "Ban đầu ai cũng sợ, nhưng nếu ai cũng sợ công việc này thì lấy đâu ra người làm việc ở nhà hỏa táng. Trước khi đưa người chết vào lò thiêu, chúng tôi luôn thắp nhang để xin cho họ mau siêu thoát, ra đi nhẹ nhàng...".

 

Họ chính là những thiên thần không cánh, lặng lẽ làm những công việc lặng thầm bên người chết. Nhưng không phải ai cũng biết, cũng ghi tạc những điều họ làm. Có lẽ họ cũng chẳng cần ai đó biết đến mình, bởi cái tâm trong nghề mới là điều khiến họ lưu tâm để lặng thầm làm tròn phần việc của mình để mưu sinh...

 

Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều