Do trường mầm non đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh hiện không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con trẻ của các bậc phụ huynh nên nhiều người lao động vì cuộc mưu sinh đành chấp nhận gửi con nhỏ vào các cơ sở giữ trẻ tư nhân, điểm giữ trẻ tại gia...
Do trường mầm non đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh hiện không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con trẻ của các bậc phụ huynh nên nhiều người lao động vì cuộc mưu sinh đành chấp nhận gửi con nhỏ vào các cơ sở giữ trẻ tư nhân, điểm giữ trẻ tại gia...
* Cơ sở giữ trẻ không phép
Do hai vợ chồng đều bận đi làm cả ngày nên anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) gửi đứa con trai 5 tuổi học tại trường mầm non trên địa bàn xã. Cuối tháng 5-2011, trường mầm non tổng kết năm học nên anh Hưng mang cháu đến nhà bà Đ.T.N.L. (ở sát trường mầm non) gửi bà trông hộ. Chiều 24-5, khi đến rước con về, anh Hưng thấy cháu Nguyễn Tấn Lộc (con anh Hưng) bị một vết bầm ở mặt. Anh Hưng gạn hỏi thì con kể chuyện bị bà L. đánh vào mặt. Bức xúc, anh Hưng đến Công an xã Thạnh Phú trình báo sự việc. Ngày 26-5, tại trụ sở Công an xã, bà L. thừa nhận đã đánh cháu Lộc vì cháu này đánh bạn và nói hỗn với bà.
Có mặt tại nhà bà L. sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi thấy bà giữ tại nhà khoảng 10 cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau. Khi chúng tôi đến nơi, các cháu nhỏ đang chơi đùa ở phần sân trước nhà bà L. Khoảng sân chỉ rộng chừng 10m2, được bao bọc bởi một hàng rào sắt và lưới B40 để ngăn cách với bên ngoài. Theo người dân địa phương, bà L. thường nhận giữ học sinh của trường mầm non sau giờ tan trường nhưng chưa có cha mẹ đến rước, vì nhà bà ở gần trường. Tuy nhiên, trong thời gian trường mầm non nghỉ hè, bà cũng nhận giữ trẻ cả ngày.
Bà Huỳnh Thị Thu, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho rằng, do bà L. chưa từng được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm mầm non nên không biết cách ứng xử phù hợp, sự việc mới xảy ra nông nỗi. Cũng theo bà Thu, toàn xã hiện có 13 nhóm trẻ ngoài công lập nhưng trong đó có đến 7 nhóm không được cấp phép hoạt động. Khi được hỏi cách giải quyết của chính quyền địa phương đối với các cơ sở giữ trẻ không phép này, bà Thu cho biết, trên địa bàn xã Thạnh Phú có đến hàng chục ngàn công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy trên địa bàn. Từ đây, nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động rất lớn. Do đó, thời gian qua chính quyền địa phương chưa thể mạnh tay đối với các cơ sở giữ trẻ không phép (như buộc ngừng hoạt động). "Thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường nhắc nhở các cơ sở này. Nếu họ vẫn không cải thiện được về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để được cấp phép, chúng tôi sẽ xử lý cương quyết hơn và có thể buộc họ không được tiếp tục hoạt động"- bà Thu nói.
* Thiếu sân chơi cho trẻ
Với nhóm giữ trẻ không phép, chuyện không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là điều đã thấy rõ. Nhưng với các cơ sở mầm non được cấp phép thì cũng chưa thể nói đã đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành.
Theo Điều lệ trường mầm non do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài việc phải có phòng học và phòng sinh hoạt chung cho trẻ, còn phải có sân chơi cho các cháu. Nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy vẫn còn không ít cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hầu như chỉ để trông giữ trẻ chứ chưa chú trọng tạo sân chơi cho các cháu. Đến trường mầm non A. (thuộc phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vào buổi trưa, chúng tôi thấy phía sau các song sắt hàng rào của trường, các cháu bé đứng nhìn ra đường Nguyễn Ái Quốc với vẻ mặt rất thích thú. Gọi là trường, nhưng nơi đây chỉ gồm một căn nhà và phần khuôn viên bên ngoài rất chật hẹp. Hầu hết thời gian trong ngày, các cháu chỉ quanh quẩn bên trong ngôi nhà. Vào buổi trưa, khi cánh cửa sắt kín mít phía trước nhà được mở ra một chút, các cháu bé mới được nhìn thấy bên ngoài.
Phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cũng là địa bàn có nhiều công nhân đến sống và làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. Vì thế, nơi đây cũng có nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mọc lên và trong số đó có những nhóm giữ trẻ không phép, không đạt chuẩn vẫn hoạt động. Theo quy định, các nhóm giữ trẻ sẽ do UBND phường kiểm tra, cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Tống Thanh Đa, chủ tịch UBND phường, cho biết: "Việc quản lý các nhóm giữ trẻ trên địa bàn phường hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh một số cơ sở giáo dục mầm non có phép nhưng chưa đạt chuẩn, trên địa bàn phường còn có những nhóm giữ trẻ chỉ nhận giữ từ vài cháu đến khoảng chục cháu trở lại và tất nhiên là không được cấp phép (vì không đáp ứng yêu cầu theo quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non). Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực tăng cường quản lý, hạn chế các nhóm giữ trẻ không phép nhưng do nhu cầu thực tế của người dân, đến nay vẫn còn những nhóm giữ trẻ không phép đang hoạt động". Nỗi trăn trở của ông Chủ tịch UBND phường Long Bình cũng là tình hình chung của nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở nơi có khu công nghiệp và các công ty hoạt động.
Rõ ràng, các nhóm giữ trẻ không phép đang hoạt động hiện nay có đáp ứng phần nào nhu cầu gửi con của người dân khi họ bận đi làm, không có thời gian trông con. Tuy nhiên, do không được cấp phép hoạt động nên chất lượng nuôi dạy trẻ ở những cơ sở này khiến các bậc phụ huynh còn nhiều băn khoăn. Trên thực tế, đã có những vụ tai nạn xảy ra cho trẻ và hầu hết rơi vào các nhóm giữ trẻ không phép. Thiết nghĩ, đây cũng là điều mà các ngành chức năng cần quan tâm và có giải pháp để tăng cường quản lý trong công tác giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Phạm Hoàng Thái