Báo Đồng Nai điện tử
En

Ám ảnh... ma túy!
Bài cuối: Còn có những bàn tay nhân ái...

10:06, 10/06/2011

Phía sau sự cố gắng chống chọi với ma túy của các học viên cai nghiện là những cán bộ làm công tác cai nghiện và tuyên truyền về ma túy. Họ đã ít nhiều tác động tích cực để những học viên cai nghiện ma túy thành công và bước vào cuộc sống mới tốt đẹp hơn...

Phía sau sự cố gắng chống chọi với ma túy của các học viên cai nghiện là những cán bộ làm công tác cai nghiện và tuyên truyền về ma túy.  Họ đã ít nhiều tác động tích cực để những học viên cai nghiện ma túy thành công và bước vào cuộc sống mới tốt đẹp hơn...

 

Một học viên nam chừng 25 tuổi bước đến phòng y tế của Trung tâm cai nghiện Xuân Phú để khám sức khỏe. Người nữ y tá nhẹ nhàng tiến hành đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim cho anh học viên cai nghiện. Khoảng 10 phút sau, nữ y tá tỏ vẻ phấn khởi khi thông báo tình trạng sức khỏe học viên vừa rồi khá tốt.

 

* Tận tâm với công việc

 

Hai lần ra vào Trung tâm Xuân Phú để cai nghiện nên hầu hết những cán bộ ở đây D.K. đều quen mặt. Năm 2002, khi bị công an đưa vào đây cai nghiện lần đầu, K. rất bất cần và luôn tỏ vẻ chống đối các cán bộ ở trung tâm. Một năm rưỡi sống tại Trung tâm Xuân Phú đã giúp K. phần nào quen với việc thức dậy đúng giờ, lao động và học tập có nề nếp. Nhưng sau khi tái hòa nhập cộng đồng chừng 5 tháng, K. lại sa vào ma túy trước sự thất vọng của gia đình. Lần thứ 2 đi cai nghiện, K. không đợi bị mời mà tự làm đơn tình nguyện. Với "kinh nghiệm" ra vào trại cai nghiện nên K. tỏ ra khá trầm tính và khó gần. Được sự quan tâm của những cán bộ nơi đây, K. dần thoát khỏi vỏ ốc cô đơn và trở thành một người hoạt bát, quyết tâm hướng đến cái thiện. K. cho biết: "Khi thấy tôi vào đây lần thứ 2, ai cũng nhìn tôi rồi lắc đầu. Tôi cũng chán nản vì không tìm được lối thoát cho tương lai đen tối của mình...". Nhưng qua những lần tiếp xúc với anh Phạm Thanh Nhâm (trưởng khu C của Trung tâm Xuân Phú) đã vực dậy ý chí quyết tâm xa rời ma túy ở tôi. K. tâm sự: "Anh Nhâm vui tính, sống gần gũi và rất quan tâm đến mọi người. Không ít lần tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi thì anh Nhâm lại động viên, anh đã vẽ ra cho tôi một tương lai đẹp mà chính tôi phải là người quyết định lấy".

 

Chính sự gần gũi của cán bộ trung tâm cai nghiện đã giúp cho học viên có thêm niềm tin vào cuộc sống.     Ảnh: T.MINH

Dẫn tôi vào dãy phòng y tế, ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm cai nghiện Xuân Phú, cho biết: "Lúc đầu chúng tôi phải làm công tác tư tưởng với các em rất nhiều để mong các em đừng lạc lối... Dần dần, các em trở nên quyết tâm cai nghiện và chăm chỉ lao động". Chỉ tay về hướng những học viên đang lao động trong xưởng đan lát, ông Hải cho biết thêm: "Mới vào đây em nào cũng hoang mang, tâm lý bất ổn nên rất dễ nảy sinh những hành động dại dột. Những người làm công tác lâu năm trong nghề đều biết rõ điều đó nên ai cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên các em là chính".

 

Bác sĩ Chu Văn Phương, Phó phòng y tế của Trung tâm Xuân Phú, nói thêm: "Khi tiếp xúc với các em, tôi không nghĩ mình là bác sĩ. Tôi đến với các em đơn giản như những người bạn và tôi biết tôi nên làm như thế. Nhiều em rất giỏi, không ít em còn truyền đạt lại cho tôi những vốn sống rất hữu ích để tôi góp nhặt lại thành kinh nghiệm". 

 

Bước đến bên xấp hồ sơ bệnh án của những học viên bị bệnh lao phổi, bác sĩ Phương tỏ vẻ băn khoăn: "Nhiều em ở đây vừa nghiện nặng, vừa bị lao phổi nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Làm việc này vừa phải khéo léo vừa phải tế nhị. Không khéo mình sẽ vô tình tạo áp lực đối với các em thì khó điều trị lắm". Theo lời bác sĩ Phương, những học viên khi nghiện ma túy rất dễ bị lao phổi, gây hại cho sức khỏe và chữa trị rất tốn thời gian, công sức. Và những người như bác sĩ Phương, các cán bộ ở Trung tâm Xuân Phú luôn ân cần chăm lo cho những học viên, nhằm mang lại cho họ sức khỏe tốt, sớm cai nghiện thành công.

 

* Chỉ mong học viên cai nghiên thành công

 

Trong một căn phòng ở khu C bỗng có tiếng đàn ghi ta vang lên da diết. Tiến lại gần âm thanh phát ra từ gian phòng phía giữa, tôi được anh bảo vệ Chu Việt Hùng nhắc khéo: "Đang là giờ nghỉ trưa nên có muốn trao đổi, tiếp xúc với học viên thì lát nữa chị quay lại nhé". Tôi bước chân ra phía ngoài, bên song cửa sắt, thì một học viên khoảng 25 tuổi huơ tay ra hiệu cho tôi lại gần. Ở một khoảng cách chừng mực, anh học viên cho biết: "Vào buổi trưa, mọi người phải trật tự để không được làm phiền người khác nghỉ ngơi". Tôi thắc mắc vì rõ ràng nghe tiếng đàn ghi ta trong gian phòng này thì anh cười và giải thích: "Mấy anh em tranh thủ tập văn nghệ sẵn học lỏm vài ngón đàn của những tay biết nhạc". "Thế mấy cán bộ không la các anh sao?" - tôi hỏi khéo. Quan sát tôi một lúc, anh thanh niên mới nói: "Có gì đâu mà la, chúng tôi đã xin phép trước rồi. Vả lại, mọi người ở đây sống chan hòa lắm, mình làm sai cán bộ chỉ nhắc nhở chứ không có la mắng gì đâu".

 

Ông Nguyễn Văn Hải cho biết: "Mặc dù điều kiện ở đây còn nhiều thiếu thốn nhưng anh em ở Trung tâm Xuân Phú luôn cố gắng đảm bảo cho các em có bữa ăn no đủ. Chúng tôi để các em tự làm bánh mì nhằm tiết kiệm chi phí dùng cho bữa sáng. Trong tuần sẽ có những nhóm học viên làm đậu hũ, nấu sữa đậu nành để các em bổ sung dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày...". Công tác chăm lo sức khỏe cho học viên luôn được các cán bộ nơi đây chú tâm. Họ không ngừng nỗ lực bằng cái tâm trong công việc nhằm giúp những học viên có điều kiện sống tốt hơn khi cai nghiện tại đây.

 

Cán bộ trung tâm cai nghiện luôn ở bên cạnh học viên cai nghiện. Ảnh: T.MINH

Bác sĩ Phương cho hay: "Nhiều lúc nói các em không nghe nghĩ cũng buồn lắm. Nhưng tôi cũng chẳng trách các em làm gì, bởi phần lớn các em đều có tính bốc đồng, mình cứ làm tốt công việc thì sớm muộn gì các em cũng hiểu và phối hợp tốt với mình". Vẻ ngoài tươi tỉnh không che lấp được những âu lo, trăn trở trong lòng người bác sĩ sống tận tâm với nghề. Không ít lần ông chứng kiến những vết thương đến chí mạng do học viên tự hủy hoại bản thân lúc đang cắt cơn. Sau khi sơ cứu vết thương, nhận biết tình hình học viên nguy kịch, ông cùng với những cán bộ nơi đây liền đưa học viên nói trên đi cấp cứu và túc trực bên học viên cho đến khi em qua cơn nguy hiểm. Giọng bác sĩ Phương xót xa: "Đêm ấy, hầu như chúng tôi thức trắng, ai cũng lo cho em ấy không qua khỏi vì vết thương mất quá nhiều máu. Khi được bệnh viện cho hay em đã qua cơn nguy kịch, tôi mới thấy nhẹ hẳn người, cứ như chính mình vừa bước qua ải tử thần". Ông Nguyễn Văn Hải nói thêm: "Cứ mỗi lần nghe thông báo có học viên đến cai nghiện lần 2, lần 3 là tôi lại thấy buồn, vì biết những nỗ lực của chúng tôi đã không thành công. Mong sao các em hiểu được tâm huyết của những người làm công việc như chúng tôi để quyết tâm không bao giờ đụng đến ma túy".

 

Câu chuyện về những học viên, về những người làm công tác cai nghiện ở Trung tâm Xuân Phú vẫn còn dài nhưng tôi đành nói lời tạm biệt với họ. Và những người tiếp sức cho những học viên cai nghiện nơi đây sẽ là những điểm sáng mà tôi mãi ghi nhớ. Bởi, họ là những con người cống hiến đời mình cho công tác xã hội, nhằm đem lại cho mọi người những niềm vui, nụ cười thay cho nước mắt, khổ đau...

Tùng Minh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều