Sa vào ma túy, nhiều người đã đánh mất tương lai, gia đình và cả mạng sống của mình. Nhưng cũng có không ít người biết dừng lại đúng lúc, quyết tâm cai nghiện ma túy để làm lại cuộc đời. Tôi đã gặp không ít người như thế tại trung tâm cai nghiện ma túy Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.
Sa vào ma túy, nhiều người đã đánh mất tương lai, gia đình và cả mạng sống của mình. Nhưng cũng có không ít người biết dừng lại đúng lúc, quyết tâm cai nghiện ma túy để làm lại cuộc đời. Tôi đã gặp không ít người như thế tại trung tâm cai nghiện ma túy Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.
Nắng lên cao, từng nhóm học viên cai nghiện đang lao động ngoài đồng trở về khu nhà tập trung để ăn trưa, nghỉ ngơi. Thấy có khách nữ đến thăm, cả đám thanh niên nhao lên, chọc ghẹo không ngớt. Bước qua khắp các dãy phòng, điều dễ nhận thấy phía sau những hình xăm quái dị, những vẻ mặt dữ dằn của các học viên cai nghiện nơi đây là nụ cười rất cởi mở...
* Giá như...
Tiếng kẻng báo hiệu đến giờ ăn trưa vang lên, từng tốp thanh niên vội vàng thu dọn phòng và từng tốp nhỏ quây thành vòng tròn để dùng cơm. Bất chợt, một thanh niên khoảng 27 tuổi bước đến trước mặt chúng tôi ngỏ lời mời dùng cơm chung với vẻ rất nhiệt tình. Thấy khách khẽ lắc đầu, chàng thanh niên có vẻ buồn buồn rồi quay trở lại vị trí cũ để ăn cùng nhóm bạn. Lát sau, khi hỏi thăm một cán bộ bảo vệ tôi mới biết anh ta tên N.C.T., nhà ở thị trấn Trảng Bom, vào đây chừng 11 tháng. T. là con của một gia đình khá giả nên sớm học đòi ăn chơi và sa vào nghiện ngập ma túy. Canh lúc T. vừa dùng cơm xong, tôi lại gần bắt chuyện. Ban đầu, T. ngại ngùng không muốn kể chuyện riêng, vì theo như lời của T., đó là quá khứ chẳng hay ho gì. T. từng có bạn gái 23 tuổi, nhưng khi hay tin T. nghiện ngập người ấy khuyên nhủ mãi mà không được nên đã chủ động chia tay. Cuối tháng 6 năm rồi, T. bị công an lên danh sách đưa vào đây cai nghiện. T. cho biết: "Lúc đầu nghe nói đến cai nghiện tôi sợ lắm, vì bạn bè tôi đứa nào cũng bảo 10 ngày cắt cơn là cả một cực hình. Nhưng vào đây, nhờ sự động viên của gia đình, của mọi người nên tôi đã quyết tâm phải cai cho bằng được".
Ban đầu, T. không hề biết đến ma túy, cũng chẳng lường đến mức độ nguy hại của nó đối với sức khỏe. Những lần T. cùng đám bạn đến bar chơi, để thêm phấn khích, cả bọn đều dùng thuốc lắc. T. nói thêm: "Tôi thường chơi từ 9 giờ tối đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Lần nào đi cũng nạp vài viên thuốc lắc, trung bình mỗi lần dùng 500-600 ngàn đồng". Sau khi "phê" thuốc, để thêm phần hăng, cả đám rủ nhau vào phòng trọ, hoặc nhà nghỉ để "phê" ma túy. Theo như lời của T., mỗi liều chích ma túy T. tốn bình quân từ 500-700 ngàn đồng, ai có nhiều tiền thì chơi liều "mạnh đô" hơn... Đến giờ, khi ngẫm nghĩ lại khoảng thời gian lãng phí truớc đây, T. không khỏi nuối tiếc: "Giá như tôi biết đến điểm dừng thì tương lai phía trước đâu có tối đến thế này. Dẫu biết rằng cai nghiện rất khó nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để thoát khỏi cám dỗ, mau chóng tái hòa nhập cộng đồng".
Trong căn phòng cắt cơn được khóa cẩn thận bằng song sắt ở trung tâm cai nghiện Xuân Phú, người thanh niên tên N.Đ.H. (31 tuổi) nằm trên chiếc võng lim dim đôi mắt. Khi thấy tôi đứng nhìn mình qua tấm kính từ phía ngoài, H. vội đứng dậy ra hiệu cho tôi mang khẩu trang vào kẻo lây nhiễm bệnh lao. Người bảo vệ bước đến mở cửa, hướng dẫn tôi bước vào gian phòng của 7 con người đang nằm cắt cơn tại đây. H. lại gần hỏi han đủ chuyện, anh cho biết: "Tôi mới vào đây thôi. Lúc đầu cắt cơn tôi chỉ muốn tìm đến cái chết vì đau đớn, vì quá thèm thuốc. Nhưng trong những lúc tưởng chừng như chết đi ấy, tôi chợt hiểu ra, mình vẫn có thể làm lại từ đầu nếu quyết tâm cai nghiện". Nói xong, H. kể một mạch về những hoài bão, những mơ ước..., trong đó có cả điều ước giá như đừng sa vào ma túy.
* Mong lắm ngày về...
Cầm lấy cây dũa sắt mài cái khung hình bằng kim loại, học viên Đ.H.M. (20 tuổi) tâm sự: "Em nhớ gia đình lắm. Tuần nào mẹ không vô thăm em lại thấy buồn và tủi thân. Ở đây em luôn nghe theo lời chỉ dạy của các anh chị, cán bộ nên mọi người rất quý em. Lần nào vào đây mẹ cũng dặn dò em ráng cai nghiện cho tốt, nghe những lời như vậy mà ứa nước mắt".
M. cho biết, mỗi ngày em phải dậy sớm để tập thể dục buổi sáng. Sau khi ăn sáng, M. cùng các học viên khác chia theo nhóm ra đồng hoặc ra xưởng làm việc. Và có lẽ, chỉ có công việc mới giúp M. và những học viên ở đây quên đi những cám dỗ của ma túy. M. bồi hồi nhớ lại: "Em chơi ma túy từ năm 17 tuổi. Lúc đầu gia đình không ai hay biết. Sau này mọi người sinh nghi khi thấy em có biểu hiệu khác thường và tiêu xài hoang phí. Hay tin em nghiện, mẹ sốc đến nỗi phải nhập viện...". "Về lại cộng đồng em sẽ làm gì?" - tôi hỏi M., em gục mặt cười buồn và cho biết sẽ đi học nghề để có một công việc làm ổn định. Không riêng gì M., những học viên ở đây trước đó thường ăn chơi lêu lổng, không có nghề nghiệp ổn định nên mới dính vào ma túy. Vì vậy, khi tái hòa nhập cộng đồng, tìm cho mình một công việc thích hợp sẽ là cách để họ tránh xa cám dỗ của ma túy.
Anh Chu Việt Hùng, nhân viên bảo vệ ở Trung tâm cai nghiện Xuân Phú, cho biết: "Học viên ở đây phần lớn là dân trong tỉnh. Lúc mới vào đây em nào cũng bướng bỉnh, chúng tôi phải gần gũi, nói chuyện như bạn bè để giúp các em bớt mặc cảm. Nhiều em rất giỏi về vi tính, Anh văn... và còn chỉ dạy lại chúng tôi".
Cũng theo lời anh Hùng, để cai nghiện thành công, điều quan trọng nhất là mỗi học viên phải quyết tâm từ bỏ ma túy. Và khi họ trở về tái hòa nhập cộng đồng, chúng ta nên tạo điều kiện và đón nhận họ, đừng xa lánh và tạo áp lực, vì như thế sẽ vô tình đẩy họ trở về con đường cũ.
Học viên N.D.K. (nhà ở huyện Trảng Bom) tâm sự: "Chúng tôi rất quyết tâm cai nghiện và mong mọi người đừng có thái độ ghẻ lạnh với chúng tôi. Tôi vào đây đã lâu và cũng sắp về lại với gia đình. Tôi mong có những chính sách, những ưu đãi phù hợp với khả năng của mình để giúp tái hòa nhập tốt hơn với cộng đồng và từ bỏ hẳn ma túy". Kể cho tôi nghe về những lần vật vã do "đói thuốc", trên gương mặt K. vẫn còn đó nỗi bàng hoàng: "Mới vào đây, tôi suy nghĩ rất bi quan. Nhiều lúc chỉ muốn tìm đến cái chết cho xong. Lúc mê man, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh của ba mẹ, họ nhìn tôi trong đầm đìa nước mắt. Sợ quá, tôi choàng tỉnh và nhắc nhở mình phải thật kiên quyết để cai nghiện thành công và sớm về lại với gia đình".
Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, K. không ngớt kể về những nguyện vọng, ước mơ của mình. Trong ước mơ ấy len lỏi hình ảnh một cô gái có nụ cười rất xinh đang đợi K. trở về... Tâm sự của K., và đó cũng là nỗi niềm của hầu hết học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm Xuân Phú. Sâu thẳm trong tâm hồn của họ luôn có những hoài bão đẹp, một ước mong có ngày trở về khỏe mạnh và tự tin...
Tùng Minh