Ma túy không chỉ là thảm họa đối với mỗi cá nhân, gia đình... mà còn kéo theo bao hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Nhiều người lỡ sa chân vào nghiện ngập, vướng vào căn bệnh AIDS nguy hiểm khiến cuộc sống trở thành chuỗi ngày đếm lui trong cô độc. Với những người còn chút hy vọng, đó là những tháng ngày thử thách quyết tâm cai nghiện. Trên bước đường cai nghiện gian nan, họ đã không cô độc...
Ma túy không chỉ là thảm họa đối với mỗi cá nhân, gia đình... mà còn kéo theo bao hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Nhiều người lỡ sa chân vào nghiện ngập, vướng vào căn bệnh AIDS nguy hiểm khiến cuộc sống trở thành chuỗi ngày đếm lui trong cô độc. Với những người còn chút hy vọng, đó là những tháng ngày thử thách quyết tâm cai nghiện. Trên bước đường cai nghiện gian nan, họ đã không cô độc...
Dù không thể gượng dậy để ngước nhìn người mẹ đến thăm nhưng trong ánh mắt của H.Th. (30 tuổi, quê ở tỉnh Long An) vẫn đong đầy nỗi hối tiếc cho quãng đời son trẻ sa chân vào nghiện ngập. Thều thào từng tiếng đứt quãng khi nghe tôi hỏi về gia đình, chị bỗng òa khóc như đứa trẻ khi khẽ gọi: “Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ...”.
Căn phòng của những bệnh nhân nhiễm HIV ở Bệnh viện da liễu Đồng Nai nhỏ xíu và có mùi khó tả của những bệnh nhân AIDS mới mất trước đó. Cả dãy phòng im ắng, không gian bao trùm nơi đây là tiếng máy quạt trên trần nhà xoay theo từng hồi, là những tháng ngày đếm lùi của những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối do trước đây sử dụng ma túy.
Chỉ vì muốn chứng tỏ mình
Sau những lời thăm hỏi xã giao, tôi được một cán bộ bệnh viện dẫn vào căn phòng nhỏ, nơi có cô gái tên H.Th. đang nằm chờ... chết! Th. nằm đó bất động, đôi mắt chị nhìn trân trân mọi thứ như vô thức. Chị gầy rạc người, như thể chỉ còn da bọc lấy bộ xương nhỏ xíu. Điều duy nhất tôi nhận thấy ở chị đó là đôi mắt rất tinh, khi vừa nhìn thấy tôi chị đã vội úp mặt vào tường... Đứng cạnh chị là người mẹ 54 tuổi, sống kham khổ ở miền Tây, phải vay mượn từng đồng để hàng tháng đến Bệnh viện da liễu Đồng Nai thăm con. Bà cho biết: “Từ nhỏ Th. đã ngang bướng nên bỏ học sớm, tập tành ăn chơi đua đòi cùng chúng bạn... Th. phạm tội giết người, cướp tài sản nên bị tòa tuyên án chung thân”. Th. có một đứa con gái 8 tuổi, hiện cháu cũng bị nhiễm HIV do lây từ mẹ. Người chồng của Th. khi hay tin chị bị nhiễm bệnh đã bỏ đi biệt tăm...
Đôi mắt nhìn xa xăm, Th. chậm rãi nói: “Tôi chơi ma túy đã hơn 10 năm nay. Ban đầu thì hút, nhưng sau đó không đủ tiền nên chuyển sang chích. Cũng vì nghe lời bạn bè rủ rê, thách thức nên tôi mới ra cớ sự như vầy...”. Với bản án chung thân và căn bệnh nguy hiểm, quãng đời còn lại của Th. phải đối diện với 4 bức tường quanh khu phòng giam lỏng của bệnh viện da liễu. Th. xót xa: “Nhiều hôm chợp mắt lại thấy cảnh tượng của những người đã mất do bị HIV, tôi khiếp lắm. Nằm đây chờ chết và nâng niu từng ngày bên cạnh mẹ ở những phút cuối mới thấy mình có lỗi biết bao”.
Cạnh giường của chị nằm là tấm drap phủ lên tấm nệm, nơi mà trước đó 4 hôm một người thanh niên tên Q. đã mất ở tuổi 32 vì bệnh AIDS. Nơi đây, sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, nó mong manh và lạnh lẽo khiến bất kỳ ai cũng phải rợn người.
Bước vào dãy phòng sát bên, tôi có dịp chuyện trò cùng bệnh nhân T.Ph. (29 tuổi), nhà ở huyện Long Thành. Ph. là con trai út trong gia đình. Cách đây 4 năm, người anh kế của Ph. đã ra đi trong đau đớn do căn bệnh AIDS. Ph. xót xa: “Tôi bị bắt giam cách đây 3 năm do tội mua bán ma túy. Bản thân tôi cũng sử dụng ma túy và chỉ khi vào tù tôi mới cai nghiện hoàn toàn. Lúc trước chỉ lo ăn chơi, giờ hối hận thì muộn quá rồi...”.
Khi nghe tôi nhắc đến những người thân trong gia đình, Ph. cố tình lảng tránh như thể sợ đối diện với họ. Lát sau, khi đã trò chuyện cởi mở hơn, anh tâm sự: “Lúc ở trong tù thì một tháng gia đình đi thăm tôi một lần. Từ khi tôi qua đây, họ biết tôi chẳng còn sống bao lâu nên tuần nào cũng ghé thăm. Tôi biết khoảng thời gian còn lại của mình rất ngắn ngủi và tôi cũng chẳng thể làm gì hơn cho họ ngoài việc ráng chịu đựng để ra đi thanh thản”.
Trong khu nhà biệt lập dành cho những người nhiễm HIV, những người như H.Th., T.Ph. không phải là ít. Phần lớn trong số họ đều tỏ ra buông xuôi vì biết mình chẳng thể làm gì được. Th. khẽ giọng: “Khi mới biết tin mình bị nhiễm HIV tôi hoảng loạn lắm. Nhưng đó cũng là cái giá mà tôi phải trả vì ngày trước sống hoang đàng quá. Nếu tôi biết thương cha, thương mẹ thì có lẽ đời tôi đã không có đoạn kết như bây giờ”. Đứa con của Th. hiện đang sống ở quê cùng ông, bà ngoại. Nhắc đến đứa trẻ vô tội, Th. rưng rưng nước mắt: “Giá như ngày đó tôi đừng sa chân vào ma túy, đừng nghe theo lời dụ dỗ của những người xấu thì tôi đã không như thế này, con tôi cũng không đi vào ngõ cụt...”.
Bà B.N. (mẹ của Th.) cho biết, Th. vốn là cô gái rất xinh xắn. Từ thời còn đi học, Th. đã được nhiều người theo đuổi. Lớn thêm tí nữa, Th. bắt đầu chưng diện, thích ăn chơi hơn học hành. Những lần bay nhảy cùng đám bạn tại các điểm ăn chơi khiến Th. sa vào ma túy. Từ đây, cuộc đời của cô chuyển sang một trang mới, với những lần lên cơn thèm thuốc, đi trộm cắp và sa vào tù tội. “Nếu có sự lựa chọn trở lại, chị ước ao điều gì?” - tôi nhẹ nhàng hỏi. Ánh mắt chan đầy nước mắt, Th. vẽ lại cho mình những mơ ước giản đơn mà trước đây cô chẳng thèm ngó ngàng tới: “Tôi muốn được ở bên ba mẹ mỗi ngày. Được tận tay nấu cho họ những bữa ăn ngon và được nghe đứa con của tôi kể về những mơ ước trẻ con của nó...”. Người mẹ của chị nghe xong không kìm được nước mắt, liền vụt chạy ra ngoài hành lang ôm mặt khóc nức nở. Tôi đứng đó nhìn theo mà thấy lòng xót xa, vừa thương vừa trách cho Th. quá nông nỗi để rồi phải hối hận muộn màng.
Khi vừa bước ra ngoài dãy phòng của Th., một thanh niên chừng 30 tuổi, với vết xăm trổ khắp thân thể nhìn tôi và nhoẻn miệng cười. Anh tên N.T., là người sống lâu nhất tại khu nhà bệnh tật này. Vẻ ngoài cao lớn, khỏe mạnh nhưng N.T. cũng mang trong mình căn bệnh HIV như những người sống ở khu này. Có lẽ do N.T. biết cách sống điều độ, có sức đề kháng nên sức khỏe anh vẫn còn tốt. Anh ngại ngùng không muốn tôi hỏi về cuộc đời của anh, nhưng luôn lặp lại câu hỏi với tôi bằng vẻ mặt rất trăn trở: “Mọi người có khinh khi tụi tui không chị?”. Tôi phải cố gắng động viên và trấn an tinh thần anh bằng những câu chuyện thân tình, N.T. mới cởi mở bộc bạch: “Tôi nghiện lâu lắm rồi. Hồi đó thứ gì mình cũng sa vào nên chính tôi cũng chẳng biết mình nhiễm bệnh do nguyên nhân nào. Mỗi lần mẹ tôi lên thăm, thấy bà khóc lòng tôi day dứt lắm. Tôi muốn nói câu xin lỗi nhưng chẳng thể nào thốt thành lời...”.
Tiếng quạt trên trần nhà xoay hối hả như thể cuộc sống của những người nhiễm HIV đang thu ngắn lại. Tôi bước chân ra về, họ giương mắt nhìn theo với nụ cười buồn nhưng cũng cố nhờ tôi gửi lời nhắn nhủ đến những bà mẹ có con bị nhiễm HIV một lời xin lỗi muộn màng.
Tùng Minh
Bài 2: MONG MỘT NGÀY VỀ...