Hơn 11 giờ trưa, khi bóng dáng của những anh bảo vệ công viên Biên Hùng trở nên thưa dần, những tay "săn trộm" bắt đầu phiên "sát cá" ở bờ hồ. Dụng cụ của họ rất đa dạng, từ cần câu, lưới cho đến... chích điện.
Hơn 11 giờ trưa, khi bóng dáng của những anh bảo vệ công viên Biên Hùng trở nên thưa dần, những tay "săn trộm" bắt đầu phiên "sát cá" ở bờ hồ. Dụng cụ của họ rất đa dạng, từ cần câu, lưới cho đến... chích điện.
* Ai mà dám cấm?
Công viên bao quanh bờ hồ Biên Hùng từ lâu đã được mọi người chọn là nơi tìm đến vui chơi, thư giãn... Nhưng thời gian gần đây, khu bờ hồ này đang được các tay "săn trộm" chọn làm cứ điểm để lưới trộm cá.
Khoảng 11 giờ ngày 7-5, trong vai đôi bạn trẻ đến công viên Biên Hùng "tâm sự", chúng tôi đã thấy một nhóm thanh niên vác lưới cá, cần câu và bao ny-lông để bắt cá dưới hồ. Chúng tôi bước lại gần bắt chuyện, người thanh niên khoảng 25 tuổi hồ hởi khoe: "Thỉnh thoảng tụi này mới ra đây lưới cá. Ở đây cá nhiều lắm, cứ quăng lưới xuống là có cá mắc lưới". Quan sát xung quanh, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của các anh bảo vệ công viên canh giữ lòng hồ. Người thanh niên này còn cho biết: "Chỉ cần bỏ ra chừng 1 giờ đi lưới cá là thể nào cả nhóm cũng có bữa nhậu tưng bừng. Nhiều hôm rảnh rỗi không có việc gì làm, tụi tui lại rủ nhau ra đây lưới cá". "Anh không sợ bảo vệ thấy họ la sao?" - chúng tôi hỏi dò chừng. Một người trong nhóm nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên, rồi buông lời thách đố: "Trời, sợ gì chứ. Lực lượng bọn này đông mà. Bảo vệ có thấy cũng chỉ huơ tay đuổi đi thôi chứ dám làm gì mới lạ!".
Cảnh lưới trộm cá càng trở nên náo nhiệt khi nhóm thanh niên này thấy một nhóm cô gái trẻ đi vào công viên chơi. Thấy các cô gái trẻ, cả đám thanh niên hò reo, chọc ghẹo í ới. Bất chợt một cô gái trong nhóm đưa máy ảnh lên chụp cảnh những thanh niên trên đang lưới trộm cá thì một thanh niên trong số đó xông đến la lớn, đòi xóa hết hình trong máy. Thấy có bóng dáng của bảo vệ nên đám thanh niên trên bỏ đi mà không ngớt huýt sáo, thể hiện thái độ khiếm nhã đối với cô gái. Một thanh niên trong số đó còn giở giọng du côn: "Tụi này lưới cá ở đây nhiều năm rồi ai mà dám cấm. Hồ này là của chung. Cấm ban ngày thì tụi này đi lưới ban đêm, sao mà canh nổi...".
* Chất Dioxin – chuyện nhỏ...!
Theo sau nhóm thanh niên nói trên chúng tôi được biết, việc họ lưới trộm cá ở đây bảo vệ đều biết và "quen mặt". Nhưng do lực lượng bảo vệ còn mỏng so với nhóm bắt trộm nên những người bảo vệ chỉ nhắc nhở qua loa chứ không dám lớn tiếng.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, nhóm thanh niên nói trên đồng loạt tung ra 3 mẻ lưới để bắt cá. Một người trong số họ thấy bảo vệ đang tiến lại gần nên báo hiệu cho cả nhóm biết tín hiệu thông qua chiêu huýt sáo. Lúc này, anh bảo vệ khoảng 30 tuổi bước đến nói qua loa vài câu với đám thanh niên trộm cá và kèm theo "nhắc nhở" lấy lệ: "Ôm lưới, cá đi lẹ đi. Bắt gì mà nhiều quá vậy?". Một người trong nhóm liền kéo tấm lưới lên bờ và vứt ngổn ngang những con cá lau kiếng trên nền cỏ xanh ven bờ hồ, gần ngay biển báo "Cấm câu trộm cá". Tôi hỏi dè chừng: "Các nhà khoa học cảnh báo cá ở hồ này bị nhiễm dioxin mà sao các anh dám bắt về ăn vậy?". Người thanh niên ở trần "hồn nhiên" trả lời: "Dioxin là chuyện nhỏ, nấu lên thì còn gì nữa đâu mà sợ".
Theo kết quả nghiên cứu của ông Thomas Boivin, nhà nghiên cứu về chất độc dioxin thuộc Công ty Hatfield Consultants (có văn phòng đặt tại Canada), công bố tại Đồng Nai vào ngày 8-4, tỷ lệ dioxin trong một số mẫu mỡ cá lóc, thịt vịt, thịt cóc... tại hồ Biên Hùng đều vượt 530 đến trên 15 ngàn pg/gram. Trong khi tiêu chuẩn cho phép không được vượt quá 0,1pg/gram. Về lâu dài, nếu sử dụng nguồn thực phẩm nhiễm dioxin, con người sẽ nhiễm độc và có thể sinh ra quái thai.
Khi đám thanh niên lưới cá bỏ đi, anh bảo vệ công viên liền đến nhặt những con cá bị vứt bừa bãi trên bãi cỏ để thả lại xuống hồ. Anh cho biết: "Ngày nào cũng canh chừng nhưng bọn lưới trộm cá dữ lắm. Họ toàn đi theo nhóm nên mình khó răn đe. Chưa kể, nhiều người có máu du côn, vừa ăn trộm vừa la làng, bị phát hiện mà còn quay lại nói chuyện phải trái với chúng tôi...".
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp triệt để trong công tác quản lý và tuyên truyền để người dân hiểu hết về tác hại của việc bắt, sử dụng nguồn cá nhiễm dioxin trong hồ Biên Hùng làm thức ăn. Song song đó, mỗi người dân cũng cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ lòng hồ nhằm giảm thiểu việc đánh bắt cá trái phép, gây mất trật tự công cộng và mỹ quan công viên.
Tùng Minh