Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi đau còn lại sau cuộc chiến...

10:05, 19/05/2011

Chiến tranh đã lùi xa 36 năm nhưng những đau thương, mất mát vẫn đeo bám gia đình cựu thanh niên xung phong Trần Bá Hải (54 tuổi, ngụ ở ấp Láng Me 1, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Bởi một lẽ, ông là cha của đứa con bị tật nguyền, là ông của đứa cháu ngoại ngây dại do di chứng chất độc da cam/dioxin.

Chiến tranh đã lùi xa 36 năm nhưng những đau thương, mất mát vẫn đeo bám gia đình cựu thanh niên xung phong Trần Bá Hải (54 tuổi, ngụ ở ấp Láng Me 1, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Bởi một lẽ, ông là cha của đứa con bị tật nguyền, là ông của đứa cháu ngoại ngây dại do di chứng chất độc da cam/dioxin.

 

Dựng chiếc cuốc làm cỏ bên gốc cây xoài, ông Hải bước vội vào nhà uống ly nước trà lạnh. Bất chợt, nghe tiếng trẻ con khóc, ông hớt hải chạy đến đỡ con dậy, xoa dầu vào những vết bầm do bé vô tình bị ngã...

 

* Màu xanh áo lính

 

Miền Nam được giải phóng chừng 2 năm, chàng thanh niên Trần Bá Hải đã hăng hái tham gia lực lượng thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Thọ Vực (huyện Xuân Lộc). Với người thanh niên ấy, sống cho lý tưởng, góp sức mình đem lại cuộc sống mới cho mọi người rất đỗi tự hào. Ông Hải chia sẻ: "Ngày ấy, xóm tôi có nhiều người tham gia cách mạng và đi thanh niên xung phong. Nhìn họ khoác áo lính tôi thấy thích lắm. Vả lại, tôi muốn dùng tuổi thanh niên của mình góp sức cho đời nên có ngại gì gian khổ".

Ông Hải không kìm được nước mắt, khi kể về con, cháu của mình.

Rồi ông bắt đầu kể về những tháng ngày lao động biến những non cao, đồi trọc thành những màu xanh tươi phủ khắp nông trường Thọ Vực. "Hồi ấy còn sức thanh niên nên tôi khỏe lắm, thấy ai làm gì mình cũng nhào vô phụ giúp. Đời sống thanh niên xung phong thời ấy kham khổ nhưng mọi người rất gắn bó và yêu thương nhau. Những lần có người trong đội bị sốt rét rừng ai cũng nóng ruột như thể chính mình đang trong cơn bạo bệnh, mặc dù trước đó chưa hề biết nhau. Rồi qua những cái tên trong xưng hô thứ tự, chúng tôi dần làm quen và gần gũi, cùng nhau san sẻ khó khăn, vui buồn. Đó là khoảng thời gian khiến tôi nhớ nhất trong cuộc đời. Bây giờ dễ gì tìm lại tình đồng đội như thuở ấy..." - ông Hải tâm sự về cái thời trai trẻ cống hiến đầy ắp kỷ niệm của mình.

 

Đang dở dang câu chuyện thì đứa con út Trần Trương Trọng Nghĩa (8 tuổi) của ông Hải bỗng òa khóc nức nở. Do mang trong mình di chứng chất độc da cam nên nhìn Nghĩa nhỏ xíu như búp bê. Ông Hải cho biết: "Hồi ấy ở trong rừng làm gì có nước sạch uống, mà cũng có ai biết gì về chất độc hóa học dioxin đâu. Bởi vậy, chúng tôi cứ thấy vũng nước nào trong là cúi xuống vốc tay uống...". Chính những lần uống nước từ những khe suối mà vô tình chất độc hóa học đã ngấm vào người ông, để bây giờ ông trở thành người cha, người ông của những đứa trẻ bất hạnh.

 

Tham gia thanh niên xung phong được 3 năm thì ông Hải về lập gia đình cùng bà Trương Thị Tiện. Rồi mái nhà nhỏ đơn sơ của ông lần lượt chào đón những thành viên nhỏ trong tiếng cười hạnh phúc. Nhưng cuộc sống với ông Hải không được vẹn toàn, đứa con út của ông ra đời không may mắn như các anh, chị. Bé bị bệnh bẩm sinh nên chân tay gầy nhom, thẳng đuột như trái so đũa. Ông nói giọng nghẹn ngào: "Khi ấy tôi không biết điều gì đã xảy ra với con mình. Đem con chạy chữa khắp nơi nhưng chẳng thể nào hết. Mỗi lần nghe tiếng con khóc lòng tôi lại đau xé như thể có ai xát muối".

 

* Nỗi đau còn đó...

 

Nỗi đau cho đứa con út chưa hết, một lần nữa vợ chồng ông lại chứng kiến cảnh tan vỡ hôn nhân của người con gái thứ hai. Biết bao năm nuôi con khôn lớn, vợ chồng ông vui mừng khôn xiết khi đứa con gái lớn tìm được hạnh phúc riêng. Tuy nhiên, bé Lê Phước Ngân Trâm (cháu ngoại ông Hải) chào đời cũng có cảnh ngộ chẳng khác gì cậu út của nó. Hay tin con bị di chứng chất độc da cam không thể chữa trị được, cha của Ngân Trâm đã dứt tình, bỏ rơi mẹ con bé để tìm vui nơi khác. Không kìm được những giọt nước mắt cứ chực rơi trên gương mặt hom hem, bà Tiện nói giọng tức tưởi: "Tôi tưởng con gái mình tìm được hạnh phúc bên chồng con. Nhưng ai ngờ, thấy con tôi không thể sinh con lành lặn như người khác, chồng nó đành đoạn bỏ đi lấy vợ khác".

 

Khi chúng tôi hỏi thăm địa chỉ của người con gái có hoàn cảnh éo le ấy để đến thăm, bà Tiện lắc đầu thở dài: "Gia đình không biết tin tức của nó đã hai năm nay rồi. Nó bỏ đi và đem đứa con gái theo luôn. Từ ngày hay tin chồng lấy vợ khác, nó chán đời đi tu ở thành phố. Ban đầu nó còn gọi điện về nhà, nhưng hơn năm nay nó cắt đứt hết liên lạc. Dường như nó sợ khi phải nghe nói đến tin tức của chồng nó". Chúng tôi thoáng se lòng khi nghe và chứng kiến cảnh đời của những con người nhỏ bé, không may mắn này. Đây cũng là lý do thôi thúc chúng tôi cố tìm hiểu những nỗi đau còn ẩn khuất ở cái gia đình có 2 đời bị di chứng chất độc hóa học của họ.

Bà Phan Thị Ngừng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cẩm Mỹ, cho biết: "Chúng tôi biết rõ hoàn cảnh éo le của gia đình bé Nghĩa. Đây là trường hợp đặc biệt trong huyện, vì gia đình này có 2 đời bị di chứng chất độc da cam/dioxin. Họ đã mất mát quá nhiều thứ trong cuộc sống và mỗi chúng ta nên làm gì đó để xoa dịu những nỗi đau, bất hạnh trong họ. Chúng tôi đã lên danh sách bé Nghĩa nằm trong số những em được trợ cấp thường xuyên, nuôi dưỡng suốt đời".

Bà Tiện bên đứa con bất hạnh mang di chứng chất độc da cam.Ảnh: T.MINH

Trong cái nắng gay gắt đầu hè, vợ chồng người cựu thanh niên xung phong ẵm con đến Trường THCS Trần Phú (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) để nhận quà nuôi dưỡng thường xuyên của Đại học Lạc Hồng. Người vợ không kìm được nước mắt khi chúng tôi hỏi về tình trạng sức khỏe của bé Nghĩa: "Dạo này nó yếu lắm cô à. Bé hay bị sốt vào ban đêm và bị co giật suốt ngày. Vợ chồng tôi phải thay nhau ở nhà trông cháu chứ đâu dám để con một mình".

 

Hiện tại, cuộc sống kinh tế của gia đình ông Hải chỉ trông chờ vào những vụ mùa. Tuy nhiên, làm được bao nhiêu tiền thì hàng tháng hai vợ chồng ông phải tích góp để đưa con đi khám bệnh. Nay sức khỏe dần cạn kiệt, lại hay bị chứng nhức mỏi các khớp nên hai vợ chồng ông thật sự lo lắng cho tương lai của bé Nghĩa. Không nén được xúc động, nước mắt ông đua nhau trượt dài trên đôi gò má: "Vợ chồng tôi cũng đã ngoài 50 tuổi, nếu lỡ mai này chúng tôi có mệnh hề gì thì đứa nhỏ chẳng biết sẽ ra sao...".

 

Câu chuyện ông Hải kể còn đang dang dở, dang dở như chính cuộc đời của đứa con trai út và đứa cháu ngoại bất hạnh của ông. Nhìn dáng ông lầm lũi bước ra xe, người vợ lặng lẽ ôm đứa con nhỏ theo sau, chúng tôi bỗng thấy lòng se lại vì nỗi đau mà gia đình nhỏ ấy ngày ngày phải chịu đựng.

Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều