Công việc quanh năm gắn liền với những tử thi nhưng họ vẫn chấp nhận mà không hề e dè hay run sợ. Trong số họ, có những người đến với công việc một cách ngẫu nhiên, vì mưu sinh..., nhưng cũng có những người đến với nghề bằng cả trái tim và tình người... Tôi gọi họ là những con người đặc biệt, vì họ sống lặng thầm với công việc và chấp nhận làm bạn với... người chết.
Công việc quanh năm gắn liền với những tử thi nhưng họ vẫn chấp nhận mà không hề e dè hay run sợ. Trong số họ, có những người đến với công việc một cách ngẫu nhiên, vì mưu sinh..., nhưng cũng có những người đến với nghề bằng cả trái tim và tình người... Tôi gọi họ là những con người đặc biệt, vì họ sống lặng thầm với công việc và chấp nhận làm bạn với... người chết.
Chỉ vào xấp hồ sơ ghi chép lại những vụ án chết người đặt trên bàn làm việc, trung tá Trần Thanh Hà (Đội trưởng Đội Giám định hóa kỹ thuật pháp lý và pháp y sinh vật, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh) cho biết: "Người sống có thể nói dối, nhưng người chết thì không". 20 năm gắn bó với công việc pháp y, ông đã giải phẫu nhiều tử thi của vô số các vụ án. Dưới con dao sắc lạnh của ông, các tử thi đã "nói" lên các bí mật...
* Đi tìm uẩn khúc
"Tôi không nhớ mình đã giải phẫu bao nhiêu thi thể. Khi bắt tay vào công việc, tôi chỉ biết cố gắng làm hết sức để tìm ra sự thật từ cái chết của tử thi..." - trung tá Hà tâm sự. Bên cạnh những tử thi cứng đơ, ông nhẹ nhàng lay chuyển, kiểm tra các bộ phận trên thi thể. "Ông không sợ sao?" - tôi ngập ngừng hỏi. Rít một hơi thuốc lá, ông trả lời nhẹ nhàng: "Chỉ có người sống mới đáng sợ. Người chết là những tử thi bất động, họ cũng là nạn nhân trong vụ việc. Và có lẽ có một cái gì đó thuộc về tâm linh nên khi tiếp xúc với họ, tôi biết họ cần đến tôi...". 20 năm gắn bó với công việc, ông đã giúp cơ quan điều tra phá được rất nhiều vụ án mạng ngụy tạo hiện trường, trong đó có không ít vụ ông đã để cho người chết... nói.
Nhắc lại vụ án giết một nữ sinh để cướp tài sản từng gây xôn xao dư luận ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vào năm 2010, trung tá Hà vẫn còn cảm xúc giận dữ trước sự lạnh lùng của kẻ thủ ác. "Hung thủ quá tàn bạo và ý đồ đã được tính toán từ lâu nên mới ra tay... lạnh lùng như thế" - ông cho biết. Thủ phạm tỏ ra rất tinh vi, hắn ngụy tạo hiện trường như một vụ xâm hại tình dục, trả thù gia đình nạn nhân để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Từ những dấu vết thu được tại hiện trường, trung tá Hà cùng với những cộng sự đã lấy dấu vân tay, xem xét các tiểu tiết trên cơ thể nạn nhân để không loại trừ thủ đoạn xóa dấu vết của thủ phạm. Đồ đạc trong nhà nạn nhân bị lục tung, trong khi nạn nhân chết lại không mặc quần nên bước đầu cơ quan đều tra xác định đây là vụ xâm hại tình dục, cướp tài sản. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi đã cho kết quả khác... Từ kết quả giám định pháp y, cơ quan công an với biện pháp nghiệp vụ đã lần ra thủ phạm Nguyễn Thiên Kim (ngụ ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), vốn là người quen với gia đình nạn nhân. Trước đó, Kim cũng đã giết một phụ nữ mang thai để cướp tài sản và ném xác nạn nhân xuống giếng để phi tang.
Trung tá Hà còn cho biết thêm: "Những chứng cứ để lại hiện trường hay những nguyên nhân dẫn đến cái chết sau khi giải phẫu sẽ lộ ra. Người chết đuối trong phổi sẽ chứa đầy nước, dù có ngụy tạo hiện trường thì cũng không thể qua mặt cơ quan chức năng". "Vậy, đối với những tử thi chết lâu ngày, xác đã biến dạng thì sao?" - chúng tôi băn khoăn hỏi. Lặng người một lúc, trung tá Hà thổ lộ: "Tôi học hỏi nhiều từ chính công việc của mình. Mỗi một người, dù đã nằm xuống nhưng cuộc đời họ đã dạy tôi nhiều thứ và tôi phải tôn trọng những manh mối họ để lại để tìm ra những gì thuộc về họ trong quá khứ. Bởi xác chết biết nói, khi bị chết oan, chính những dấu vết trên người họ sẽ là bằng chứng để... nói lên nguyên nhân cái chết của họ".
* Trăn trở cùng với nghề...
Người Á Đông có quan niệm, khi chết thì cơ thể cần phải được vẹn toàn. Đó cũng là điều tôi luôn cố gắng làm, nhất là khi nhận nhiệm vụ khám nghiệm những thi thể bị biến dạng do tai nạn" - trung tá Hà tâm sự. Tấm lòng và đường kim mũi chỉ của anh đã nhiều lần giúp những người vợ góa, con côi vơi bớt phần nào nỗi đau mất chồng, mất cha. Sau khi phẫu thuật tử thi, ông luôn tỉ mỉ khâu vá lại những phần đã bị biến dạng, đứt lìa để người chết được yên lòng nhắm mắt...
Nhưng không phải người thân nào của nạn nhân cũng xem trọng những người làm công tác pháp y. Không ít người xem trung tá Hà và những cộng sự là kẻ "tội đồ", vì đã hủy hoại thân thể nguyên vẹn của người thân họ. "Nhiều trường hợp chết vì tai nạn, người thân của nạn nhân không muốn cho chúng tôi giám định. Với họ, chết là hết nên họ không muốn thấy cảnh mổ xẻ người thân của mình" - trung tá Hà bộc bạch. Cùng tâm trạng, thiếu tá Trần Vĩnh Trung, cán bộ hiện trường của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54), Công an tỉnh, thổ lộ: "Vì nhiệm vụ nên mình phải làm. Nhưng nhiều người không hiểu, họ cản trở và không muốn chúng tôi đụng vào thi thể người thân của họ. Nghĩ cũng buồn, nhiều người khi biết mình làm việc bên xác chết thì tỏ vẻ e dè và tìm cách né tránh...".
Trung tá Hà (đứng) và thiếu tá Trung đang trao đổi để tìm ra lời giải cho nguyên nhân cái chết của tử thi. |
Đưa cho tôi xem những tấm ảnh ghi lại hiện trường những vụ án mạng xảy ra ở vùng xa thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ..., nhiều cán bộ của PC54 chia sẻ: "Làm nghề này phải đi làm đêm hôm, mưa gió... là chuyện thường. Cứ nơi đâu có án mạng, có người chết là chúng tôi phải có mặt để ghi nhận tình hình". Phút giao thừa thiêng liêng, nhiều người trong số họ phải đón giao thừa trong bệnh viện, nơi nhà xác (khi xảy ra án mạng), hay ở ngoài đường vì có vụ chết người do tai nạn giao thông... Không ít người làm công tác giám định hiện trường, giám định tử thi phải chạnh lòng khi nghe tiếng chuông báo giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới khi đang ở bên... người chết. Lau những giọt mồ hôi sót lại trên trán, trung tá Hà kể: "Tết năm rồi, chúng tôi đang đón giao thừa tại cơ quan thì có điện thoại khẩn từ Công an huyện Tân Phú báo có vụ án mạng xảy ra. Thế là mọi người lẳng lặng thu gom đồ đạc, mau chóng lên xe đi Tân Phú. Khi cùng với các cán bộ hiện trường vào đến nhà xác bệnh viện cũng là lúc đồng hồ điểm từng khắc sang năm mới. Tiến hành mổ xác nạn nhân để xác định tổn thương, tìm nguyên nhân dẫn tới cái chết xong là chúng tôi mệt đừ. Lúc leo lên xe về lại đơn vị, ai cũng trống trải đến nao lòng...".
Câu chuyện về trung tá Hà và những cộng sự chưa kịp khép lại thì trung tá Hà nhận được điện thoại gọi đến từ Trảng Bom. Ông nhìn chúng tôi cười rồi nói lời "hẹn gặp lại vào dịp khác", vì đang có vụ tai nạn giao thông, ông phải xuống hiện trường gấp. Nhìn ông và những cán bộ PC54 quơ vội dụng cụ và tất tả lên xe đi làm nhiệm vụ, chúng tôi chợt nghĩ đến câu nói của trung tá Hà mà xót xa: "Nghề này bạc bẽo lắm, cứ nghe nói đến giám định tử thi là ai cũng né tránh, cứ như sợ lây bệnh dịch...".
Tùng Minh - Lan Hiệp