Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoa kiểng - không chỉ là thú chơi!

10:05, 19/05/2011

Trong cuộc triển lãm sinh vật cảnh được tổ chức lần đầu tiên tại Đồng Nai mới đây, nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự phong phú mà vô cùng đặc sắc của nhiều loại cây kiểng khác nhau được các nhà vườn, nghệ nhân và cả những người chơi kiểng nghiệp dư tạo tác thành những chậu bonsai, tiểu cảnh kỳ vĩ, lạ thường...

Trong cuộc triển lãm sinh vật cảnh được tổ chức lần đầu tiên tại Đồng Nai mới đây, nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự phong phú mà vô cùng đặc sắc của nhiều loại cây kiểng khác nhau được các nhà vườn, nghệ nhân và cả những người chơi kiểng nghiệp dư tạo tác thành những chậu bonsai, tiểu cảnh kỳ vĩ, lạ thường...

 

Nghệ nhân Huỳnh Phước Thành đang chăm sóc bonsai.Ảnh: B.THUẬN

Cũng chỉ là mai chiếu thủy, cằn thăng, linh sam, chùm rụm hay sam núi, tùng, du, sanh, ổi, kim quýt..., thậm chí cả điệp vàng, me, bằng lăng núi... vốn bề thế, cao to choáng ngộp cả một không gian rộng lớn, vậy mà qua bàn tay sáng tạo, tài hoa của dân chơi cây kiểng trở thành những tác phẩm bonsai nhỏ nhắn với nhiều thế, dáng, biểu tượng thật uy nghiêm, ngoạn mục. Các tiểu cảnh thể hiện động Lộc vừng, cánh rừng La hán tùng vừa thâm u, bình lặng lẫn nét cổ lỗ, hoang vu... làm cho người thưởng ngoạn ngắm nhìn không biết chán. Đặc biệt, đến tham quan triển lãm sinh vật cảnh Đồng Nai lần này, người sành điệu trong giới chơi cây cảnh mới có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những cây phi lao, tùng, si, nguyệt quý... trong mấy bộ sưu tập bonsai nghệ thuật được đánh giá thuộc hàng cao cấp của các nghệ nhân. Một trong những gương mặt khá nổi bật trong giới chơi và sưu tầm cây kiểng tham gia đến vài mươi chậu bonsai đặc sắc tại cuộc triển lãm là Huỳnh Phước Thành. Anh công nhân 44 tuổi của Công ty gạch ngói Đồng Nai, nhà ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) này chỉ mới chơi cây kiểng khoảng 10 năm nay, nhưng đã sớm tạo được tên tuổi trong giới chơi bonsai nghệ thuật. Mấy năm qua, Thành đã cung cấp cho dân chơi bonsai ở TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Thuận, Bình Dương... khoảng 300 cây bonsai có chất lượng nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, Huỳnh Phước Thành còn là người tổ chức chế tác sản phẫm gỗ mỹ thuật rất có uy tín. Nhiều bức tượng, rồng, ngựa, xuồng ghe, bàn ghế, đôn... bằng gỗ có hình dáng tự nhiên của Thành được giới chơi loại hình nghệ thuật độc đáo này rất ưa thích. Tại cuộc triển lãm, 3 cỗ xe ngựa và chiếc xuồng chở cây cảnh đều 100% gỗ của Huỳnh Phước Thành lôi cuốn nhiều người xem với những lời trầm trồ khen ngợi. Trong những ngày tham gia triển lãm đã có hàng chục người, thanh niên có mà cao tuổi cũng có đến gặp Huỳnh Phước Thành để xin làm... đệ tử trong việc tạo tác bonsai nghệ thuật. Điều này cho thấy thú chơi cây kiểng khá tao nhã này đang có sức cuốn hút đặc biệt. Và có lẽ cũng vì vậy mà bên cạnh lớp nghệ nhân đàn anh, có thâm niên từ 15 đến trên 20 năm trong lĩnh vực bonsai như: Mai Hữu Nhân, Nguyễn Hữu Đức, Bảy Hòa... (TP Biên Hòa), ông Sơn, ông Phát (huyện Định Quán), ông Khiêm, ông Bình (huyện Long Thành, Nhơn Trạch)..., những người mới chơi trong vài năm gần đây cũng xuất hiện với đầy sự hăm hở, nhiệt tình. Trong đó, Lê Xuân Lập xông xáo khắp Bắc Nam, hiện đang có trong tay nhiều tác phẩm bonsai thuộc hàng "độc"; Hà Duy Thiện - chủ hội quán Cội Nguồn ở Biên Hòa ngoài sưu tập nhà cổ, đá cảnh còn là dân chơi cây kiểng có... "máu mặt"; Vũ Văn Sang, Giám đốc Công ty cây xanh Biên Hòa - một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan vườn kèm theo là một đội ngũ thiện chiến trong việc phục dựng nhà cổ cũng đang sở hữu nhiều cây cảnh ngoại nhập lẫn bản địa có giá trị. Bên cạnh những "nhà"... sưu tập, chơi cây kiểng có... máu lửa như vậy, Đồng Nai còn có nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung, tác giả của công trình khoa học về sinh vật rừng Việt Nam cũng rất nhiệt tình tham gia với các nghệ nhân trong việc định danh khoa học cho một số cây kiểng mới, lạ. Tất cả những điều này đã góp phần quan trọng cho việc chỉ trong thời gian ngắn vận động cuộc triển lãm sinh vật cảnh Đồng Nai lần thứ I đã thu hút được trên 50 nghệ nhân, nhà vườn mang khoảng 500 tác phẩm đến tham dự.

Ông Lê Xuân Lập, Giám đốc Công ty cổ phần cây cảnh Việt Nam, cho rằng: "Số tác phẩm và số nghệ nhân, nhà vườn tham gia triển lãm lần này còn rất ít so với tiềm năng, thực lực của phong trào chơi sinh vật cảnh ở Đồng Nai. Theo khảo sát, chúng tôi biết được tỉnh có trên 200 nhà vườn, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực này." Ông Lập cũng cho biết thêm: "Bên cạnh bộ môn đá cảnh, kiểng bonsai đang đạt... "đỉnh" nhờ có những nghệ nhân hàng đầu, thế mạnh thực sự của Đồng Nai trong sinh vật cảnh là phong trào chơi chim hót với rất nhiều câu lạc bộ hoạt động sôi nổi ở Tân Mai, Hố Nai, Biên Hòa... Đặc biệt, phong trào nuôi trồng, kinh doanh và chơi hoa, trong đó có phong lan, lan rộng khắp nơi, mở ra một tiềm năng lớn đáp ứng cho việc phát triển kinh tế đô thị nông thôn, xây dựng hình ảnh đẹp cho bộ mặt nông thôn mới".

 

Quả thực, việc trồng, chơi và thưởng lãm hoa kiểng ở Đồng Nai có từ rất sớm. Ngay trong lúc đất nước còn đang chia cắt, nhiều người dân, cán bộ ở Đồng Nai đã tìm cách tập kết các loại cây kiểng quý hiếm thời bấy giờ vào chiến khu Đ để bí mật đưa ra trang trí lăng Bác Hồ. Khi đất nước vừa thống nhất, nhà tư sản dân tộc Tám Mộng (Dương Văn Hảo) là người đầu tiên đem kiểng khô - một loại hình nghệ thuật độc đáo của miền Đông ra Hà Nội tham dự Hội hoa Xuân toàn quốc lần thứ I và chiếm toàn bộ giải đối với bộ môn này.

Cội Tùng.

Từ 20 năm nay chuyên trồng phong lan, Nguyễn Văn Trường Khánh ở phường Xuân An (thị xã Long Khánh) trở thành chuyên gia hồ điệp. Mấy Hội hoa xuân gần đây được tổ chức ở vườn Tao Đàn, TP.Hồ Chí Minh, lan hồ điệp của Trường Khánh đều giành được huy chương. Cũng ở Long Khánh, nhưng nằm sâu trong ấp Núi Đỏ, xã Bàu Sen có một người chuyên trồng đào là Phạm Viết Đệ. 21 năm đeo bám loài hoa xứ lạnh này, ông Đệ đã lặn lội ra Hà Nội rồi Hà Giang, sang cả Vân Nam (Trung Quốc) để tìm ra cái giống có thể ghép với đào bản địa chịu nóng. Trầy trật, thất bại mãi, 7 năm trước đây ông Đệ mới thành công trong việc cho đào ghép ra hoa và lại ra hoa trong dịp Tết. Hàng chục năm trời đeo đẳng với đủ các loại hoa tươi nhiệt đới, gần đây Sơn "suối Đĩa" ở Hố Nai lại thắng đậm với việc trồng các loại hoa ôn đới rực rỡ sắc màu như dã yên thảo hoặc dừa cạn Thái trong chậu nhựa trắng treo lủng lẳng trong sân vườn, ban công, cửa sổ... đang rất được nhiều người yêu hoa ưa chuộng. Ông Tiến ở phường Trảng Dài được xem là một trong những người trồng và chơi lan kỳ cựu ở Biên Hòa; nhưng vài năm gần đây thì Mười "phong lan", anh Việt... nổi lên như những đại gia trong lĩnh vực chuyên kinh doanh hoa lan với những gian hàng sặc sỡ sắc màu hoa lan các loại... Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng vài mươi vườn lan có quy mô cỡ 1000m2; trong đó có nhiều vườn chuyên trồng các loại lan cắt cành như mokara, dendrobium..., mỗi ngày cung cấp cho đầu mối hoa ở TP Hồ Chí Minh hàng ngàn cành lan. Vài trăm cành trong số này quay ngược trở lại các shop hoa tươi ở thành phố Biên Hòa. Những vườn chuyên trồng lan cắt cành có quy mô lớn là: Hoàng Anh ở Long Khánh, anh Long ở Trảng Bom, anh Tường ở Xuân Lộc... Đặc biệt ở Long Khánh đang nổi lên hai chị em Huỳnh Ngọc Châu, Huỳnh Ngọc Tú hợp lực nhau tự đứng ra trồng đến 1 hécta lan; trong đó chủ lực là lan rừng và lan Hồ Điệp. Hai cô gái yêu lan hơn cả người tình này  còn dự định mở thêm ra nhiều giống lan trồng mới và trở thành doanh nghiệp mang tên Mộc Lan garden. Ở Hóa An (Biên Hòa) có ông chủ lò gốm đã mấy đời, bỗng chán nghề bỏ lên Đà Lạt trồng lan. Hoa địa lan của Lý Phú Hiếu mấy năm gần đây đều đắc hàng trong các chợ hoa Tết ở TP.Hồ Chí Minh. Kể cũng lạ, trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này, mà cũng đã nổi lên ý thức... làm ăn tập thể. Vào tháng 9-2008, huyện Nhơn Trạch đã lập ra được hợp tác xã sinh vật cảnh đầu tiên trong tỉnh, đó là HTX sinh vật cảnh Long Thọ, thu hút được 11 xã viên, do nghệ nhân Hứa Thành Sơn làm chủ nhiệm. Đáng nói là tổ chức chuyên nuôi trồng, sản xuất - kinh doanh mặt hàng hoa kiểng đòi hỏi nhiều đến yếu tố kỹ thuật và kinh nghiệm cá nhân này lại làm tập thể mà lại quy tụ được đến 30 lao động tham gia, đạt mức lương bình quân hàng tháng 3 triệu đồng...

Cỗ xe ngựa gỗ.

Trên cơ sở này, nếu có biện pháp tổ chức, quản lý thích hợp, tin rằng việc thực hiện ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại lễ khai mạc sinh vật cảnh Đồng Nai lần thứ 1: "Việc thành lập Hội Sinh vật cảnh là cần thiết, bởi đây không chỉ là sân chơi để các nghệ nhân, nhà vườn thể hiện tài năng, niềm đam mê, giao lưu học hỏi lẫn nhau mà còn góp phần vào phát triển kinh tế" là rất khả thi.

 

Bùi Thuận

 

 

 

 

Tin xem nhiều