Tại các khu công nghiệp (KCN), nhiều công ty lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng lượng người đăng ký thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp lại ngày càng tăng.
Tại các khu công nghiệp (KCN), nhiều công ty lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng lượng người đăng ký thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp lại ngày càng tăng.
Sáng đầu tuần, tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh (đường Cách mạng tháng Tám, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa, thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), công nhân chen nhau đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Quá nửa trưa, dọc các dãy ghế, nhiều công nhân ở xa ngồi chờ để đầu giờ chiều được gọi tên.
* Đủ lý do xin... thất nghiệp
Nhiều người lao động có thâm niên tại các công ty nên xin nghỉ, có người vừa đủ thời hạn hợp đồng cũng xin nghỉ việc. Phần lớn trong số họ đều tỏ ra thản nhiên vì “được” thất nghiệp, để đến trung tâm giới thiệu việc làm nộp đơn “xin” thất nghiệp. Vì sao lại có thực trạng này?
Anh Nguyễn Trần Anh (32 tuổi, công nhân Công ty W. ở KCN Amata) cho biết: “Tôi nộp hồ sơ từ ngày hôm qua nhưng vì quá nhiều người đến đăng ký nên hết số, giờ phải về để mai vào sớm đăng ký tiếp. Bạn tôi ở huyện Trảng Bom vì đợi không được phải ở nhờ nhà người quen chờ hôm sau đến làm tiếp”. Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao chấm dứt hợp đồng với công ty, Trần Anh bộc bạch: “Tôi làm ở đó nhiều năm rồi, chỗ đó chế biến gỗ nên môi trường làm việc đầy bụi. Tôi sợ ảnh hưởng tới sức khỏe nên xin nghỉ để tìm việc khác làm”.
Ngồi cạnh Trần Anh, chị Đoàn Thị Thu Trang (30 tuổi, đã làm việc 6 năm tại Công ty S., ở KCN Biên Hòa 2) cũng quyết định nghỉ việc. Chị Trang nói: “Gần đây công việc áp lực quá. Không tăng ca mà công ty buộc công nhân phải tăng sản phẩm cả về số lượng lẫn chất lượng. Công việc suốt ngày phải tiếp xúc với hóa chất và bột đá nên tôi sợ nguy hiểm về sau. Vì vậy mà tôi xin nghỉ việc để về xưởng may tư nhân gần nhà làm cho khỏe”. Tương tự, chị Trần Thị Thúy (22 tuổi, công nhân Công ty T., ở KCN Biên Hòa 2) tỏ ra bức xúc: “Cả tuần tăng ca đêm chịu không nổi, giờ tôi mệt mỏi lắm. Chờ nhận tiền bảo hiểm xong nghỉ ngơi một thời gian cho lại sức rồi mới tính đến xin việc làm mới”.
Ngoài nguyên nhân áp lực công việc, mức lương thấp cũng khiến nhiều công nhân xin thôi việc. Anh Nguyễn Nhật Linh (21 tuổi, công nhân Công ty giấy P.H.)
thật thà cho biết: “Mức lương của tôi ăn theo sản phẩm. Tháng nào giỏi lắm cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng, còn thường chỉ hơn triệu đồng. Chừng đó tiền giờ sống sao nổi!”.* Đi tìm lời giải
Tại Đồng Nai, số người tham gia BHTN trong năm 2010 là 493.528 người trong tổng số 516.344 người đóng BHXH bắt buộc. Trong hai tháng đầu năm 2011, có 25.403 người đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Trong đó, có 18.883 người nộp hồ sơ hưởng BHTN với tổng số tiền chi trả trên 54,5 tỷ đồng.
Mỗi tháng, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đều tổ chức sàn giao dịch việc làm tại chỗ để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công nhân, song bình quân mỗi ngày lại có trên 200 người đi đăng ký BHTN. Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, lượng người đăng ký BHTN tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lý giải cho hiện tượng này là do luật quy định điều kiện, thời gian tham gia đóng BHTN có biên độ rộng, nhưng mức hưởng trợ cấp lại hẹp (ví dụ đóng vào quỹ đủ 12 tháng, 24 tháng hay dưới 36 tháng, người lao động cũng chỉ hưởng 3 tháng trợ cấp), làm cho người lao động có sự tính toán. Từ đó nảy sinh hiện tượng công nhân xin nghỉ việc để đăng ký thất nghiệp, hưởng trợ cấp...
Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: “Công nhân hiểu rõ về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu họ đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên họ sẽ được hưởng 60% mức lương ở doanh nghiệp cũ. Vì vậy mới có tình trạng công nhân nghỉ việc theo phong trào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chưa kể những trường hợp ưa “nhảy việc” để tìm cho mình công việc mới với mức lương hấp dẫn hơn chỗ làm cũ”. Theo ông Long, thời gian tới, lượng lao động tại các KCN sẽ còn tiếp tục thiếu hụt. Việc tuyển dụng người lao động giữa các công ty ngày càng cạnh tranh gay gắt. Do đó, các doanh nghiệp nên tăng chế độ phụ cấp về lương bổng và giảm điều kiện tuổi tác, trình độ, giới tính cho công nhân để họ yên tâm làm việc, tránh tình trạng “nhảy” việc.
Ông Lâm Chí Sinh, cán bộ Phòng BHTN (thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh) cho biết: “Do mức lương thấp, trong khi doanh nghiệp lại đòi hỏi quá nhiều trong công việc khiến nhiều lao động bám trụ không nổi nên tự ý nghỉ việc. Nhiều doanh nghiệp đặt băng-rôn quảng cáo rầm rộ về mức lương cao nhưng thực ra họ tính luôn cả việc tăng ca, tay nghề cao..., công nhân xin vào làm một thời gian thấy thất vọng nên bỏ việc”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không thất nghiệp nhưng vẫn tự ý xin nghỉ việc khi đã có đủ 12 tháng đóng BHTN để được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Hiện tượng này đã khiến các doanh nghiệp luôn trong tình trạng bất ổn về lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ông Sinh còn cho biết thêm: “Quy trình thực hiện chi trả trợ cấp BHTN hiện nay còn lòng vòng bởi phải qua quá nhiều thủ tục, trong khi mỗi ngày lượng người đến đăng ký BHTN ngày càng tăng. Điều đó dẫn đến tình trạng nghỉ việc đại trà để kiếm tiền trợ cấp và khá nhiều trường hợp còn tỏ ra vui mừng khi biết mình... thất nghiệp”.
Ông NGUYỄN THANH HÒA, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu để đề nghị sửa đổi Luật BHTN nhằm đảm bảo chi trả BHTN đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm quyền lợi cho người lao động (Theo Báo Tiền Phong).
Ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc BHXH Đồng Nai, cho rằng: “Quy định về một khoảng thời gian đóng BHTN để hưởng trợ cấp thất nghiệp là cào bằng. Quy định này dễ xảy ra trường hợp người lao động làm việc sau một năm sẽ tìm đủ cách để nghỉ việc tạm thời và đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nghỉ việc ảo để hưởng trợ cấp thất nghiệp”.
Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tuyển lượng lao động lớn nên chủ động đến các vùng ngoại ô để liên hệ tìm nguồn lao động mới thay vì ngồi tại chỗ. Song song đó, doanh nghiệp nên tạo điều kiện và tăng mức thu nhập cho công nhân nhằm tránh tình trạng bỏ việc như hiện nay.
Tùng Minh - Lan Hiệp