Báo Đồng Nai điện tử
En

Cá lau kiếng - Kẻ phá bĩnh ngư dân!

10:05, 26/05/2011

Hiện nay, trên khắp các vùng sông nước, sự phát triển quá nhanh của loài cá lau kiếng (LK) đã trở thành mối đe dọa lớn, bởi, chúng không những làm xáo trộn môi trường sinh thái mà còn gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản...

Hiện nay, trên khắp các vùng sông nước, sự phát triển quá nhanh của loài cá lau kiếng (LK) đã trở thành mối đe dọa lớn, bởi, chúng không những làm xáo trộn môi trường sinh thái mà còn gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản...

 

* Kẻ phá bĩnh ngư dân!

 

Những năm gần đây, khi đến mùa thu hoạch cá, chưa kể các vùng khác, chỉ riêng người dân ở các làng nuôi cá ao dọc hai bờ sông Thao, thuộc các xã: Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), Vĩnh Tân, Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đều chẳng biết phải làm cách nào để "tống khứ" hàng đàn, hàng đống loài cá không nuôi mà có này! Nhiều hộ nuôi cá cho biết, mặc dù họ đã cẩn thận lấp bít mọi ngõ ngách tiếp giáp với sông, suối... nhưng chẳng hiểu bằng cách nào mà chúng vẫn luồn lách, len lỏi vào được trong các ao cá nuôi. Tình trạng "lạm sinh" của cá LK đã khiến cho dân nuôi cá điêu đứng, có chủ ao phải lỗ nặng vì sự tiêu hao thức ăn nuôi cá. Anh Tùng, ngụ xã Vĩnh Tân than rằng: "Giá thức ăn thủy sản thì tăng, giá thu mua cá thịt thì giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, nạn dịch cá LK hoành hành khắp các ao nuôi, khiến cho chúng tôi rất khổ sở".

 

Câu được cá lau kiếng. Ảnh: L.HOÀNG

 Có thể nói, sự phát tán và "sống dai" của cá LK là rất đáng kinh ngạc! Đừng tưởng khi đã quật chết rồi ném chúng đâu đó trên bờ thì chúng sẽ chết... luôn. Vì, với bản năng sống được khá lâu trên môi trường khô cạn, cá LK thường chỉ cần ở gần nguồn nước nào đó thôi, thì chỉ trong thời gian ngắn, chúng sẽ "hồi dương"mà lách xuống nước. Điều đáng nói là ở đâu có sự hiện diện của chúng, thì nơi đó các loài cá khác sẽ phải "bỏ xứ mà đi" vì không thể tranh được thức ăn với cá LK!  Đó là chưa kể, cá LK rất "xấu tính" khi ăn mồi. Nếu là loại mồi không hợp "gu", thay vì không ăn được thì "nhường" cho loài cá khác, đằng này chúng cứ "đè" lên mồi và giương ba cái ngạnh sắc nhọn như ngọn giáo để... nhát, để răn đe các loài cá khác theo kiểu "ăn không được thì phá cho hôi!".

 

Do tính nết ăn mồi theo kiểu... "xã hội đen" của cá LK, mà dân câu cá rất "thù ghét" chúng. Anh Lê Hồng Phúc (phường Quyết Thắng, Biên Hòa) thường hay tranh thủ ngày nghỉ đi câu cá giải trí ở nhiều vùng sông rạch các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom cho biết, hiện nay ở nhiều nơi hễ cứ buông cần câu xuống là... có cá LK, không cách nào câu được loại cá khác! Sau thời gian "khổ sở" vì loài cá này, anh Phúc đã nghĩ ra kế "điệu hổ ly sơn". Anh nói: "Khi thấy chỗ câu có nhiều cá LK tới... phá đám, tôi bèn lấy mồi cám nhử, trộn với bùn đất vo thành cục cỡ bằng trái cam, rồi ném xuống ao, rạch 1 - 2 nơi cách chỗ mình câu xa vài ba mét. Lũ cá LK đánh hơi được mùi cám, sẽ bu đến... nhâm nhi mấy cục đất trộn cám đó. Thế là tôi liền tranh thủ buông cần câu ngay chỗ mình ngồi. Nói là "tranh thủ", bởi kế này chỉ dụ chúng được một lúc thôi, vì sau đó "nghe động", chúng sẽ quay lại chỗ mình câu và lúc ấy tốt nhất là nên mang cần câu đi nơi khác...!".

 

* Từ dịch đến... diệt!

 

Cơn mưa lớn trong  đêm đã làm cho mực nước của suối Sâu ở ấp 4, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu dâng cao. Anh Tâm, nhà cạnh suối này rất mừng. Bởi anh đinh ninh là tay lưới mới sắm dài hơn 50m mà anh đã giăng trước cửa suối chiều qua sẽ trúng đậm nhiều loại cá. Lòng nôn nao, trời mờ sáng anh đã lội bì bõm dưới suối để kéo lưới lên với bao hy vọng. Nhưng mẻ lưới tuy gom xong, song anh chẳng buồn "khiêng" về. Anh ngồi thừ người bên bờ suối mà lầm bầm: "Coi như tiêu tay lưới mới mua! Hàng trăm con cá LK đủ cỡ mắc lưới đã làm cho tay lưới rối nùi như mớ bòng bong, coi như... bó tay!".

 

Anh Huỳnh Ngọc Châu, quê Long An, hành nghề chài lưới, mang theo cả vợ con trên chiếc ghe chài, từ Long An ngược sông Vàm Cỏ lên sông Đồng Nai với hy vọng nơi vùng "sông mới" sẽ... "né" được lũ cá LK, chuyên phá đám ngư dân ở quê nhà. Với kinh nghiệm hơn 10 năm hành nghề sông nước, anh cho rằng ở sông Đồng Nai chắc không có cá LK. Nhưng nào ngờ, anh lại rơi vào tình cảnh "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa"! Anh lắc đầu ngao ngán: "Tui cứ tưởng ở nơi sông Đồng Nai xa xôi này làm gì có cá LK. Tuy nhiên, tui cũng đã dè dặt không dùng lưới thả mà dùng lộp dây để bủa bắt cá. Vậy mà khi thu lợp,  hơn nửa lượng cá đánh bắt được là cá LK! Nếu ở Long An hay các tỉnh miền Tây thì vẫn có khá nhiều người "biết" ăn thịt cá LK, nên tui còn bán được lai rai, mặc dù bán không được giá. Còn ở miền Đông hầu như chưa ai dám ăn thịt cá LK, có bày bán thì  cũng chẳng ai mua! Nhiều khi tức mình, khi bắt được chúng tui... đập cho chết rồi liệng đại xuống sông!".

 

Những hồ nước này có rất nhiều cá lau kiếng!

Hiện nay sự phát tán cá LK khắp các vùng sông nước là rất nghiêm trọng. Sự phát triển ồ ạt của chúng đã trở thành đại dịch, không những gây xáo trộn đến môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng xấu đến ngành ngư nghiệp, khai thác thủy sản. Tất nhiên, chúng ta không thể áp dụng các biện pháp "trái tự nhiên", như dùng hóa chất, xung điện... để tiêu diệt chúng. Và, lại càng khó hơn nếu cấp kinh phí để "huy động" mọi người dân đánh bắt cá LK như cách tiêu diệt ốc bươu vàng! Vì, cái khó nhất là sẽ phải xử lý như thế nào với một lượng cá LK "khổng lồ"đánh bắt được? Bởi, về phương diện "ẩm thực", đa số người dân chưa quen ăn thịt cá LK, mặc dù gần đây có nhiều thông tin về việc chế biến các món ăn "khoái khẩu" từ cá này.

 

Có lẽ, đã đến lúc các ngành hữu quan cần có giải pháp đối với cá LK. Bởi, bằng kinh nghiệm của mình, ông Bảy Thọ, ngụ tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, cho biết: "Thấy một lượng khá lớn cá LK được nhiều người đánh bắt đem bỏ, tôi thấy tiếc, bèn đem về nấu cháo cho heo ăn thử. Không ngờ đàn heo tăng trọng khá nhanh. Thế là tôi liền "thu mua" cá LK với giá... 2.000 đồng/ký. Tuy thu mua với giá bèo như vậy, nhưng có không ít người mang tới bán, thay vì đem bỏ chúng. Thời gian gần đây, nghe trên báo đài nói là thịt cá LK ăn được và ăn khá ngon, nên tôi đang lo nếu thu mua giá... bèo quá, thì họ thà đem cá này về ăn, chớ không bán!".

 

Được biết, thịt cá LK tuy chỉ chiếm 1/10 trọng lượng cơ thể (chủ yếu nằm dọc hai bên sống lưng) và 9/10 trọng lượng còn lại là da, xương, vẩy có hàm lượng chất vôi và đạm khá cao, rất phù hợp cho việc chế biến thức ăn gia súc, thủy sản. Nếu giải quyết "đầu ra" cho cá LK như là một nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, thì có thể mai này có khi chúng ta lại tìm... đỏ con mắt mới bắt được một con cá lau kiếng! 

 

Cá lau kiếng.

Cá lau kiếng còn gọi là cá lau kính, cá tì bà hay cọ bể có tên khoa học là Hypostomus punctatus. Chúng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh, chủ yếu nhập từ Hong KongSingapore. Mặc dù có hình dạng... quái dị, mặt mày xấu xí, màu sắc xám xịt, nhưng chúng lại được "vinh hạnh" xếp vào hàng cá cảnh nhờ sự mẫn cán trong việc "dọn vệ sinh" các hồ cá cảnh.

Cá LK thuộc loại "mắn đẻ", nên chúng phát triển rất nhanh. Theo bản năng sinh tồn, chúng buộc phải "di cư" khắp nơi để tìm... kế sinh nhai ở bất cứ nơi nào có nước, như: ao nuôi cá, kênh mương thủy lợi, giếng lấy nước sinh hoạt, kể cả những nơi bùn lầy, nước đọng bị cho là ô nhiễm như cống rãnh, mương, vũng nước tù!...                                                                                                                      

 

Lê Hoàng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều