Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 dân tộc thiểu số sinh sống, với trên 31 ngàn hộ (chiếm gần 8% dân số của tỉnh). Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc luôn một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Đến nay, truyền thống đó vẫn được người già tại các buôn làng truyền đến con cháu, cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 dân tộc thiểu số sinh sống, với trên 31 ngàn hộ (chiếm gần 8% dân số của tỉnh). Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc luôn một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Đến nay, truyền thống đó vẫn được người già tại các buôn làng truyền đến con cháu, cộng đồng.
* Những thành tựu đạt được
Từ năm 2005-2010, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền trên 79 tỷ đồng; chương trình 135 (giai đoạn 2) đã đầu tư gần 85 tỷ đồng; triển khai thực hiện 5 dự án định canh định cư (ĐCĐC) cho 600 hộ với số tiền 11 tỷ đồng; cấp gần 36.800 thẻ bảo hiểm y tế/năm (trị giá khoảng 12 tỷ đồng). Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc được cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở cùng chung sức chăm lo. Ngoài triển khai các dự án, địa phương còn xây dựng hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm; chương trình khuyến công, khuyến nông; y tế, giáo dục... Các cấp ủy Đảng, chính quyền còn đặc biệt chú trọng củng cố, kiện toàn hoạt động của hệ thống chính trị ở các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống. Đặc biệt, vai trò già làng, trưởng làng, người có uy tín trong cộng đồng thời gian qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chú trọng.
Năm 2010, chương trình 134 đã tiến hành hỗ trợ cho 1.242 hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất dưới hình thức: chăn nuôi, đào tạo nghề. Chương trình 135 (giai đoạn 2) tiếp tục hỗ trợ thêm 30,3 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí gần 7 tỷ đồng đã giúp 81.478 đối tượng nghèo được thụ hưởng. Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong năm qua, toàn tỉnh đã cấp được 32.919 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào các dân tộc ít người ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, 100% con em đồng bào dân tộc đủ tuổi được vận động đến trường và gần 2.000 con em đồng bào các dân tộc được cử đi học đại học, các trường nghề, dân tộc nội trú.
Tại cuộc họp bàn về công tác dân tộc, bà Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã cho biết, tháng 3-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 801/QĐ-UBND tỉnh về "Công tác dân tộc giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh", với những mục tiêu cụ thể như: thu nhập bình quân đầu người tại vùng đồng bào dân tộc ít người tăng 13%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm; phấn đấu 100% hộ đồng bào dân tộc có nhà ở kiên cố, có nước sạch sinh hoạt để sử dụng. Hệ thống giao thông kiên cố tới ấp đạt 95%; tỷ lệ hộ được dùng điện sinh hoạt, sản xuất đạt gần 100%; 85% hộ gia đình có công trình vệ sinh, không còn xã đặc biệt khó khăn. Nhất là cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp chuyển dịch hợp lý; hình thành vùng sản xuất hàng hóa kết hợp với chế biến đa dạng, giá trị kinh tế cao và có giải pháp ổn định đầu ra của nông sản. Theo bà Nga, để làm được điều này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức cần quán triệt thực hiện công tác dân tộc theo phương châm "Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc".
* Chung tay cùng chính quyền
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho hay: "Với đồng bào dân tộc Chơro, Mạ, STiêng..., từ ngày có Đảng gieo mầm cách mạng, họ đã một lòng theo Đảng. Trong quá khứ, đồng bào đã từng cắt máu thề "không ăn cơm hai nồi, ở hai lòng, mãi mãi là con cháu Bác Hồ". Lời thề thủy chung đó mãi được người già truyền lại cho thế hệ con cháu. Thời kỳ đất nước đổi mới, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn có ý thức trách nhiệm công dân, cùng cộng đồng đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn, buôn làng, khu ĐCĐC, làng văn hóa. Đồng bào không ngừng nỗ lực làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và luôn gương mẫu trong các phong trào giữ gìn an ninh trật tự".
Là người có nhiều thời gian cống hiến trong công tác dân tộc, ông Võ Hùng Thanh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo - dân tộc tỉnh cho biết thêm, mặc dù có nhiều thay đổi về cơ quan quản lý, nhưng dù thay đổi thế nào, công tác dân tộc của tỉnh vẫn luôn bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trước những năm 1993, trình độ sản xuất, dân trí của đồng bào các dân tộc còn thấp; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn nghèo nàn, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao. Từ thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình, dự án do trung ương, tỉnh đề ra. Ông Thanh nói: "Sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các địa phương đối với vùng đồng bào các dân tộc luôn là động lực giúp họ thay đổi, phát triển. Nhưng nếu thiếu sự chung tay góp sức cũng như nỗ lực từ phía đồng bào thì sự đầu tư đó khó phát huy hết tính ưu việt, sự vững bền".
Từ một hộ thiếu ăn, thiếu đất sản xuất, ông Thổ Đen (dân tộc Chơro, ngụ tại ấp 1, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) được dự án ĐCĐC của tỉnh, huyện cấp đất, cấp nhà, hỗ trợ vốn sản xuất. Vài năm sau, nhờ tiếp cận với tư duy sản xuất mới, ông đã thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống và vươn lên khá giả. Ông Thổ Đen tâm sự, ngoài việc biết ơn sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Nhà nước, ông còn phải cố gắng làm cho giỏi, cho hay để xứng đáng với những gì mà ông đã được nhận. "Mình làm giỏi thôi chưa đủ, phải biết giúp đồng bào khác cùng làm giỏi như mình. Đồng thời, khi làng mình đã đủ ăn, đủ mặc rồi thì cũng nên biết nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào nơi nghèo hơn, không nên đòi hỏi Nhà nước cứ tiếp tục ưu tiên cho cá nhân mình, dân làng mình" - ông Thổ Đen nói. Cùng chung suy nghĩ với ông Thổ Đen, KRiếu (dân tộc Cơ Ho, ngụ tại ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) cho hay: "Đất đai trong làng đều giống nhau, Nhà nước đầu tư cho dân trong làng mỗi người một phần bằng nhau, tại sao trong làng vẫn còn người nghèo ? Điều này là lỗi do mình, do trong làng vẫn còn hộ chưa chịu khó cày xới, thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật đúng như lời cán bộ hướng dẫn".
Thấu hiểu tâm tư của đồng bào, ông Điểu Bảo bày tỏ, đồng bào dân tộc mỗi vùng miền nhận thức tuy có khác nhau, được ưu tiên đầu tư theo nhu cầu khác nhau nhưng có thể khẳng định, việc thực thi các dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc ít người của trung ương, địa phương thời gian qua thật sự làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Cũng nhờ vậy, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, trình độ văn hóa, hòa nhập nhanh với tiến trình đổi mới của đất nước. "Dù còn khó khăn về đời sống, các chương trình đầu tư còn hạn hẹp, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn kiên định một lòng tin vào Đảng, chính quyền các cấp và sự đổi mới của đất nước. Trong suy nghĩ của đồng bào, khi dân làng no đủ, văn minh, đã có sự đóng góp quan trọng từ các cấp ủy Đảng, chính quyền khi dẫn dắt họ về đây ĐCĐC, ổn định đời sống, bỏ thói quen du canh du cư" - ông Điểu Bảo nói.
Đoàn Phú