Theo thời gian, tình trạng đói nghèo, lạc hậu tại những buôn làng, khu định canh định cư (ĐCĐC) của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh dần được xóa bỏ, thay vào đó là sự no đủ, sung túc, tiến bộ. Để đạt được điều này, những người già tại các làng STiêng, Chơro, Mường... cho hay, mỗi đổi thay của dân làng đều mang đậm dấu ấn của chính quyền địa phương.
Theo thời gian, tình trạng đói nghèo, lạc hậu tại những buôn làng, khu định canh định cư (ĐCĐC) của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh dần được xóa bỏ, thay vào đó là sự no đủ, sung túc, tiến bộ. Để đạt được điều này, những người già tại các làng STiêng, Chơro, Mường... cho hay, mỗi đổi thay của dân làng đều mang đậm dấu ấn của chính quyền địa phương.
* Nhớ ơn cán bộ
Như cây Kơnia đầu làng, già Bùi Văn Ia (dân tộc Mường, ngụ tại ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán) ghi lòng tất cả những điều cán bộ Sơn (nguyên bí thư xã), cán bộ Tây (chủ tịch xã) đã chỉ đạo đồng bào làm đường, kéo điện, khoan dòng nước sạch, thay đổi tập quán sản xuất...
Ở nơi xa khác, đồng bào Mạ của già KLư (ngụ tại ấp 4, xã Tài Lài, huyện Tân Phú) đã quen với hạt gạo lúa thơm thay cho bữa khoai, sắn độn gạo đỏ thời còn du canh du cư, do mãi chạy theo con thú, đám rừng già để săn bắt, chọt tỉa. Già KLư cho rằng, giữ truyền thống là tốt, nhưng cán bộ bảo điều hay phải làm, cái xấu phải xóa. Vì vậy, già thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào của mình phải chịu khó làm đúng lời cán bộ hướng dẫn để dân làng được no ấm, tiến bộ. Đồng thời, sự thay đổi của làng luôn gắn chặt hình ảnh cán bộ xã, huyện, tỉnh khi cán bộ về đây vận động đồng bào ĐCĐC, xây nhà, kéo điện, làm thủy lợi, dạy cách canh tác mới. Theo ngụ ý của già KLư, tuy đồng bào không giỏi chữ nghĩa, nhưng không bao giờ nói dối. Thời gian qua, nếu đồng bào của già không được tỉnh, huyện, xã quan tâm thì dân làng ông vẫn mãi đuổi theo con thú để bắt, phá rừng để trồng tỉa cho đến khi hết mới thôi.
Trong những lần công tác qua các làng, khu ĐCĐC của đồng bào dân tộc STiêng ở xã Tân Hiệp (huyện Long Thành), làng Chăm ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), Bum Khmer tại thị trấn Định Quán (huyện Định Quán)..., chúng tôi được đồng bào mời vào những căn nhà ĐCĐC còn phảng phất mùi vật liệu mới xây để uống trà và đãi bữa cơm có thêm chút men rượu. Chúng tôi còn nhớ lời Sơn Thinh, Trưởng Bum Khmer ở thị trấn Định Quán bày tỏ, dù dân tộc Khmer, Kinh hay các dân tộc khác sống trên quê hương Đồng Nai cũng đều được các cấp ủy Đảng, chính quyền cưu mang khi xảy ra đói nghèo; khi thiếu nhà thì được hỗ trợ nhà; chưa biết cách làm giàu thì địa phương sẽ cử cán bộ xuống hướng dẫn. Chính vì vậy mà Trưởng Bum Sơn Thinh luôn nhắc nhở đồng bào mình phải sống đoàn kết, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, phải luôn nỗ lực, quyết tâm lao động và luôn biết ơn Đảng, chính quyền đã dốc lòng, dốc sức lo cho dân. "Nhà nước cho cần câu thì đồng bào phải tìm nơi để câu cá, hết cá thì đào ao nuôi"- Trưởng Bum Sơn Thinh nói vậy.
* Phải biết chống chọi với thiên nhiên
"Những cánh đồng 2-3 vụ tại các khu ĐCĐC, làng dân tộc Chơro, Tày, Nùng... bạt ngàn màu xanh của cây trồng dần thay cho những cánh đồng một vụ, hoang hóa, rũ rượi từ những cây tạp, cây dại. Cũng nhờ quen với cách thức sản xuất mới, đồng bào dân tộc hiện không còn phụ thuộc vào thiên nhiên ("trời cho thì ăn, lấy thì đành chịu") như lối tư duy canh tác lạc hậu của mình trước đây" - bà Phí Thị Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc bày tỏ. Cũng theo bà Hợi, đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Xuân Lộc hiện có trên 17 ngàn nhân khẩu, với 16 thành phần dân tộc, như: Chơro (4.480 người), Chăm (trên 2 ngàn người), Tày và Nùng (gần 4 ngàn người)... Trong đó, số hộ khá giàu trên 1 ngàn hộ. Nhiều gương đồng bào tiêu biểu trong sản xuất, làm giàu, như: Lý Phát Sinh (xã Lang Minh), Lê Văn Hải (xã Xuân Tâm), Thổ Lu (xã Xuân Thọ)..., nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất, sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo từng mùa vụ, thời kỳ.
Các công trình giao thông nông thôn do Nhà nước và dân cùng làm tại làng dân tộc Mường (ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán). Ảnh: Đ.PHÚ |
Tiếp chuyện với chúng tôi bên cánh đồng bắp năng suất cao đang thời kỳ thu hoạch, ông Lý Phát Sinh khẳng định, thành công đó do ông chịu khó tìm tòi học hỏi và mạnh dạn làm theo lời cán bộ khuyến nông "cầm tay chỉ việc". Cán bộ hướng dẫn tới đâu ông làm theo tới đó, không biết thì tìm cán bộ hỏi. Ông Sinh nói: "Do cái đầu mình bảo cái chân phải đi tìm người giỏi để học. Đồng thời, bản thân mình còn chơi thân với cán bộ khuyến nông trên tỉnh, dưới huyện nên cái gì hay cũng nắm bắt được. Nhất là phải biết chống chọi với thiên nhiên bằng những giống kháng bệnh, cung cấp cho cây đủ nước, đủ phân và chăm sóc đúng quy trình thì sẽ có mùa vụ thành công".
Nhờ công trình thủy lợi đem dòng nước từ hồ suối Vàng Hô, đồng bào dân tộc các xã Tài Lài, Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) và các vùng phụ cận luôn chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng mùa nắng và thoát lũ vào mùa mưa. Nông dân Điểu Kay (ở ấp 2, xã Nam Cát Tiên) cho biết, từ ngày không còn phụ thuộc vào nước trời, ruộng lúa của gia đình anh canh tác được quanh năm, với 2 vụ lúa, một vụ bắp. Vì vậy, nhà anh không bao giờ thiếu gạo, gạo ăn không hết thì đem bán, để dành chăn nuôi. Còn ông Nguyễn Đắc Dung (trưởng ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán) thì chung một niềm vui bày tỏ, cánh đồng Chooc của làng ông, tuy không có hệ thống kênh mương thủy lợi, nhưng bù lại, người dân sản xuất tại cánh đồng Chooc được Nhà nước cho mượn tiền khoan giếng, kéo điện đến từng thửa đất tưới lúa, tưới ngô, hoa màu khác nên không còn phụ thuộc vào nước trời như trước. Ông Dung nói: "Phụ thuộc vào nước trời bao giờ cũng trễ vụ, mất mùa, sản xuất bấp bênh".
Già làng Điểu Văn Co (dân tộc Chơro, ngụ tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán) bộc bạch cái bụng, suy nghĩ của cá nhân: "Đảng và chính quyền mang điện, đường, trường, trạm, nước sạch... đến làng là đem đến văn minh, sự no ấm, cuộc sống đủ đầy. Chính vì vậy, mỗi công trình của Nhà nước đầu tư xây dựng cho dân làng đều gắn chặt với hình ảnh từng cán bộ tỉnh, huyện, xã về đây giúp dân. Vì thế mà đồng bào Chơro nơi đây quý và xem những cán bộ tốt đó như người thân của mình". |
Trao đổi với chúng tôi, ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Ông Điểu Bảo nói: "Trước năm 1993, trình độ sản xuất, dân trí, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu. Từ thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo các ngành, địa phương, tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện tốt, nhanh, quyết liệt các chương trình, mục tiêu dự án của trung ương, địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, từ năm 2000 đến nay, đời sống vật chất, tinh thần, tư duy sản xuất... trong đồng bào không ngừng khởi sắc, dứt đói, giảm mạnh hộ nghèo và từng bước phát triển".
Đoàn Phú