Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc Chơro, STiêng, Mạ, Tày... luôn một lòng tin Đảng, theo Bác và tình cảm đó vẫn sắt son, chung thủy cho đến hôm nay. Theo người già tại các buôn làng, khu định canh - định cư (ĐCĐC) của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, thì nhờ có sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đời sống của bà con đang ngày thêm ấm no, văn minh và tiến bộ.
Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc Chơro, STiêng, Mạ, Tày... luôn một lòng tin Đảng, theo Bác và tình cảm đó vẫn sắt son, chung thủy cho đến hôm nay. Theo người già tại các buôn làng, khu định canh - định cư (ĐCĐC) của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, thì nhờ có sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đời sống của bà con đang ngày thêm ấm no, văn minh và tiến bộ.
Từ rất lâu, người Chơro ở ấp 6, xã Phước Bình (huyện Long Thành) đã trao trái tim mình cho Đảng, Bác Hồ. Người già Dương Văn Tâm (67 tuổi) nói: "Ngày tao còn đóng khố đã theo người lớn giả làm người đi nương rẫy để tiếp tế lương thực cho bộ đội Cụ Hồ trong rừng. Bây giờ đất nước đổi mới, dân làng ĐCĐC ổn định, tao và dân làng không bao giờ nói hai lời, ăn cơm hai nồi, nghe lời kẻ xấu, mà luôn sắt son với Đảng, chính quyền".
* Kiên định tấm lòng
Bên chiếc bàn đá trước sân, người già Tâm ôn tồn giải thích điều già vừa nói. Theo ông, đồng bào dân tộc Chơro luôn biết tôn trọng lời hứa, xem lời hứa như nhát dao chém vào thân cây và mãi trường tồn. Bởi vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, làng Chơro và người Chơro ở đây được cách mạng chọn làm nơi trú ẩn, tiếp tế lương thực, thuốc men, gùi đạn... Người già Tâm khẳng khái bày tỏ, dù nay rừng không còn, suối sâu đã cạn nhưng lòng tin của đồng bào vào Đảng, chính quyền vẫn sắt son, mộc mạc như thời trước.
Nói rồi, người già Tâm cùng anh Dương Văn Đài dẫn chúng tôi đi thăm làng. Trên đường đi, cả hai không ngừng giới thiệu những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm, chuyện đồng bào Chơro nghe Đảng, chính quyền về đây ĐCĐC. Cả hai cho biết, năm 1995, Nhà nước đã đầu tư xây dựng làng trên diện tích 50 hécta/78 hộ dân. Mỗi hộ dân được chương trình cấp 1 căn nhà, 5 sào đất ở và sản xuất. Năm 2001, điện lưới được kéo đến từng hộ gia đình, nước sạch được đầu tư và nhà văn hóa cộng đồng, trường học, sân bóng... cũng được xây dựng. Năm 2009, thêm 83 căn nhà mới được xây dựng để cấp cho các hộ chưa có nhà (do có nhiều hộ tách khẩu ra riêng), các công trình hố xí hợp vệ sinh được xây tặng theo từng nóc nhà. "Hiện tại, con em trong làng học đại học, cao đẳng, trường nghề và đã đi làm việc rất nhiều. Không như người già tụi tao chỉ được học lóm cái chữ do bộ đội Cụ Hồ dạy nên lúc nhớ, lúc quên" - người già Tâm nói.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Dương Văn Đài, hiện làm nhiệm vụ quản lý Nhà văn hóa cộng đồng của làng cho hay, bà con dân tộc Chơro ở ấp 6, xã Phước Bình có nguồn gốc, quê quán từ ấp Bằng La (huyện Châu Đức), xã Hắc Dịch và Châu Pha (huyện Tân Thành), thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau kháng chiến chống Mỹ, bà con mới tụ hội về đây lập làng sinh sống. Tuy vậy, dù ở nơi nào, đồng bào Chơro trong ấp vẫn kiên định, một lòng, một dạ theo Đảng, Bác Hồ và chính quyền. Đặc biệt, đồng bào luôn biết giữ gìn, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc của dân tộc mình, như: mừng lúa mới, ăn tết năm mới, sinh hoạt cộng đồng trong lao động, thờ cúng tổ tiên, ông bà. Anh Đài nói thêm: "Ngoài thờ cúng tổ tiên, đồng bào mình không theo tôn giáo nào khác. Không ít lần kẻ xấu vào làng rủ rê, lôi kéo theo họ, nhưng đồng bào vẫn kiên định sắt son với Đảng, chính quyền và tin vào sự đổi mới của đất nước. Dân làng mình quyết không nghe, tin lời kẻ xấu với ý đồ chia rẽ, làm mất uy tín của Đảng, chính quyền".
* Buôn làng thanh bình
Ngày hội bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp đã cận kề, khắp nơi trong làng ĐCĐC của người Chơro xã Phước Bình rực màu cờ Tổ quốc. Trong ngày vui chung này, đồng bào Chơro càng vui hơn khi trưởng làng Dương Văn Lùng ra ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, Dương Văn Nụm (người có uy tín của làng) cũng là ứng cử viên HĐND cấp xã. Người già Dương Thị Quý (68 tuổi) cho hay, bà con trong làng sẽ dành lá phiếu của mình để ủng hộ hai ứng cử viên Lùng và Nụm. "Già tự hào khi làng mình có nhiều thanh niên ưu tú ra giúp dân, giúp nước. Ngoài chăm lo cho dân trong làng, thanh niên bây giờ còn có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, chăm lo cho các dân tộc khác nữa, nên già vui và hãnh diện vô cùng" - bà tâm sự.
Nhà văn hóa cộng đồng Chơro ngoài chức năng sinh hoạt cộng đồng còn là nơi luôn được trẻ nhỏ trong làng tìm đến để vui chơi. Ảnh: Đ.PHÚ |
Lui cui với mấy con bò bên bãi cỏ cuối làng, ông Dương Văn Muôn tạm ngơi tay để tiếp chuyện với chúng tôi. Ông Muôn cho biết, nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn mà ông gầy dựng được đàn bò này. Trong làng không riêng gì nhà ông có bò mà nhà ông Tâm, bà Phượng, ông Lự... đều nuôi bò đàn. Trên 40% số hộ trong làng nuôi bò với tổng đàn trên 200 con. Ông Muôn cho biết: "Hiện nay, người có tuổi như mình thì ở nhà trồng trọt, chăn nuôi. Thanh niên lớn lên thì đi làm cán bộ, công nhân. Trẻ nhỏ thì lo chú tâm vào học tập. Vì vậy, để gặp đồng bào thì cán bộ phải chờ giờ nghỉ trưa hoặc chiều tối mới đông đủ".
Đúng như lời ông Muôn nói, qua hơn nửa giờ rong ruổi theo các con đường trong làng, chúng tôi chẳng gặp thêm được người cần tìm, khi có rất nhiều nhà cửa đóng, then cài. Ngoài trẻ em đang ở nhà chờ buổi trưa lên lớp học, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp thêm được vài phụ nữ, người già ngồi nhà lặt rau, quét dọn và tắm giặt. Vì vậy, chúng tôi quyết định quay lại Nhà văn hóa cộng đồng tìm gặp anh Đài. Tại đây, chúng tôi thích thú nhìn hình ảnh vài trẻ nhỏ đang chơi đùa xích đu. Riêng người già Tâm sau khi thả bò ngoài đồng thì quay về Nhà văn hóa cộng đồng chờ chúng tôi để tiếp tục câu chuyện. Thấy chúng tôi, người già Tâm liền cất tiếng: "Các con thấy không, tao nói đâu có sai. Bây giờ, đồng bào mình quý thời gian lắm, ai cũng ham làm, tiếc việc. Chỉ có lao động hết mình thì đời sống mới sung túc, đầy đủ, buôn làng mới giàu mạnh, thoát đói nghèo".
Đàn bò trên 10 con của người già Dương Văn Tâm có được hôm nay là nhờ Nhà nước cho vay vốn để gầy dựng. |
Tuy không gặp được trưởng làng Dương Văn Lùng (do ông bận họp trên huyện) nhưng qua điện thoại chúng tôi được ông cho biết, làng Chơro ở ấp 6 có 78 hộ gia đình. Trong làng có trên 40% hộ khá, 100% số hộ được sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh. Làng ĐCĐC Chơro ấp 6 hiện là làng dân tộc kiểu mẫu của huyện, tỉnh, nên rất được các cấp, ngành quan tâm xây dựng hạ tầng, giáo dục, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt, bà con trong làng luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, không có tệ nạn xã hội và sắt son một lòng với Đảng, chính quyền.
Ông LÊ HỮU DUYÊN, Phó chủ tịch UBND xã Phước Bình (huyện Long Thành) cho biết, ngoài các giấy khen của tỉnh, huyện, xã khen tặng hàng năm qua các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo..., làng dân tộc Chơro tại ấp 6 còn được Trung ương MTTQVN tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, làng cũng được huyện Long Thành công nhận là làng dân tộc vượt nghèo, phát triển bền vững.
Đoàn Phú