Với mong muốn giúp đỡ cho các thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt trở về từ các trường giáo dưỡng và trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi sau khi hết tuổi, một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã lập ra "trung tâm vào đời" để đón nhận các em...
Với mong muốn giúp đỡ cho các thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt trở về từ các trường giáo dưỡng và trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi sau khi hết tuổi, một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã lập ra "trung tâm vào đời" để đón nhận các em...
5 giờ chiều, thời điểm nhiều công nhân tan ca, vậy mà trong một căn phòng rộng rãi nằm giữa khuôn viên Công ty TNHH Thanh Bình (KCN Hố Nai, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) lại rộn rả những tiếng nói, cười. Cũng như mọi ngày, 8 công nhân sau giờ làm việc trở về căn phòng để nghỉ ngơi, tá túc qua đêm. Từ năm 2009 đến nay, căn phòng này đã trở thành mái nhà chung đối với họ - những thanh niên lớn lên từ các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và cả các em trở về từ trường giáo dưỡng.
* Cho em một mái nhà...
Trong ký ức, Nguyễn Thành An, chàng thanh niên 24 tuổi có gương mặt khá điển trai, chỉ nhớ loáng thoáng từ hồi chưa nhận biết cha mẹ mình là ai và ở đâu, thì em đã đi lạc và được người ta đưa vào Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Lớn lên từ Trung tâm huấn nghệ cô nhi nên đối với An, người thân hay "gia đình" em chính là các cô chú quản lý, các bạn đồng cảnh ngộ ở cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi này. Đến năm 18 tuổi và cũng học xong chương trình THPT, An rời trung tâm, bước vào đời để bắt đầu cuộc sống tự lập. Với trình độ văn hóa THPT và có chút ít kiến thức về nghề điện công nghiệp học ở trung tâm cô nhi, An xin vào làm công nhân tại một công ty chuyên sản xuất các thiết bị phòng cháy, chữa cháy thuộc khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).
Không chịu học hành như An, Nguyễn Thanh Hải (SN 1996, quê ở tỉnh Bình Thuận) từ nhỏ đã theo đám bạn lêu lổng trốn nhà đi chơi và quậy phá. Hơn 12 tuổi, Hải đã bị chính quyền địa phương đưa vào trường giáo dưỡng vì có hành vi gây rối trật tự công cộng. Sau 2 năm được giáo dục tại Trường giáo dưỡng số 4 (nằm trên địa bàn huyện Long Thành), Hải có nhiều tiến bộ và được trở về địa phương. Về thăm nhà tại Bình Thuận được 2 tháng, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hải quay lại TP.Biên Hòa tìm việc làm để có thể tự lo cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Năm 2009, "trung tâm vào đời" do Công ty Thanh Bình lập ra để đón nhận thanh thiếu niên trở về từ các trường giáo dưỡng, từ trại mồ côi bước ra đời. Tại đây, các em ở không phải đóng khoản tiền nào. Ngoài phòng ngủ, khu vực bếp nấu ăn, trung tâm còn trang bị một phòng xem ti vi với một dàn karaoke cho các em vui chơi, giải trí. Cùng với nhiều bạn khác, An và Hải xin vào ở tại trung tâm này. Hiện An là tổ trưởng một tổ sản xuất tại Công ty Y., với thu nhập khoảng 3,3 triệu đồng/tháng. Còn Hải cũng có thu nhập hơn 2,8 triệu đồng/tháng nhờ làm tại Công ty Thanh Bình. An cho biết, do được ở miễn phí trong "trung tâm vào đời", không phải mất tiền nhà trọ nên mỗi tháng em dư được hơn 2 triệu đồng gửi tiết kiệm. "Tụi em là trẻ mồ côi, không có gia đình, cũng không có ai là người thân. Nếu không biết để dành, lỡ gặp chuyện gì thì lấy gì lo thân..." - An thật thà tâm sự.
Được biết, thời gian đầu mới thành lập, "trung tâm vào đời" đón nhận 20 thành viên (gồm cả nam lẫn nữ, là người từ các trường giáo dưỡng và Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa đến). Trong các em, có một số người làm cho Công ty Thanh Bình, cũng có người làm ở các công ty khác. Hiện nay, do có người trở về với gia đình, số khác ra ngoài thuê nhà trọ ở cho gần chỗ làm việc nên trung tâm chỉ còn lại 8 người.
* Tạo việc làm để giúp các em vươn lên
Lách Lập Sâu là trẻ mồ côi xuất thân từ Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa và là một trong số những người đầu tiên được nhận vào "trung tâm vào đời". Vì thế, khi kể về mình, Sâu thường nói vui: "Tụi em là những đứa con đầu lòng của trung tâm". Vóc người nhỏ nhắn nhưng Sâu siêng năng, lanh lẹ và cũng vì thế anh luôn dành được nhiều cảm tình của mọi người xung quanh. Về làm công nhân cho Thanh Bình đầu năm 2009, Sâu được công ty nhận vào ở tại "trung tâm vào đời". Nhờ tính cần cù, Sâu được một cô "bạn hàng xóm" (nhà ở gần công ty) để ý và hai người đã nên nghĩa vợ chồng vào cuối năm 2009.
Từ khi lập gia đình, Sâu dọn về ở chung nhà với cha mẹ vợ. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng Sâu đã hơn 18 tháng tuổi. Hàng ngày, Sâu đến Công ty Thanh Bình lái xe nâng, còn vợ anh làm công nhân cho một công ty trong KCN Hố Nai. Sâu cho biết, tổng thu nhập hiện tại của hai vợ chồng khoảng 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống tương đối ổn định nhưng Sâu vẫn muốn có thu nhập nhiều hơn. Được sự gợi ý của Ban giám đốc Công ty Thanh Bình, Sâu mua 10 con heo về nuôi. Hàng ngày, sau giờ làm ở nhà máy, Sâu tranh thủ thời gian về chăm sóc đàn heo. Để giúp Sâu, Công ty Thanh Bình bán thiếu cám, nuôi xong lứa heo anh mới trả tiền.
Anh Trần Văn Phụng, cán bộ quản lý "trung tâm vào đời" cho hay, ngoài sự cần cù, chịu khó thì Sâu còn là người biết tính toán làm ăn. Vì thế, Ban giám đốc công ty muốn tạo điều kiện giúp đỡ Sâu vươn lên, làm "đầu tàu" cho các anh em khác noi theo. Nhớ lại tuổi thơ của mình, Sâu xúc động nói: "Có được một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay, tôi cảm ơn số phận đã cho tôi gặp được những người tốt bụng, họ đã giang tay che chở, nuôi nấng tôi nên người...".
Ông PHẠM ĐỨC BÌNH, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, cho biết trong thời gian tới, ngoài các em thanh thiếu niên từ Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa và các trường giáo dưỡng ra, "trung tâm vào đời" sẽ đón nhận những người lớn tuổi mãn hạn tù, người neo đơn không nơi nương tựa vào ở. Cùng với việc cung cấp chỗ ở miễn phí cho họ, công ty cũng sẽ nhận họ vào làm việc để có thu nhập...
Phạm Hoàng Thái