Cách TP.Biên Hòa khoảng 30km về hướng Bắc, cơ sở cai nghiện ma túy Nhân Hòa (thuộc xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) là nơi tiếp nhận và giáo dưỡng những con người lạc lối để tìm về tương lai tươi sáng...
Cách TP.Biên Hòa khoảng 30km về hướng Bắc, cơ sở cai nghiện ma túy Nhân Hòa (thuộc xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) là nơi tiếp nhận và giáo dưỡng những con người lạc lối để tìm về tương lai tươi sáng...
* Vực dậy ý chí
Thành lập từ tháng 8-2001, cơ sở cai nghiện ma túy Nhân Hòa là nơi giúp những đối tượng nghiện ma túy làm lại cuộc đời sau những vấp ngã. Hiện cơ sở có 3 học viên đang điều trị cai nghiện với sự giúp đỡ nhiệt tình của bà Trần Thị Ly Hương. Bà Hương cho biết: "Nhìn các em sa vào ma túy rồi chán nản, sống buông thả tôi rất băn khoăn. Tôi nảy sinh ý tưởng thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân nhằm giúp các em tránh xa ma túy, sống có ích cho gia đình, xã hội". Cũng theo lời bà Hương, học viên tìm đến đây thường được chia thành 2 dạng (cai tự nguyện và cai đối phó), để dễ quản lý và tìm cách điều trị thích hợp. Tại đây, các học viên sẽ sống như tại gia đình nên toàn bộ sinh hoạt cá nhân: nấu ăn, giặt giũ, rửa chén..., họ đều phải tự làm.
Với phương châm không dùng các biện pháp mạnh để buộc học viên cai nghiện, hàng ngày bà Hương luôn động viên, nhắc nhở các học viên cố gắng vượt qua khó khăn để hướng đến tương lai tốt đẹp. 10 năm nay, cơ sở Nhân Hòa đã cai nghiện cho trên 500 người, tỷ lệ thành công qua giai đoạn cắt cơn đạt trên 98%. Bà Hương chia sẻ: "Giai đoạn cắt cơn nghiện là gian khổ nhất đối với bản thân tôi cũng như mỗi học viên. Nếu vượt qua được khoảng thời gian 10 ngày cắt cơn, các em sẽ được gia đình đón về nhà để cai nghiện tại cộng đồng. Khi đó, nếu em nào có quyết tâm cao thì việc dùng thuốc đối kháng với ma túy sẽ là biện pháp giúp các em tránh xa nghiện ngập. Tuy nhiên, với những trường hợp cai nghiện theo kiểu đối phó thì tỷ lệ thành công rất thấp, mà nếu cai được thì sau đó cũng sẽ tái nghiện".
* Sẻ chia để yêu thương
Dẫn chúng tôi vào gian nhà trong chứa đầy sổ sách, bà Hương tâm sự: "Các học viên ở đây đa phần là học sinh, sinh viên nên con đường để các em sa vào nghiện ngập là do tính tò mò. Phần lớn các em vào đây cai nghiện đều tự nguyện nên tôi chỉ động viên, khích lệ tinh thần các em là chủ yếu". Lật từng trang ghi danh sách các học viên từng cai nghiện tại cơ sở Nhân Hòa, bà Hương xúc động, nước mắt chực rơi khi kể về các trường hợp học viên xét nghiệm máu biết mình không nhiễm HIV nên rất vui mừng và quyết tâm cai nghiện. Nói đến đây, giọng bà nghẹn ngào: "Nhiều em thử máu phát hiện bị nhiễm HIV đã rất sốc. Bản thân các em khi nhận được thông tin ấy đều tỏ ra sống bất cần đời, dễ sa vào buông thả. Các em đáng thương hơn đáng trách, bởi nếu có sự quan tâm hơn từ phía gia đình thì có lẽ sẽ không có những trường hợp xảy ra như vậy".
Học viên N.V.H. (ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) chia sẻ: "Để đi đến quyết tâm cai nghiện tôi phải đấu tranh tâm lý rất nhiều. Theo tôi, động lực để thôi thúc người nghiện ma túy làm lại cuộc đời là sự quan tâm, động viên của gia đình, của những người trực tiếp giúp chúng tôi cai nghiện, bởi chúng tôi rất lo lắng và mặc cảm đủ điều". Trường hợp của em N.T.T. (16 tuổi, ở thị trấn Trảng Bom) khiến chúng tôi không khỏi xúc động. T. vào đây cai nghiện trước khi chúng tôi đến thăm nơi này 2 ngày. Em đang trong giai đoạn cắt cơn và xuống sức thấy rõ. Đang học lớp 8, bị bạn bè xấu rủ rê, T. bỏ học, đi bụi và tập tành hút thuốc lá với mấy anh chị lớn. Nghe theo lời thách thức của đám bạn xấu, em hút thử heroin và sa vào nghiện ngập. Đến lúc gia đình phát hiện và đưa em vào đây thì T. đã nghiện khá nặng. "Em chỉ mong cai nghiện thành công để về lại gia đình và tìm việc gì đó để làm" - T. tâm sự.
Cai nghiện ma túy đã khó, để giúp các đối tượng cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng sau cai lại càng khó hơn. Vì thế, theo lời bà Hương, cần trang bị cho các bậc phụ huynh những hiểu biết về cai nghiện ma túy để tìm hướng giải quyết triệt để, tránh tình trạng tái nghiện ở học viên. Điều bất cập hiện nay là chúng ta chỉ tuyên truyền về tác hại của ma túy mà ít có chương trình dành cho người sau cai nghiện. Thực tế, dù họ có cai nghiện thành công thì trong mắt mọi người vẫn còn hiện hữu những ác cảm, họ vẫn bị mọi người xa lánh. Bà Hương tâm sự: "Tôi mong có những buổi họp mặt thường niên của những người làm công tác cai nghiện, vì qua đó chúng tôi sẽ được chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp và hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn...".
Chia tay cơ sở cai nghiện ma túy Nhân Hòa và bà giám đốc cơ sở cai nghiện tâm huyết cùng các học viên của mình mà chúng tôi vẫn còn băn khoăn về những mong mỏi đang còn dang dở trong câu chuyện kể của bà Hương. Và câu nói: "Em không muốn bị xa lánh" của một học viên cứ khiến tôi mãi trăn trở.
Tùng Minh