Sài Gòn được xem là "thủ đô" báo in của cả nước. Nơi đây mỗi ngày có hàng triệu tờ báo mới được in ra. Và để những tờ báo ấy đến tay người đọc, còn có cả một đội quân lao động đông đảo phải thức đêm để làm nhiều công việc liên quan đến khâu phát hành báo...
Sài Gòn được xem là "thủ đô" báo in của cả nước. Nơi đây mỗi ngày có hàng triệu tờ báo mới được in ra. Và để những tờ báo ấy đến tay người đọc, còn có cả một đội quân lao động đông đảo phải thức đêm để làm nhiều công việc liên quan đến khâu phát hành báo...
Một giờ sáng, vỉa hè trước tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã nhộn nhịp người xe. Luôn có mặt tại nhà in từ nửa đêm, những người làm công việc phát hành báo, dù ở xa hay gần, đều phải chạy đua với thời gian... Vỉa hè nhá nhem ánh đèn đường, đội quân này lầm lũi làm việc.
* Mồ hôi giữa đêm...
Hơn 10 năm lặn lội với nghề, mái tóc đã điểm hơi sương, chú Trí đại lý báo Căn Trí, số 714 đường Nguyễn Trãi, quận 5, cho biết: "Không để báo ướt trong những ngày mưa là tiêu chí hàng đầu không chỉ với riêng tôi mà tất cả mọi người làm công việc này. Cách xử lý nhanh nhất đó là hong báo cho khô và kịp thời đưa đến khách hàng. Những lúc như thế mình cảm thấy áy náy lắm".
Trời càng về sáng, không khí ở đây càng náo nhiệt. Những người làm cho sạp báo từ nhỏ đến lớn và cả những đại lý tư nhân hay đại diện bưu điện tỉnh đều tấp nập với công việc giao nhận báo.
Đôi mắt đã quá quen với việc thức đêm, những người làm công việc phát hành báo đều phải làm quen với việc chạy đua thời gian cao điểm ấy.
Sau khi các chồng báo được tập kết vào vị trí định sẵn trên lề đường, từng tốp người phân loại, lồng trang quảng cáo vào trang nội dung. Cô Hồ Thị Thu vừa làm vừa nói: "Làm cái này phải nhanh tay nhé! Đừng để nhàu nát hay nhầm lẫn vì như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người đọc và số lượng sản phẩm của mình. Dĩ nhiên là sẽ làm chậm chân những người phát hành".
Vừa thoăn thoắt làm, cô vừa kể: "Lồng báo là làm suốt năm, chỉ được nghỉ từ 28 Tết đến mồng 6. Có khi tụi cô phải làm từ mồng 4 nữa, vì lúc đó có tin tức thể thao nước ngoài. Nói chung bận rộn lắm, vắt chân mà chạy thôi".
Từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, đêm mùa mưa cũng như mùa khô, với chiếc xe đạp cộc cạch, cô Nguyễn Thị Mĩ vượt qua quãng đường không hề ngắn để đến đây nhận báo. Con đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức là nơi cô khởi nghiệp bán báo cho đến bây giờ. Chồng bán vé số dạo, vợ bán báo, thế mà cũng nuôi được các con học hành đàng hoàng. Đôi bàn tay cô nhăn nheo vì hơi sương và bụi đường. Đã quá quen với việc đi sớm về trưa, cô kể: "Mỗi tờ báo mình lời từ 200 - 300 đồng tùy tùng loại. Sáng nào cũng vậy, cứ tầm 3 giờ là cô có mặt ở đây. Có hôm đi sớm gặp bọn du côn chặn lấy sạch tiền, thế là ngày ấy cả nhà phải nhịn".
* ...Và thu nhập khiêm tốn
Mỗi góc sân của nhà in Lê Quang Lộc, đường Lý Chính Thắng, quận 3 là một "công trường" thu nhỏ. Càng đi sâu vào bên trong, không khí buổi làm việc càng khẩn trương. 3 giờ sáng là thời điểm thợ in bắt đầu nghỉ ngơi, phần còn lại là công việc của đội ngũ những người giao báo.
Đến đây từ khoảng 1 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Thanh Lài, nhân viên phát hành Báo Tuổi Trẻ của đại lý Dân Thi kể: "Mỗi lần, chị nhận cả chục ngàn tờ, tất cả các loại báo đem về chia lại cho gần 30 sạp báo lớn nhỏ. Nói về vất vả thì chị chẳng ngại vì nó như một yếu tố sát cánh với mình. Chủ nhật, thứ 4, 6 chỉ có một mình thêm anh lái xe nữa là xong; những ngày còn lại có thêm một người phụ vì báo nhiều. Thời gian biểu của chị được lên sẵn, cứ như thế mà "chạy": 1 giờ 30 phút có mặt tại nhà in, nhận báo trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại cho đến trước 5 giờ sáng tất cả các mặt báo phải có tại các sạp. Có báo là có việc, có việc là phải đi sớm. Thế mà đồng lương có bao nhiêu, vỏn vẹn hai triệu".
Vợ chồng chú Phụng quê ở An Giang, gắn bó với nghề đã hơn 7 năm, tâm sự: "Công việc thì ngày nào cũng như ngày nào thôi, vợ chồng tôi làm từ 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng, mà lương chỉ có hai triệu mỗi người...".
Đồng lương ít ỏi không chỉ rơi vào trường hợp giao báo mà còn cả công nhân lồng báo. Trung bình tiền lương khoảng một triệu rưỡi đến hai triệu ba. Những người thử việc, thậm chí chỉ tròn một triệu/tháng. Với số tiền này, ban ngày họ phải làm thêm các công việc tạp vụ, may thủ công, rửa bát... mới đủ sống. Trong thời buổi giá cả tăng vọt, những người làm công ở đây càng khó khăn hơn.
Chú Phụng cho biết thêm: "Vì con đông nên cái nghèo cứ đeo bám chúng tôi. Mỗi tháng hai vợ chồng gom góp mãi để gửi về quê cho sắp nhỏ hai triệu. Thấy số tiền này không đủ nuôi 4 miệng ăn, vợ chồng tôi đã đưa con lớn 16 tuổi lên làm phụ. Làm nghề này chua lắm. Tiền thấp đã đành mà khi bị bệnh lại không dám nghỉ. Nghỉ đêm nay là đêm mai có người thay thế liền, và mình sẽ mất việc".
Cho dù là người bán lẻ, bán dạo hay đại lý, những người làm phát hành báo đều phải chấp nhận sự khắc nghiệt của công việc. Họ lặng lẽ đổ mồ hôi trong đêm, đổi lấy đồng lương ít ỏi cho cuộc mưu sinh, để mỗi sáng ra phố, chúng ta bắt gặp một thị trường báo chí náo nhiệt, làm nên một đặc trưng riêng có của Sài Gòn!
Thanh Hải