Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớn mạnh theo cuộc trường chinh của dân tộc
Bài 3: Bước trường chinh chống thực dân Pháp

10:04, 27/04/2011

Sau khi thành lập, Chi đội 10 cùng quân dân Biên Hòa đã bước vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và đã lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam.

Sau khi thành lập, Chi đội 10 cùng quân dân Biên Hòa đã bước vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và đã lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam.

 

* Tổ chức đánh giao thông địch

 

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ đạo của Trung ương Đảng, lực lượng vũ trang (LLVT) Biên Hòa cùng quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến.

 

Để đánh bại ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh, tách Nam bộ ra khỏi cuộc chiến tranh và bình định Nam bộ vào mùa thu 1947" của thực dân Pháp, cuối tháng 1-1947, Ban chỉ huy (BCH) Chi đội 10 đã mở hội nghị mở rộng đánh giá tình hình và triển khai nhiệm vụ đánh giao thông địch để chia lửa với chiến trường ở 2 miền Trung, Bắc theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Khu 7. Từ hội nghị này, BCH Chi đội 10 đã chọn địa bàn tác chiến ở huyện Xuân Lộc, nơi có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc-Nam đi qua, nhằm hạn chế việc chuyển quân, tiếp tế của địch từ Nam bộ ra chiến trường chính miền Bắc theo chỉ đạo của Trung ương.

 

Để chuẩn bị cho các trận đánh giao thông ở Xuân Lộc, Chi đội 10 và LLVT Biên Hòa đã điều nghiên tình hình, quy luật đi lại của địch, chọn trận địa phục kích và tích trữ lương thực cho bộ đội chiến đấu dài ngày. Mặt khác, để đánh lạc hướng sự chú ý của địch, Đại đội A của Chi đội 10 đẩy mạnh hoạt động tác chiến ở khu vực ngoại vi quận Tân Uyên, tiêu diệt nhiều đồn bót của địch. Ngày 19-5-1947, mừng sinh nhật Bác Hồ, Đại đội B nổ súng đánh đoàn tàu hỏa của địch trên đoạn đường sắt Bảo Chánh, mở màn đợt đánh giao thông địch của Chi đội 10 trên chiến trường Xuân Lộc. Trong trận này, bộ đội ta dùng đầu đạn đại bác 75 ly của địch bắn không nổ cải tạo thành mìn cài vào đường ray. Khi đoàn tàu địch chạy đến ổ phục kích, bộ đội chấm điện cho mìn nổ, xe lửa bị trật bánh phải dừng lại. Lúc này, bộ đội từ các vị trí phục kích đồng loạt xông ra tiêu diệt bọn lính áp tải, thu hết số vũ khí, đạn dược trên tàu và rút lui an toàn về căn cứ ở núi Chứa Chan. Rút kinh nghiệm từ trận đầu đánh giao thông đường sắt Bảo Chánh thắng lợi, trong năm 1947, Chi đội 10 còn tổ chức thêm 4 trận đánh giao thông đường sắt của địch ở Bảo Chánh, Trảng Táo - Gia Huynh, Bàu Cá... và giành được thắng lợi lớn, thu được nhiều chiến lợi phẩm, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch.

 

Chuẩn bị trận địa đánh phục kích xe lửa ở Bảo Chánh 1948. Ảnh: T.L

Tháng 12-1947, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Khu 7 về việc "Đẩy mạnh hoạt động quân sự phối hợp với chiến dịch thu đông Việt Bắc", Chi đội 10 hành quân lên Đồng Xoài đánh địch trên đường giao thông bộ. Ngày 19-12-1947, Chi đội 10 tổ chức trận phục kích trên đường 14. Tám trung đội thuộc Chi đội 10 chia thành 3 tổ phục kích đoàn xe 26 chiếc của địch, thiêu hủy 1 xe chở xăng, 9 xe chở lính, diệt 60 tên địch, bắt sống một số tù binh, thu 2 trung liên và nhiều vũ khí, đạn dược, máy vô tuyến điện.

 

Sau các trận đánh giao thông ở Xuân Lộc và Đồng Xoài, BCH Chi đội 10 đánh giá trình độ chỉ huy chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu của bộ đội đã có bước tiến bộ cơ bản, có thể tổ chức một trận phục kích đánh địch có quy mô lớn hơn, diệt được nhiều sinh lực địch, tạo tiếng vang chính trị và giáng một đòn choáng váng vào âm mưu thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại của thực dân Pháp. Trận đánh phục kích này được quân ta chọn ở La Ngà, trên quốc lộ 20, vào đầu năm 1948. Theo đó, quân ta đã chặn đánh đoàn xe quân sự 70 chiếc của địch, thiêu hủy 59 chiếc xe, tiêu diệt 150 lính lê dương hộ tống, 25 sĩ quan chỉ huy, thu nhiều vũ khí...

 

Sau trận phục kích La Ngà, Chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ được đề bạt giữ chức Khu đội phó Khu 7, Chi đội 10 phát triển thành Trung đoàn 310, với 3 tiểu đoàn: Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung và một đại đội trợ chiến 12,7 ly.

 

* Đẩy mạnh hoạt động chiến trường, góp phần đánh bại thực dân pháp xâm lược

 

Giai đoạn năm 1950, tình hình quốc tế diễn biến thuận lợi cho phong trào cách mạng, đặc biệt là sự phối hợp đánh địch của quân và dân ta trên khắp các chiến trường đã đẩy địch từ thế chủ động sang bị động, đối phó. Nắm bắt thời cơ này, từ giữa năm 1951, theo chỉ đạo của trên, tỉnh Biên Hòa hợp nhất với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên, bao gồm 7 huyện: Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Thủ Đức, Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và 2 thị xã Thủ Dầu Một, Biên Hòa, do đồng chí Nguyễn Quang Việt làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Minh Quang làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh. Các cơ quan Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội cũng được củng cố lại, với sự tăng cường của cán bộ quân sự cấp trên chuyển về. Tư lệnh Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ giữ nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng Biên Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Việt làm Chính trị viên Tỉnh đội.

 

Tháng 4-1951, tỉnh Thủ Biên xây dựng một tiểu đoàn bộ đội tập trung lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 303. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 303 là tổ chức chiến đấu bảo vệ Chiến khu Đ, đồng thời tổ chức lực lượng trinh sát - đặc công xuống các huyện hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh ở các huyện, nghiên cứu tình hình, địa bàn tác chiến. Ngay sau khi thành lập, tiểu đoàn đã đánh một trận ra mắt vào chi khu Trảng Bom, phá một mắt xích quan trọng trong hệ thống đồn bót kiềm tỏa của địch chung quanh thị xã Biên Hòa, gây được tiếng vang lớn về khả năng tác chiến công đồn của bộ đội ta trên chiến trường Biên Hòa và các tỉnh Đông Nam bộ.

 

Cuộc họp của Vệ quốc đoàn Biên Hòa tại Chiến khu Đ năm 1949.

Năm 1952-1953, hoạt động chiến đấu của LLVT tỉnh và bộ đội du kích ở các huyện, xã ngày càng được đẩy mạnh, thúc đẩy phong trào kháng chiến trong tỉnh phát triển mạnh ở các vùng bị địch phong tỏa. Tại tỉnh Thủ Biên, Tỉnh ủy họp hội nghị chủ trương đẩy mạnh phong trào kháng chiến nhằm phối hợp với chiến trường chính trong chiến dịch đông xuân 1953-1954. Tiểu đoàn 303 tổ chức lực lượng về các địa bàn trọng yếu để xây dựng, thúc đẩy phong trào kháng chiến. Các đại đội thuộc Tiểu đoàn 303 luân phiên huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến cho bộ đội và phối hợp với đặc công biệt động, đội vũ trang tuyên truyền, bộ đội địa phương tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm tổ chức hàng loạt cuộc tấn công tiêu diệt địch.

 

Mùa xuân 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã đẩy quân địch vào nguy cơ tan rã. Tại chiến trường chính, từ giữa tháng 3-1954, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch hạ lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong khí thế tiến công chung của chiến trường, LLVT Thủ Biên đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt quân địch, gọi hàng, vận động binh lính địch bỏ ngũ.

 

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ngày 20-7-1954, hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Ngày 2-9-1954, giữa lòng Chiến khu Đ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tỉnh Thủ Biên long trọng dự lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 9, bồi hồi ôn lại những ngày đầu "Nóp với giáo mang ngang vai" trên đường đi kháng Pháp cho đến ngày toàn thắng.

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều