Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để "sầu riêng" thành "sầu chung"

09:04, 20/04/2011

Đến tận bây giờ, nông dân Tư Thư (ấp 7, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) vẫn còn bức xúc khi vườn sầu riêng của gia đình ông và các gia đình khác trong ấp đồng loạt ngã bệnh, chết cây. Bởi vậy, Tư Thư mới từ chối tiếp chuyện chúng tôi và tỏ thái độ khác xa một Tư Thư cởi mở của những năm trước, khi tiếp xúc với báo, đài nói về cây sầu riêng.

Đến tận bây giờ, nông dân Tư Thư (ấp 7, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) vẫn còn bức xúc khi vườn sầu riêng của gia đình ông và các gia đình khác trong ấp đồng loạt ngã bệnh, chết cây. Bởi vậy, Tư Thư mới từ chối tiếp chuyện chúng tôi và tỏ thái độ khác xa một Tư Thư cởi mở của những năm trước, khi tiếp xúc với báo, đài nói về cây sầu riêng.

 

* Cái giá của sự nổi tiếng

 

Thời điểm năm 2005, nông dân Tư Thư nổi như cồn nhờ mày mò ứng dụng thành công kỹ thuật hạn chế sinh trưởng trên cây sầu riêng Thái Lan hạt lép (ép cho cây sầu riêng ra trái sớm hoặc muộn). Nhờ vậy, niên vụ ấy Tư Thư trúng cả trăm triệu đồng. Cũng chính điều này, khiến Tư Thư trở thành "tội đồ" trong con mắt của các nông dân khác (do bắt chước ông áp dụng kỹ thuật này nên cây sầu riêng mới chết hàng loạt). Đồng thời, trước sự thất bại của Tư Thư, nông dân Năm Ngọc (ấp Bàu Tre, xã Bình An, huyện Long Thành) nảy sinh ý tưởng viết báo phân tích nguyên nhân cây sầu riêng chết và bài viết của Năm Ngọc đã chấm hết sự nổi tiếng của Tư Thư. Đó là những điều mà chúng tôi biết được qua buổi tiếp xúc với nông dân ấp 7, xã Bình Sơn và ấp Bầu Tre, xã Bình An.

 

Nông dân Hai Đen (ấp 7, xã Bình Sơn) bày tỏ, vì học lóm kinh nghiệm hạn chế sự sinh trưởng của cây, ép cây ra trái sớm, trái muộn của Tư Thư nên vườn sầu riêng Thái Lan hạt lép của ông bị ngộ độc thuốc, không cứu kịp và chết hàng loạt. Ông Hai Đen cho biết, nông dân ấp 7 đổ lỗi sầu riêng chết là do thổ nhưỡng, thời tiết và giống... là chưa hoàn toàn đúng. Theo thiển ý của ông, nếu 3 yếu tố trên là nguyên nhân dẫn đến sầu riêng ấp 7 chết, thì sầu riêng ấp Bàu Tre cũng không còn. Ông Hai Đen nói: "Cuối cùng tui mới vỡ lẽ, sầu riêng ở ấp 7 chết yểu là do mọi người đua nhau học kinh nghiệm ép cây của Tư Thư. Vườn sầu riêng của Tư Thư nổi bật chỉ hơn năm thì lập tức tiêu điều, chết đứng, đúng như lời cảnh báo của cán bộ khuyến nông huyện".

 

Cây sầu riêng ở ấp 7, xã Bình Sơn bỗng dưng chết hàng loạt khiến nông dân Tư Thư bị nghi ngờ là tội đồ.Ảnh: Đ.PHÚ

"Chuyện nông dân cảm tính và bắt chước nhau kích cây ra hoa, đậu trái theo kinh nghiệm riêng của mình với một lý lẽ: được thì ăn, thua thì chấp nhận thương đau. Câu chuyện này có thật và được bàn tán khá sôi nổi trong nông dân những lúc trà dư, tửu hậu" - nông dân Sáu Nghĩa cho hay. Còn ông Phạm Hữu Phước, trưởng ấp 7, xã Bình Sơn thì cho rằng, cũng vì thiếu kinh nghiệm, quá vội vã trong ứng dụng cái mới nên nông dân bị "sập bẫy". Khi được cán bộ khuyến nông vào thực địa nghiên cứu và khuyến cáo thì chuyện đã rồi. Ông cho biết thêm, chính vì vậy mà hàng chục hécta sầu riêng tại ấp 7 rủ nhau chết hàng loạt khi chỉ mới 7, 8 năm tuổi. Trong khi đó, sầu riêng của các nông dân ấp Bàu Tre vẫn sung sức, thu hàng trăm triệu đồng sau mỗi niên vụ. Ông Phước nói: "Toàn bộ sầu riêng trên địa bàn ấp 7 chỉ thu bói được 1-2 vụ. Sau đó, rũ rượi chết gốc. Bởi vậy, bao nhiêu công sức và tiền của của nông dân đều sầu cay theo nó".

 

Ông Lê Đình Phán, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sơn cho biết, ấp 7 (xã Bình Sơn) và ấp Bàu Tre (xã Bình An) một thời là vựa sầu riêng có tiếng của huyện Long Thành. Năm 2006, cây sầu riêng tại các ấp này bắt đầu  xuất hiện dịch bệnh, dẫn đến mất mùa. Qua tìm hiểu nguyên nhân, ông được các nông dân phản ánh rằng, sầu riêng chết một phần do thoái hóa giống, kỹ thuật chăm sóc, thời tiết thay đổi làm phát sinh dịch bệnh. Còn nguyên nhân áp dụng kỹ thuật thúc cây do ông Tư Thư sáng kiến chỉ là một phần trong nhiều nguyên nhân khác làm cây sầu riêng ở đây chết nhanh hơn. Ông Phán nói: "Bài học xương máu "sầu riêng" thành "sầu chung" thời gian qua đã thật sự cảnh tỉnh người trồng sầu riêng cần phải thận trọng hơn trong việc vận dụng sáng kiến kỹ thuật, lắng nghe sự khuyến cáo từ cán bộ khuyến nông khi triển khai đề án 50 hécta các loại cây trồng chủ lực tại hai ấp 7 và Bàu Tre".

 

* Nghị quyết "sầu riêng"

 

Cũng theo ông Phán, mục tiêu của đề án trên nhằm khôi phục lại diện tích cây sầu riêng giống mới mà Nghị quyết của Đảng bộ huyện Long Thành đã đề ra. Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện và kế hoạch của UBND hai xã Bình Sơn, Bình An (đã được hai địa phương cụ thể hóa nghị quyết cấp trên), dự án 50 hécta chuyên canh cây trồng chủ lực gồm: sầu riêng, măng cụt, bưởi, chôm chôm, tiêu tại ấp 7 (xã Bình Sơn) và ấp Bàu Tre (xã Bình An) được thực thi trong 2 năm (2008- 2010). Các hộ dân tham gia đề án được Nhà nước hỗ trợ vốn, giống, phân bón, kinh phí đầu tư tưới tiết kiệm..., với số tiền khoảng 10 triệu đồng/hécta. Giống sầu riêng Ri 6, Mong-thong được chọn để thực thi dự án. "Qua một năm triển khai dự án, 12 hộ nông dân ở ấp 7, xã Bình Sơn đã trồng mới được 10 hécta sầu riêng giống Ri 6" - ông Phán nói.

Cây sầu riêng giống Ri 6 được nông dân hai xã Bình Sơn, Bình An (huyện Long Thành) trồng mới theo đề án 50 hécta theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ huyện Long Thành. Ảnh: Đ.PHÚ

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An thì cho hay, ấp Bàu Tre tham gia dự án này bằng việc trồng mới thêm 10 hécta sầu riêng. Cộng với diện tích sầu riêng hiện hữu còn lại 10 hécta nữa thì tổng diện tích sầu riêng của hai ấp hiện vẫn chưa tới con số 40 hécta. Ông Ngọc cho rằng, theo kinh nghiệm của ông, dự án chỉ giới hạn diện tích 50 hécta thì chưa thỏa mãn nhu cầu của nông dân các ấp. Bởi, tiềm năng phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái năng suất cao, quy mô hàng trăm hécta, với sầu riêng là cây trồng chủ lực tại ấp 7 và ấp Bàu Tre là có thể xây dựng được. Ông Ngọc nói: "Hiện tại 4 mô hình cây trồng được nông dân nơi đây chọn gồm: sầu riêng - măng cụt- tiêu; sầu riêng - măng cụt; sầu riêng - cà phê và chuyên canh sầu riêng. Trong đó, mô hình chuyên canh cây sầu riêng đang dần được hình thành và chiếm chủ đạo, nhằm hạn chế sự phát sinh sâu bệnh, xung đột chất sinh dưỡng giữa sầu riêng với các cây trồng khác".

 

Trong lúc nông dân ở ấp 7 (xã Bình Sơn) và ấp Bàu Tre (xã Bình An) đang điêu đứng vì cây sầu riêng chết cây, sâu bệnh, kém năng suất, thì Đảng bộ huyện Long Thành kịp thời ra nghị quyết chỉ đạo các địa phương phục hồi lại vùng chuyên canh cây trồng chủ lực này (bằng đề án phát triển thí điểm 50 hécta diện tích cây ăn trái năng suất cao tại hai ấp). Qua tiếp chuyện với các nông dân, chúng tôi được biết, nghị quyết trên thật sự tác động mạnh vào ý tưởng quay trở lại trồng sầu riêng của họ. Nông dân Trần Kiếm Long (ấp Bàu Tre) bày tỏ, nghị quyết trên giúp nông dân phục hồi lại diện tích, thương hiệu sầu riêng đã có trước đó. Từ đó, người nông dân mạnh dạn hơn trong việc vay vốn phát triển diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng lại thương hiệu sầu riêng vùng đất Bình Sơn, Bình An vốn nổi tiếng hàng chục năm qua.

 

Ông Nguyễn Thanh Phụng, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, từ Nghị quyết của Đảng bộ huyện Long Thành, Đảng ủy xã Bình Sơn tiếp tục khẳng định trong nghị quyết của mình và chỉ đạo cho UBND xã, các bộ phận có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai. Nghị quyết trên thật sự giúp nông dân hai xã Bình Sơn, Bình An khẳng định lại vị thế cây trồng chủ lực của mình. Đồng thời, mở lối thoát cho nông dân các xã một hướng đầu tư mới, thoát khỏi khó khăn một thời gian dài khi sầu riêng bị dịch bệnh trên diện rộng, dẫn đến sự bế tắc trong lựa chọn cây trồng của nông dân.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều