Cách trung tâm huyện Vĩnh Cửu hàng chục cây số, có một hòn "đảo" nhỏ nổi lên giữa lòng hồ Trị An mênh mông nước. Người dân ở đây thường gọi "đảo" là đảo (hoặc đồi) Củ Chi, thuộc tổ 7, ấp Cây Cầy, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Với trên 100 nhân khẩu trú ngụ, cuộc sống của người dân trên "đảo" Củ Chi chủ yếu dựa vào nguồn cá đánh bắt ven hồ Trị An. Qua bao nhiêu năm miệt mài lao động, cuộc sống của cư dân trên "đảo" Củ Chi vẫn còn nhiều khó khăn...
Ông Võ Văn Ba (55 tuổi), cư dân sống 30 năm trên đảo cho biết: "Tên của đảo được đặt theo tên của đơn vị Củ Chi đến đây khai thác rừng để phục vụ công trình thủy điện Trị An. Nơi đây trước kia thuộc chiến khu Đ". Cuộc sống của 24 hộ dân/100 người trên "đảo" dường như là một chu trình khép kín: tự cung và tự cấp.
* Tự cung, tự cấp
Theo những người dân lớn tuổi trên "đảo" kể lại, thập niên 80 của thế kỷ trước, "đảo" Củ Chi còn là rừng nguyên sinh. Người dân khắp nơi đến đây đánh cá, làm rừng rất đông. Từ khi Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng, lòng hồ tích nước được mở rộng hơn và "đảo" Củ Chi được hình thành từ khoảng 4 hécta đất đồi cao mà nước không nhấn chìm được. Đảo chỉ biệt lập hoàn toàn với đất liền từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, cao điểm nhất trong năm là mùa nước nổi tháng 10, bao quanh 4 bề toàn sông nước... Tự hào là "thổ địa" của "đảo", chú Ba Địa cho biết: "Hầu hết người dân ở đây khoảng một tháng mới đi chợ một lần. Ngày thường không có gì ăn thì xuống hồ quăng mẻ lưới hay cất tấm vó. Tết nhất thì đã có đàn gà nuôi để dành. Chỉ cực cái là đất đá khô cằn không trồng được rau".
Dù đảo nằm sát với mép nước hồ Trị An nhưng phần lớn nguồn nước nơi đây đều bị nhiễm phèn và cạn nước vào mùa khô. Không có điều kiện để khoan giếng, nhiều người dân đành bấm bụng mua nước lọc với giá 9 ngàn đồng/bình để sử dụng cho an toàn. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (40 tuổi) chia sẻ: "Mỗi ngày nhà tôi phải sử dụng 2 bình nước để nấu ăn, nước sinh hoạt thì ra bờ hồ múc lên dùng...".
Ở "đảo" Củ Chi, từ trẻ con đến những người lớn tuổi, hầu hết đều phải biết giăng lưới, đánh cá để mưu sinh. 2/3 dân cư trên đảo kiếm sống bằng nghề đánh cá trên lòng hồ, chỉ vỏn vẹn vài hộ có đất để trồng trọt cây trái. Tuy nhiên, do nơi đây nằm trong quy hoạch tái định cư nên người dân dù có đất cũng không được cấp sổ đỏ. Bởi vậy, từ năm 1992 đến nay, họ chỉ biết ngóng trông đợi ngày di dời lên khu tái định cư ở ấp Bào Phụng để có thể đổi thay cuộc sống mới. Nhưng đã gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn cứ là dự án, người dân vẫn sống lây lất trong thiếu thốn, nghèo khó và chờ đợi...
* Đời sống bấp bênh
"Không phải hôm nào cũng được nhiều cá. Cả tháng rồi tôi mới đánh được mẻ lưới ngon lành như vầy. Chắc lâu quá mới có khách đến thăm đảo nên cá nổi lên chào" - anh Trần Thanh Hải (43 tuổi) chỉ vào mớ cá vừa đánh bắt được mà nói vui với chúng tôi. Công việc đánh bắt cá của anh Hải chủ yếu diễn ra ban đêm, vì như vậy sẽ tránh được lực lượng bảo vệ đi canh giữ lòng hồ. Sau những mẻ lưới đến tận 2-3 giờ sáng, anh Hải lại trở về nhà để đắm mình trong giấc ngủ mệt nhoài. Làm việc cật lực nhưng thu nhập mỗi ngày của anh Hải cũng chỉ tầm 50 ngàn đồng. "Phải tiết kiệm lắm mới đủ sống, việc thả lưới ngày càng khó dính cá. Bỏ nghề thì không biết làm gì, trong khi tụi tui không có đất, không có vốn làm ăn..." - anh Hải tâm sự. Còn chú Ba Địa, từ ngày con cái trưởng thành đã bỏ luôn nghề cá. Chú tâm sự: "Thu nhập từ đánh cá thất thường lắm. Chỉ làm ăn được vài tháng đầu mùa mưa, khi cá về sinh sản nhiều. Còn mùa nước giựt (nước rút) thì chỉ kiếm đủ hai bữa cơm".
Phụ nữ sống trên "đảo" đều biết cách đan lưới để giúp chồng kéo cá nuôi sống gia đình. |
Chúng tôi gặp chú Nguyễn Dũng (57 tuổi) khi trời đã đứng nắng. Chú có thâm niên hơn 10 năm đánh cá và khá thành thạo trong việc đoán biết cá bơi từng đàn theo dòng nước. Chú cho biết: "Hồi trước nghe đồn hồ Trị An nhiều cá, dân tứ phương đổ về đánh bắt. Một số người dùng mìn, rà điện nên cá chưa kịp đẻ đã chết rồi. Chưa kể mấy ghe lớn ở nơi khác đến sử dụng càng tre ủi dồn làm rách hết lưới của tụi tui". Vừa nói, chú Dũng vừa loay hoay châm dầu cho 3 cái đèn măng - sông để chuẩn bị cho một đêm cất vó dưới hồ. "Chỉ đánh cá ban ngày thì không đủ sống, nên tôi phải đi đánh cá đêm nữa" - chú Dũng nói.
Trên "đảo" Củ Chi này, có nhiều ngư dân gắn bó với nghề chài lưới trên dưới 20 năm nhưng cuộc sống của họ vẫn thiếu trước, hụt sau. Trừ các khoản chi phí, thu nhập bình quân mỗi ngày của ngư dân sống ở đây chỉ dư được 70-100 ngàn đồng. Những gia đình có đất trồng xoài, điều..., cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn bao nhiêu. Cô Lê Thị Mai (vợ chú Ba Địa) vốn bị bệnh tim từ nhiều năm nay nên kiếm được bao nhiêu tiền là 2 vợ chồng cô lại đi thành phố mua thuốc trị bệnh. Chú Ba Địa rầu rĩ nói: "Tui cũng đã lớn tuổi nên không đi đánh cá nữa. Giờ đây tiền trang trải cuộc sống, tiền chữa bệnh cho vợ và mọi thứ khác chỉ còn biết trông chờ vào vườn điều...".
Sống khá biệt lập với đất liền, mỗi nhà ở đây đều tự trang bị thuốc uống trong nhà. Khi có ai sốt, ho, sổ mũi..., gia đình lấy thuốc dự trữ cho uống, nhưng không phải lúc nào sự chẩn đoán bệnh tật của người thân cũng đúng. Nhớ lại cái chết tức tưởi của em Tuấn (một cư dân trên đảo), anh Phan Minh Phương, trưởng ấp đồng thời là cư dân trên "đảo", không khỏi chạnh lòng: "Ba năm trước, Tuấn đi làm rừng ở trên Tây Nguyên, nhiễm sốt rét ác tính mà không hay. Khi về nhà, gia đình thấy Tuấn sốt nhưng cứ tưởng em bị cảm mạo nên cho uống thuốc bình thường. Tối đó, Tuấn sốt cao mà trời lại mưa lớn, ghe đưa Tuấn đi viện vừa đẩy ra lại bị sóng đánh dạt vào bờ. Tuấn nằm chịu trận đến gần sáng thì mất".
Theo thống kê của anh Phan Minh Phương (trưởng ấp Cây Cầy, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), cả "đảo" Củ Chi trước đây có khoảng 65 hộ dân sinh sống. Cuộc sống ngày càng khó khăn, nhiều gia đình thấy không phù hợp với nghề cá nên đã chuyển dần đi nơi khác ở. Hiện tại, ở đây chỉ còn 24 hộ dân, bình quân mỗi hộ từ 3-4 người. Đa số các hộ dân làm nghề đánh bắt cá, có 3 hộ có vườn để trồng trọt. Cũng theo anh Phương, một số gia đình hộ khẩu vẫn ở đây nhưng người thì đi nơi khác ở. Vào dịp Tết, họ trở về nhà ăn Tết thì số người ở đây mới đông lên.
Người dân trên "đảo" Củ Chi sống rất thân thiện và cởi mở. Ai đến sinh sống, làm ăn ở đây đều có một giao kèo miệng với nhau là không trộm cắp, đánh nhau..., nếu ai vi phạm thì phải tự động rời khỏi "đảo". Cứ có người mới đến "đảo" cư ngụ, chú Ba Địa và anh trưởng ấp liền đến thăm hỏi và ký ngay cái giao kèo. Anh Phan Minh Phương cho biết: "Tôi ở đây đã nhiều năm mà chưa bao giờ thấy ai kêu mất cái gì. Gà, vịt nhà tôi thả rong nhưng chưa khi nào mất một con. Cả xóm không cần đóng cửa, gió lúc nào cũng lồng lộng".
Lúc chúng tôi sắp rời nơi này, người dân "đảo" chiêu đãi món đặc sản cá hấp đơn sơ mà bà con đánh bắt được trên lòng hồ Trị An. Mùi cá thơm phảng phất bay trong gió hòa quyện vào vị nồng của rượu càng làm tăng thêm nghĩa tình người dân "đảo" Củ Chi theo từng câu chuyện kể.
Tùng Minh - Lan Hiệp