Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm nghề nặn lu
Kỳ cuối: Trăn trở một làng nghề

10:03, 25/03/2011

"Chừng 10 năm nữa, khi lớp thợ già chúng tôi mắt mờ, tay run thì hết người biết nặn lu, bởi bây giờ có thanh niên nào chịu học đâu..." - ông Trương Văn Truyền, thường gọi là ông Tám Truyền, 58 tuổi, một thợ nặn lu lão luyện ở khu Lò Lu, buồn buồn nói.

"Chừng 10 năm nữa, khi lớp thợ già chúng tôi mắt mờ, tay run thì hết người biết nặn lu, bởi bây giờ có thanh niên nào chịu học đâu..." -  ông Trương Văn Truyền, thường gọi là ông Tám Truyền, 58 tuổi, một thợ nặn lu lão luyện ở khu Lò Lu, buồn buồn nói.

>>>Kỳ 1: Sướng, cực cũng bởi một nghề

>>>Kỳ 2: Nặn gốm thô ra tiền đô

* Không có truyền nhân

 

Miệng nói nhưng tay ông Tám Truyền vẫn không ngừng làm việc. Gần đó, bà Lê Thị Hải - vợ ông, cũng đang bận nặn một cái lu. Phụ nữ vốn chân yếu tay mềm nhưng nếu nói về tay nghề nặn lu thì bà Hải không hề thua kém cánh đàn ông. Ở xưởng sản xuất gốm của Công ty Phong Sơn (khu phố 1, phường Tân Vạn), giờ chỉ có vợ chồng ông Tám là còn có thể nặn lu bằng tay. Ngoài việc nặn lu cho lò gốm Phong Sơn, vợ chồng ông Tám còn làm cho lò gốm của Công ty Trường Thạnh gần đó và ăn tiền thù lao theo sản phẩm. Ông bà Tám có 3 người con trai nhưng không ai chịu theo nghề của cha mẹ. "Tôi rất muốn truyền nghề cho con để mai này còn có người giữ nghề. Vậy mà mấy đứa con tôi chẳng đứa nào chịu học, vì tụi nó chê nghề này nặng nhọc, dơ bẩn mà thu nhập không ổn định" - ông Tám Truyền nói. Cũng theo ông, tiền công nặn một cái lu (như loại đựng nước thường thấy trước những mái hiên nhà) bằng tay là 35 ngàn đồng và 5-6 ngày một người thợ làm xong khoảng chục cái lu. Trong khoảng thời gian 5-6 ngày đó, ông còn có thể tranh thủ nặn thêm các sản phẩm khác. Ông Tám cho biết, nếu có hàng làm đều thì mỗi ngày hai vợ chồng ông kiếm được trên dưới 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, những lúc các lò gốm ít đơn đặt hàng thì hai vợ chồng ông Tám cũng như những người sống bằng nghề làm gốm, chỉ có việc làm lai rai, thậm chí đôi khi phải tạm nghỉ.

 

Gần 60 tuổi nhưng ông Tám Truyền vẫn còn khá lực lưỡng. Ông nói: "Cùng tuổi với tôi bây giờ còn có mấy người làm nghề này nổi nữa. Rụng hết rồi. Nhờ không uống rượu và hút thuốc nên đến giờ tôi còn làm nổi đó".(Ảnh: H.THÁI)

Thu nhập bấp bênh cũng là nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ trong các gia đình có truyền thống làm nghề nặn lu không muốn nối nghiệp cha ông. Ông Trương Anh Dũng (56 tuổi, nhà ở khu phố 1, phường Tân Vạn), một người từng nặn lu suốt mấy mươi năm, lắc đầu nói: "Mấy con tôi chẳng đứa nào chịu theo nghề này. Tụi nó thích làm công nhân ở các khu công nghiệp. Tôi rất muốn truyền nghề cho tất cả những ai muốn học, nhưng bây giờ còn ai xin học nghề này đâu...!".

 

Anh Lưu Văn Tùng cho hay, làng nghề gốm ở Biên Hòa hiện chỉ còn khoảng 30 người thợ biết nặn lu bằng tay, nhưng chỉ một nửa trong số đó vững nghề, có thể làm được các mẫu mã lớn.

 

* Cạn kiệt nguyên liệu

 

Nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm gốm thô Biên Hòa từ xưa đến nay là một thứ bùn nhão rất dẻo lấy lên từ bãi bồi tại một nhánh sông gần khu vực ngã ba Tân Vạn, là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Các bãi đất sét đặc biệt này, hiện không nằm trong đất của người dân sử dụng thì cũng thuộc về đất công do Nhà nước quản lý. Để có nguyên liệu đất sét, các chủ lò gốm phải mua từ những chiếc ghe ở nơi khác chở đến bán. Theo nhiều người thợ nặn lu ở Biên Hòa, hiện nay nguồn đất sét khai thác từ sông này không đủ để cho các lò gốm sử dụng. Sau hàng trăm năm khai thác, hiện nguồn tài nguyên đất sét đã cạn kiệt. Đứng trước khó khăn về nguyên liệu, có những lò gốm đã tìm các loại đất sét lấy từ các nơi khác để thay thế. Có lò gốm ra tận Bình Thuận chở đất sét mang về... Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chất lượng không thể bằng đất sét sông Đồng Nai.

 

Từ ngày lấy ông Tám Truyền, bà Hải đã theo chồng học và làm nghề nặn lu.

 "Đất bùn sét làm gốm cứ lấy từ sông lên hoài thì phải cạn kiệt thôi" - anh Hứa Mỹ Quyền, người quản lý xưởng sản xuất gốm thô của Công ty Phong Sơn thừa nhận. Để đối phó với khó khăn này, Công ty Phong Sơn đã mua một vài khu đất để có nguồn dự trữ, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian tới.

* Giữ nghề nhưng phải bảo vệ môi trường: bài toán không dễ

 

Đến các lò gốm ở các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, chúng tôi được các chủ lò cho hay, thời gian tới lò gốm của họ phải chuyển vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh theo quy hoạch của địa phương. Một số chủ lò gốm còn cho rằng, nếu vào làng gốm Tân Hạnh thì các lò gốm sản xuất gốm thô sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, theo quy định bắt buộc, lò gốm phải chuyển đổi công nghệ, thay thế cách nung gốm bằng lò đốt củi truyền thống sang sử dụng hệ thống nung bằng điện hoặc khí ga để bảo vệ môi trường. Gốm thô thường có kích thước lớn và cần rất nhiều nhiệt lượng mới nung "chín". Với một mẻ gốm thô được nung trong lò đốt củi truyền thống hiện nay, từ khi bắt đầu nung cho đến khi thành phẩm mất khoảng 84 giờ để sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất. Chỉ tay vào những cái lu lớn vừa được nặn xong, đang chờ mang vào lò nung, anh Quyền băn khoăn: "Nung mấy cái lu, bình lớn như vầy bằng gas, không biết bao nhiêu gas cho đủ".

 

Bên cạnh việc lo ngại về chi phí sản xuất sẽ tăng khi chuyển từ dùng củi đốt sang lò sử dụng khí gas, chủ các lò gốm (đặc biệt là những lò quy mô nhỏ) còn bày tỏ quan ngại về chi phí để mua sắm thiết bị, chuyển đổi công nghệ...

Bức tường làm bằng lu, hũ của một xưởng gốm ở phường Tân Vạn. Cũng như các lò gốm khác, lò gốm này được yêu cầu chuyển vô cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để bảo vệ môi trường.

Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở Công thương) cho biết, gốm sứ Biên Hòa - Đồng Nai từ lâu đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn tại thị trường nước ngoài. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh. Vì vậy, chủ trương của tỉnh là phải gìn giữ được nghề truyền thống này của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh gìn giữ làng nghề truyền thống thì việc bảo vệ môi trường cũng được coi trọng. Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (thuộc xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) do Nhà nước đầu tư với kinh phí trên 200 tỷ đồng là để nhằm đáp ứng những yêu cầu trên". Ông Dân cho biết thêm, hiện nay cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đã hoàn thiện hạ tầng với sức chứa trên 60 cơ sở, doanh nghiệp làm gốm của tỉnh và đang chờ đón doanh nghiệp vào. Tuy nhiên, vì những khó khăn chúng tôi đã nêu ở trên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào dọn vào.

 

Đứng giữa việc phải duy trì lò gốm để giữ nghề nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ môi trường, các lò gốm ở Biên Hòa sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí lớn để đổi mới công nghệ. Đây cũng là bài toán làm đau đầu nhiều chủ lò hiện nay.

 

Phạm Hoàng Thái

 

 

 

Tin xem nhiều