Trong lúc mọi người đang chìm trong giấc ngủ, những cửu vạn ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ Bình Điền quận 8, TP.Hồ Chí Minh bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh. Đội bốc xếp ở đây còn có sự tham gia của những người phụ nữ lớn tuổi...
Trong lúc mọi người đang chìm trong giấc ngủ, những cửu vạn ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ Bình Điền quận 8, TP.Hồ Chí Minh bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh. Đội bốc xếp ở đây còn có sự tham gia của những người phụ nữ lớn tuổi...
* Nặng nhọc mưu sinh
Khoảng 21 giờ, những chuyến xe tải chở hàng từ các tỉnh đổ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức ngày một nhiều hơn. Quẹt những giọt mồ hôi trên mặt, chị Trần Thị Năm, 53 tuổi, ở huyện Nhà Bè cho biết: "Tôi làm nghề này đã 19 năm. Nhiều hôm trái gió trở trời là riêm (rêm) hết mình mẩy". Hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị tâm sự: "Chồng tôi gần đây không thể làm những công việc nặng nhọc do bao tử loét. Nguồn thu nhập chính trong gia đình từ lâu do tôi cáng đáng".
Cách đó không xa, một phụ nữ nhỏ nhắn đang hì hục đẩy những bao rau củ về ki-ốt của chủ vựa. Khuôn mặt đã hằn nhiều vết chân chim, chị Lê Thị Thoa, 46 tuổi, chia sẻ: "Cực chẳng đã mới làm công việc của đàn ông chứ ai muốn lam lũ sương gió từ khuya tới sáng". Hỏi về cuộc sống gia đình, chị cười buồn: "Chồng tôi thất nghiệp, suốt ngày rượu chè. Có hôm trời mưa lớn dữ lắm tôi cũng ráng làm, không thôi sắp nhỏ ở nhà đói".
Con đường dẫn vào chợ đầu mối thủy sản Bình Điền quận 8 về đêm heo hút, nhớp nháp rác bẩn. Khu vực chợ cá vào thời điểm mưa dầm phải lội nước bì bõm, sình hôi. Chuyện dầm nước vác cá, khuân đá là chuyện thường ngày của dân cửu vạn: khi xe cá về, các chị phải xúc đá đổ lên sọt, rồi mới bốc lên xe. Chị Nguyên, một phụ nữ cửu vạn than thở: "Nhiều hôm tay chân tê buốt nhưng không làm lấy tiền đâu nuôi sống gia đình. Trời mưa cực lắm, dầm nước nhiều nên bị nước ăn chân ngứa lở". Một đêm chị bốc vác hơn 130 sọt cá, nhưng cũng chỉ kiếm được 50.000 - 70.000 đồng.
Với những người phụ nữ cửu vạn này, ngày là thời điểm nghỉ ngơi, đêm là lúc lao vào kiếm sống. Nhiều chị còn tranh thủ bán bánh mì, nước dạo vào ban ngày. Chỉ tay về hướng người phụ nữ đang ngủ say, chị Nguyên nói nhỏ: "Bà ấy bốc hàng buổi tối, sáng ra còn phải bán nước dạo. Nai lưng làm bòn mót từng đồng gửi về quê cho con. Nhiều hôm thấy bả thèm ăn tô phở mà không dám mua". Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ mang thai nhưng phải làm công việc nặng nhọc. Chị Nguyễn Thị Huệ , 24 tuổi, có thai 8 tháng nhưng vẫn phải bán sức lao động kiếm tiền chờ ngày sinh. Đưa tay xoa bụng, chị cho biết: "Nhờ trời thương nên thằng nhóc khỏe lắm. Ngày nào tôi cũng ra đây phụ chồng đẩy hàng, không làm vài bữa sanh em bé lấy đâu ra tiền".
* Hy vọng vào tương lai
Với lịch làm việc dài và trái với đồng hồ sinh học nên nhiều chị bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Động lực thôi thúc các chị lao vào kiếm tiền là những đứa con. Chị Nguyễn Thị Bé, 51 tuổi, tự hào kể về đứa con trai đang học năm thứ 3 đại học kinh tế: "Tội nghiệp lắm, thấy tôi đi làm cực như vầy nên thằng nhỏ không dám đua đòi cùng đám bạn. Hễ rảnh là nó chạy xe xuống đây phụ tôi bốc hàng". Còn chị Trần Thị Năm thì hớn hở khoe về đứa con trai 21 tuổi "trác táng" nhưng giờ đã biết suy nghĩ, biết thương mẹ nên em tự tìm cho mình một công việc để khỏi là gánh nặng cho gia đình. Chị nói vui: "Ban đầu nó bảo sẽ đi học nghề tôi cũng mừng nhưng không dám tin đó là sự thật. Lúc trước nó quậy phá lắm. Có lẽ giờ đã lớn nên nó đã suy nghĩ chín chắn hơn nên không làm tôi phiền lòng nữa".
Ban quản lý chợ nông sản Thủ Đức cũng như chợ thủy sản Bình Điền luôn tạo điều kiện và giúp đỡ để các chị yên tâm kiếm sống. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý - kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết: "Các nữ bốc vác đều được hưởng các chế độ bảo hiểm và trả lương 1 tháng 3 lần qua thẻ ATM. Chúng tôi lập ra học bổng Nguyễn Đức Cảnh nhằm khuyến khích con em công nhân có thành tích vượt khó học tốt".
Tùng Minh