Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không là gánh nặng...

11:03, 04/03/2011

Không có điều kiện kinh tế, sức khỏe yếu hơn người bình thường, nhưng những người khuyết tật (NKT) vẫn vươn lên trong cuộc sống để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bằng những công việc phù hợp với sức khỏe để kiếm nguồn thu nhập nuôi sống bản thân, họ là minh chứng sáng ngời về nghị lực sống.

Không có điều kiện kinh tế, sức khỏe yếu hơn người bình thường, nhưng những người khuyết tật (NKT) vẫn vươn lên trong cuộc sống để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bằng những công việc phù hợp với sức khỏe để kiếm nguồn thu nhập nuôi sống bản thân, họ là minh chứng sáng ngời về nghị lực sống.

 

Đưa đôi bàn tay yếu ớt điều khiển vô lăng của chiếc xe đẩy dành cho NKT, ông Đoàn Văn Trảnh (ở KP3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chậm rãi tiến đến các quán ăn, bến xe, cổng bệnh viện... để bán vé số. Sau lần bị tai nạn té từ nóc tàu hỏa cách đây 36 năm, ông vĩnh viễn mất đi đôi chân. Ở tuổi 55, người đàn ông này vẫn hàng ngày lặn lội kiếm sống trên chiếc xe lăn cũ kỹ...

 

* Không muốn là gánh nặng cho gia đình

 

Gắn bó với nghề bán vé số hơn chục năm, chiếc xe lăn là phương tiện duy nhất giúp ông Trảnh lê la khắp nẻo đường để bán vé số kiếm sống. Bình quân mỗi ngày ông kiếm được 50 ngàn đồng, nhưng phải đi khắp nơi từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới nghỉ ngơi. Ông Trảnh cho biết: "Tôi đã có tuổi, nhiều lúc cũng muốn ở nhà nhưng sợ mình ăn không ngồi rồi hoài sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu". Ngoài công việc bán vé số dạo, ông còn kiêm luôn việc lượm ve chai bỏ sau thùng xe lăn để kiếm thêm chút thu nhập phụ gia đình.

 

Người khuyết tật mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Không được "may mắn" như ông Trảnh, vì chí ít thời trẻ ông còn có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, chị Nguyễn Thị Bích Sương (36 tuổi, ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) cả đời chưa một lần được đến trường, hay những giờ tung tăng chạy nhảy cùng bạn bè. Từ lúc 3 tuổi, trong một lần bị sốt bại liệt, đôi chân của chị đã bị teo cơ và vĩnh viễn không thể bước đi được nữa. Mỗi buổi chiều, bên vệ đường Phan Văn Trị (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), chị Sương ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn mời khách mua vé số. Không có bằng cấp, không nghề nghiệp, hơn 3 năm qua chị Sương chọn việc bán vé số dạo kiếm sống qua ngày.

 

Nhắc đến việc học, chị nói giọng trầm buồn: "Lúc còn trẻ, tôi cũng đã từng ao ước được đi học để sau này có một cái nghề. Hồi đó nhà dưới quê đông anh em nên nghèo lắm, cơm ăn không đủ no lấy đâu tiền đi học. Biết vậy, tôi đành chọn cho mình công việc phù hợp với sức lao động để khỏi bận lòng mọi người". Không chỉ sống tự lập, công việc bán vé số còn giúp chị nuôi thêm đứa em gái út đang học năm thứ nhất đại học ngành dược ở TP.Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên rời khỏi gia đình để rảo bước trên chiếc xe lăn mưu sinh, mọi người trong gia đình đều cảm thấy bất an, lo lắng cho chị, nhưng chị Sương vẫn nhất quyết đi làm. Người mẹ già ở quê, lâu lâu đến Biên Hòa thăm con vẫn được chị dúi vài trăm ngàn đồng vào túi. Riêng chị, những mặc cảm bản thân về vẻ ngoài tàn tật đã dần khuất lấp, thay vào đó là những niềm vui và tia hy vọng mà chị đang gửi vào người em gái út.

 

* Người khuyết tật cũng cần có việc làm ổn định

 

Ngày tốt nghiệp Trường đại học công nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, anh Đinh Quốc Liêm (25 tuổi, ở huyện Cẩm Mỹ) rất vui mừng với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Liêm khấp khởi hy vọng tìm được một công việc ổn định và phù hợp với bản thân. Nhưng suốt một thời gian dài, gõ cửa không biết bao nhiêu công ty, anh chỉ nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Anh cho biết: "Ngày mới ra trường, tôi xin vào dạy ngoại ngữ tại một trung tâm ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau khi trả lời trôi chảy các câu hỏi phỏng vấn, tôi đứng lên đi về. Lúc này họ mới biết tôi là người khuyết tật. Thấy vậy họ nói luôn: "Chúng tôi cần một giáo viên không chỉ giỏi mà còn phải có ngoại hình hoàn chỉnh nữa". Tôi nghe mà ứa nước mắt".

 

Một số doanh nghiệp không hiểu về NKT nên chưa thấy hết ích lợi lao động mà họ đem lại. Đa số NKT luôn trung thành với công ty vì họ mong ước có một việc làm ổn định. Doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc còn thể hiện được trách nhiệm xã hội. Nhà nước cũng luôn khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận NKT vào làm. Doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 51% lao động là NKT thì được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ. Về phía NKT, họ cũng nên trang bị, tích lũy kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng được nhu cầu công việc của doanh nghiệp.

 

Trường hợp của chị Lê Dung (33 tuổi), đang làm việc tại cơ sở massage của Hội Người mù Biên Hòa (ở KP9, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), xem như một may mắn. Chị cho biết: "Nếu không được nhận vào đây làm chắc giờ tôi cũng đang nay đây mai đó với nghề bán vé số dạo. Làm công việc này được cái nhàn nhã hơn vì được ở trong mát, vả lại đôi lúc còn được khách boa thêm tiền". Cách đây 4 năm, thị lực của chị Dung vẫn bình thường. Từng là sinh viên Trường cao đẳng maketing, sau khi tốt nghiệp ra trường, chị bỗng trở bệnh và ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến thị lực, đến nay thì cả 2 mắt của chị hoàn toàn chẳng nhìn thấy gì. Hơn 1 năm ròng rã học nghề bấm huyệt, xoa bóp từ các anh chị của cơ sở massage Hội Người mù, chị đã trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm và khá nhuần nhuyễn với công việc đang làm. Hiện tại cơ sở massage của Hội Người mù đã mở thêm cơ sở 2 tại khu phố 3, phường Trung Dũng nhằm tạo thêm việc làm và đào tạo tay nghề cho người khiếm thị. Tuy nhiên, do là cơ sở massage mà đội ngũ kỹ thuật viên toàn là khiếm thị nên phần lớn khách hàng vẫn còn e ngại khi đến đây. Anh Châu Văn Thành, quản lý tại đây cho biết: "Khách vào đây phần lớn là phụ nữ và những người già. Giới trẻ có phần không hứng thú với công việc massage của những người khiếm thị. Vì vậy, lượng khách mỗi ngày không nhiều, kéo theo thu nhập của anh em cũng thấp".

 

Ông Phan Thế Hùng, người hỗ trợ vốn cho hoạt động của 2 cơ sở massage Hội Người mù Biên Hòa tâm sự: "Tôi rất muốn mở rộng hoạt động và tăng thêm thu nhập cho các anh em, nhưng lượng khách còn khá khiêm tốn nên khó mà giải quyết được. Các cấp lãnh đạo và chính quyền cũng rất khuyến khích và tạo điều kiện cho những người khiếm thị có được công việc phù hợp với sức lao động. Tuy nhiên, để làm được điều đó còn tùy thuộc vào chính sách ưu tiên của xã hội đối với người khiếm thị".

 

Được đi làm, không để bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội là niềm mơ ước chung của những NKT. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự cố gắng từ bản thân mỗi NKT thì sự động viên của gia đình, sự quan tâm, sẻ chia của toàn xã hội sẽ là động lực để giúp họ vững bước trên con đường mưu sinh đầy chông gai và thử thách.

 

Bà TRẦN THỊ ANH TRANG, Phó phòng Nhân sự Công ty Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: "Từ năm 1998 công ty đã có chương trình tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc với tiền lương lao động bình đẳng như tất cả công nhân bình thường. Hiện tại, Công ty Changshin có 320 công nhân là người khuyết tật đang làm việc ở các bộ phận thủ công, như: định vị, xỏ giây giày... Công ty rất quan tâm tạo điều kiện về phúc lợi cho công nhân là NKT như: khám sức khỏe 2 lần/năm, có lối đi ưu tiên, nhà vệ sinh riêng… Hiện công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm để phần nào giúp họ giảm mặc cảm".

 

Tùng Minh

                 

                   

 

Tin xem nhiều