Gà vừa cất tiếng gáy báo sáng, vợ chồng ông Hai Nhật đã lục đục nhóm bếp nấu cháo, xào rau. Ông và bà gấp rút chuẩn bị nồi cháo chay cho trên 20 người ăn, để đúng 7 giờ sáng, cả nhóm cùng nhau xuất quân đi về khu Ông Trúc, ấp Bà Trường, xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) hái thuốc làm từ thiện.
Gà vừa cất tiếng gáy báo sáng, vợ chồng ông Hai Nhật đã lục đục nhóm bếp nấu cháo, xào rau. Ông và bà gấp rút chuẩn bị nồi cháo chay cho trên 20 người ăn, để đúng 7 giờ sáng, cả nhóm cùng nhau xuất quân đi về khu Ông Trúc, ấp Bà Trường, xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) hái thuốc làm từ thiện.
* Đầu năm đi hái thuốc
Theo quan niệm của nhóm hái thuốc làm từ thiện Hai Nhật (cung cấp nguồn thuốc cho các nơi như: chùa Phước Hưng, Hưng Lộc tự, chùa Quang Mỹ), mùng 10 tháng giêng âm lịch là ngày lành, tháng tốt để nhóm của họ ra đồng tìm thuốc. Hơn nữa, nếu ngày đầu năm ra quân hái thuốc làm từ thiện của nhóm gặp thuận lợi, hái được nhiều thuốc mang về thì tâm mới thảnh thơi. Chính vì vậy, việc chuẩn bị nồi cháo chay tịnh cho cả nhóm lót dạ trước khi lên đường là trách nhiệm của trưởng nhóm Hai Nhật. Ông Hai Nhật cho hay, hôm nay nhóm chọn hướng khu Ông Trúc để hái các loại thảo mộc như: lức, khổ qua rừng, nhãn lồng. Công tác chuẩn bị đã được nhóm lên kế hoạch và phân công chu đáo cho từng thành viên. Ông Hai Nhật nói: "Hưng Lộc tự đã hỗ trợ một xe trọng tải 3 tấn, một xe ba gác máy cùng tài xế để đi theo chở thuốc. Năm Lợi có trách nhiệm lo cơm ăn trưa cho đoàn tại bãi thuốc. Hai Sơn thì lo bữa cơm khi đoàn hái xong quay về. Riêng các chị: Bảy Lệ, Sáu Tâm, Một Bích thì lo bánh trái, nước uống đem theo cùng đoàn...".
Chúng tôi là những người đến nhà trưởng nhóm Hai Nhật sớm nhất. Tiếp đến là phân nhóm Út Hòa (10 người) của xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; phân nhóm Sáu Xương (4 người) của xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch; phân nhóm Ba Thông (2 người) ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Các phân nhóm của Ba Liệt, Bảy Nhỏ ở các xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch), Long An (huyện Long Thành) cũng lần lượt có mặt đúng hẹn. Sau khi dùng điểm tâm tại nhà Hai Nhật, cả nhóm chở nhau bằng xe máy về khu Ông Trúc tìm thuốc. Trước khi đi, phó nhóm Út Hòa cho hay, đầu năm nhóm của ông xuất hành bằng xe máy tìm thuốc tại khu Ông Trúc. Đến rằm tháng giêng thì xuất quân bằng xuồng máy dọc theo các cánh đồng, bờ kênh rừng Sác để tìm bình bát, dứa, nhào rừng, thảo đất... cung cấp cho các chùa. Từ đó, cây thuốc của các ông được các chùa bốc thuốc từ thiện, chữa trị cho dân nghèo.
Hơn 2 giờ luồn lách xe máy qua những con đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh ổ voi, ổ gà, đoàn cũng đến được bãi thuốc ở khu Ông Trúc. Lức (dây và cây) mọc xanh um ven các đầm tôm, hố nước; khổ qua rừng, nhãn lồng, nhân trần mọc và leo đầy trong các bụi lùm cỏ dại. Ông Sáu Bùm nói: "Người làm vườn thì tận diệt chúng (cây thuốc). Họ cho rằng, đó là những loại cây dại, cần phải dọn sạch để nhường chỗ cho sản xuất. Trong khi đó, tụi này luôn cất công tìm kiếm và nâng niu khi thu hoạch. Do vậy, nhiều khi tụi tui ứa nước mắt, tiếc hùi hụi khi nhìn những bãi thuốc quý bị người ta phát dọn, đốt cháy". Nghe Sáu Bùm tỏ vẻ tiếc rẻ, Ba Thông "ngứa họng" ca thán: "Tụi tui dõi mắt tìm kiếm toát mồ hôi. Còn những người dân không hiểu về cây thuốc thì giẫm đạp, chặt phá, để người và gia súc ị bậy lên dược liệu".
* "Môn đệ" của Hải Thượng Lãn Ông
Sau một ngày tìm kiếm thuốc, nhóm của Hai Nhật thu được một xe tải và một xe ba gác máy thảo mộc gồm: lức, nhãn lồng, khổ qua rừng, nhân trần, kinh giới, ké... Trên đường trở về, nhóm ghé vào một quán nước ven đường thì được cô Năm Loan chủ quán đãi miễn phí những chai nước ngọt mát lạnh. Cô Năm Loan bộc bạch, cô xin góp tấm lòng từ thiện vào những chai nước tiếp tế cho nhóm, do cô không có điều kiện theo mọi người ra đồng. Cô Năm Loan nói với trưởng nhóm Hai Nhật: "Đã không biết thì thôi, chừng nào nhóm các anh có dịp hái thuốc qua đây thì cứ ghé vào quán tui nghỉ ngơi, để tui được tiếp nước miễn phí cho mọi người trong việc hái thuốc cứu người".
Trong lúc nghỉ ngơi tại quán cô Năm Loan, ông Út Hòa mới có thời gian kể cho chúng tôi biết tường tận công việc hái thuốc của nhóm. Theo Út Hòa, những khu vực nhóm ông thường tìm đến hái thuốc như: đập Ông Kèo (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch); khu Cát Lở (huyện Long Thành); núi Thị Vải, núi Dinh, núi Minh Đạm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); núi Gia Lào (huyện Xuân Lộc)... Tùy theo yêu cầu của các chùa cần loại thuốc gì, nhóm sẽ chọn khu vực để tìm thuốc. Như ở vùng núi thì có các cây thuốc: cù đèn, ngũ trảo, dây bún, dây gùi... Nơi đồng bằng thì có các loại: khổ qua rừng, nhãn lồng, bình bát, dứa, nhào, lức... Những loại thảo mộc trên được các chùa phối hợp với các loại thuốc khác thành những bài thuốc trị gan, bao tử, đau khớp, bổ dưỡng... để cấp phát miễn phí cho bá tánh tại phòng mạch của chùa. Ông Út Hòa nói: "Tụi tui là nông dân, tiểu thương nên không biết nhiều về thuốc. Tụi tui nhận biết được hình dáng của từng cây thuốc, tác dụng chữa trị của nó là do các thầy trong chùa truyền thụ hoặc học lóm từ bạn hữu trong những lần thong dong cùng nhau đi hái thuốc".
Còn cô Tư Hoa thì nói về công tác hậu cần của mình trong mỗi chuyến hành quân hái thuốc: "Đi gần thì phái nữ tụi này lo cơm nước từ nhà mang theo. Còn đi xa hoặc ở lại đêm thì đem theo xoong nồi, chén bát và lập bếp dã chiến nấu ăn tại rừng, đồng hoang. Hoặc đến nhà dân, chùa mượn nồi xoong, chén bát nấu nướng". Cũng theo cô Tư Hoa, do thấy nhóm hái thuốc vì mục đích từ thiện nên người dân nơi nhóm hái thuốc đến thường tỏ ra thân thiện và sẵn sàng ra tay giúp đỡ nhóm, như: cho ở lại ngủ nghỉ, lo ăn uống, tiếp tế thực phẩm. Có người còn xin nhóm cho tháp tùng để cùng đi hái thuốc, hoặc dẫn đường đến những nơi có nhiều cây thuốc quý.
Theo ông Út Hòa, ngoài việc đi hái thuốc theo tập thể nhóm, các thành viên trong nhóm của Hai Nhật có khi tự đi tìm thuốc một mình. Bản thân ông Út Hòa, lúc rảnh rỗi vẫn hay lang thang ngoài đồng hái thuốc, hoặc khi đi trên đường thấy cây thuốc quý cũng tấp xe vào hái đem về nhà xắt, phơi khô rồi đem tặng các chùa. |
Cùng với những câu chuyện kể thú vị về việc đi tìm thuốc của những người trong nhóm, Hai Nhật còn cho chúng tôi biết thêm, việc tìm thuốc của nhóm vui có, khổ có và bị hiểu lầm là kẻ gian cũng có. Hai Nhật nói: "Có người suýt bị rắn độc cắn, ong đốt vì mải mê chặt hái cây thuốc. Có người bị chủ vườn, chủ đất xua đuổi vì nghi là kẻ gian mò vào dò xét. Hoặc có lần tụi tui bị cán bộ bảo vệ rừng ngăn lại, kiểm tra khi cả nhóm hơn chục người ùn ùn kéo nhau vào rừng với dao, rựa, xe tải. Việc hái thuốc của nhóm là để cung cấp cho chùa cứu người là tốt, là giúp đời. Nhưng để công việc thiện này thực hiện đúng pháp luật, mỗi khi nhóm xuất quân, chúng tôi đều mang theo giấy giới thiệu của các chùa, liên hệ với nơi đến hái thuốc và từng thành viên đều mang theo thẻ hội viên".
Đoàn Phú