Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm giới xích lô

09:02, 18/02/2011

Mạnh tay giật cần thắng kêu kịt, ông Võ Văn Lang hổn hểnh mời: "Nếu chú thích, tui lấy giá hữu nghị thôi". Chúng tôi lắc đầu, bởi Biên Hòa giờ mấy ai ngồi xích lô dạo phố...

Mạnh tay giật cần thắng kêu kịt, ông Võ Văn Lang hổn hểnh mời: "Nếu chú thích, tui lấy giá hữu nghị thôi". Chúng tôi lắc đầu, bởi Biên Hòa giờ mấy ai ngồi xích lô dạo phố...

 

* Phận người xích lô

 

Chờ ông Lang cho xe vào bãi đậu, chúng tôi lại gần bắt chuyện và được ông cho biết, ông có trên 20 năm hành nghề đạp xích lô tại khu vực chợ Biên Hòa, nhà ông ở khu phố 3, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa). Ông Lang đã 51 tuổi nhưng vẫn còn độc thân và đang nuôi mẹ già bị bệnh tâm thần hơn 90 tuổi. Ông Lang bộc bạch, hàng ngày, trời vừa hừng sáng là ông luồn lách dắt xích lô ra khỏi con hẻm nhỏ của khu phố 3. Chuyến hàng đầu tiên trong ngày của ông là mối chở thuê hàng cho dì Mười bán hàng bông ở chợ Biên Hòa, với tiền công 10 ngàn đồng. Sau chuyến mở hàng đó, ông không còn mối hàng quen nào khác nữa. Ông Lang nói: "Siêng thì tui rong rủi xe trên đường tìm khách vãng lai. Lúc lười biếng thì tấp xe vào vỉa hè nằm nghỉ và chờ khách. Khách hàng của tui là rau, củ, quả, giường tủ, hàng hóa... Lâu lâu tui mới chở người, họ là bà già hoặc trẻ con".

 

Ông Nguyễn Văn Rồng (áo sọc) cùng những người bạn xích lô, vá xe dạo.

Theo giới xích lô, khu vực chợ Biên Hòa hiện có hơn 30 đầu xe và ngần ấy con người còn bám phương tiện cũ kỹ để mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Rồng (70 tuổi) cho hay, tại khu vực chợ Biên Hòa, người hành nghề đạp xích lô chủ yếu là dân phường Quang Vinh. Xích lô cũng có hai dạng: xích lô bến bãi và xích lô "mồ côi". Ông giải thích: "Xích lô bến bãi thì chuyên chở hàng mối, chạy theo ca, đậu phải đúng nơi quy định và chịu sự điều hành của tổ trưởng. Riêng xích lô "mồ côi" thì thích đâu đậu đó, không bị ai sai khiến như kiểu của ông".

 

Tại góc đường Phan Đình Phùng, một nhóm người hành nghề đạp xích lô, chạy xe ba gác máy, ba gác đạp và vá vỏ xe đang tụm nhau tán gẫu vui vẻ thì bị chúng tôi phá vỡ câu chuyện. Thấy chúng tôi đến, ông Nguyễn Ngọc Oanh nhanh nhảu: "Chở hàng hả?". Chúng tôi lắc đầu, ông Oanh thăm dò: "Hàng cồng kềnh kiểu gì tụi này cũng chở được. Giá cả phải chăng, do xích lô không cần xăng, chỉ cần sức". Chúng tôi lại lắc đầu và đưa máy ảnh lên chụp thì ông nở nụ cười thân thiện và tò mò hỏi: "Chụp hình đăng báo hả, các chú cứ tự nhiên. Được lên báo, người ta sẽ hiểu tụi này hơn. Tụi này đạp xích lô không phải vì hoài cổ, mà vì không có điều kiện chuyển nghề".

 

"Cuộc sống của dân xích lô hiện nay không chộn rộn và tất tả như những người hành nghề khác. Bởi, đối tượng chạy xích lô giờ đây là những ông già, kẻ sồn sồn quá tuổi. Khách hàng của dân xích lô là những mối hàng quen, những thứ cồng kềnh tủn mủn mà người ta không xách hoặc chở bằng xe máy được" - ông Tư Ngọt (đang đậu xích lô trên đường Phan Văn Trị) nói. Cũng theo ông Tư Ngọt, ông và những người bạn không chịu rời bỏ xích lô là vì đã có hàng chục năm gắn bó với phương tiện thô sơ này. Đồng thời, có người chạy xích lô không vì mưu sinh mà do không thể dứt bỏ kỷ niệm thời hoàng kim của nó và cũng muốn tự kiếm tiền để uống cà phê, tán dóc với mấy người bạn bên chiếc xích lô để giải sầu.

 

* Xích lô xưa và nay

 

Mới 9 giờ sáng, Năm Ri và vài chiến hữu xích lô đã ngấm men nằm dài trên xe ngủ. Ông Tám Tàng (người quen của Năm Ri) cùng chúng tôi tiến lại gần và lớn tiếng gọi: "Chở hàng nè". Năm Ri và nhóm bạn giật mình bật dậy, dụi mắt lia lịa, dáo dác nhìn. Sau khi cười hả hê, Tám Tàng rủ Năm Ri và các bạn sang quán cóc đối diện uống cà phê cùng chúng tôi. Tại quán cà phê, Năm Ri tỏ ra trưởng lão, cao giọng giảng giải rằng, hơn 30 năm về trước, chiếc xích lô là tài sản quý của dân lao động nghèo như ông. Một chiếc xích lô phải chia ra làm 3 ca chạy và nó luôn bị người lao động vắt kiệt sức. Năm Ri nói: "Nhà tui lúc đó cũng có một chiếc, sáng thì tui chạy. Đến 5 giờ chiều thì giao xe cho cha tui. Từ 10 giờ đêm trở về sáng thì gia đình tui cho người ta thuê xe. Sau giải phóng, chiếc xích lô có thể đổi ngang với chiếc xe lam, vì thời điểm đó xăng dầu rất khan hiếm".

 

Xích lô vẫn thong dong trên đường mưu sinh.

Còn Ba Thạnh thì thao thao bất tuyệt, hồi đó xích lô rất đa năng, như: chở hàng, chở người, dịch vụ đám cưới... Còn bây giờ xích lô chỉ chở hàng xén, bà già đi chợ, học sinh tiểu học. "Ông Tây, bà Đầm và Việt kiều giờ còn không dám đi xích lô nữa thì nói gì dân ta" - Ba Thạnh khẳng định. Tám Tàng thì góp chuyện: "Hồi trước người đạp xích lô gục đầu xuống đất ráng sức đạp vì mệt. Còn bây giờ, dân xích lô không dám ngẩng đầu lên nhìn thiên hạ vì tủi thân nhiều chứ không phải do mệt". Không thua kém Năm Ri và Tám Tàng, Út Đen lém lỉnh nói với chúng tôi: "Hồi trước đưa dâu bằng xích lô là sang. Còn bây giờ, thà đi bộ hoặc dắt không vợ về nhà còn hơn là bắt cô dâu ngồi trên phương tiện bị cấm lưu hành này".

Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29-6-2007, xích lô cũng là phương tiện bị cấm lưu hành như ba gác máy, ba gác đạp, xe thô sơ tự chế... Các loại phương tiện này nếu còn tiếp tục lưu thông sẽ bị xử phạt và tịch thu phương tiện. Cũng như các phương tiện khác, người đạp xích lô được nhà nước hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề hoặc mua sắm phương tiện khác hành nghề.

 

Mặc cho nhóm bạn của Năm Ri bi quan về xích lô, tại góc đường Cách mạng tháng Tám (phường Thanh Bình), chúng tôi được ông Phước Sang (có trên 40 năm chạy xích lô) cho hay, rồi sẽ có một ngày người ta tìm đến xích lô để đi dạo, ngắm cảnh, tổ chức dịch vụ cưới hỏi như thuở xưa. Cũng theo ông Phước Sang, lúc ấy người đạp xích lô phải là những thanh niên tuấn tú, lịch thiệp, cổ áo có thắt nơ và một giờ đạp xích lô phải tính bằng tiền... USD. Chứ vài ngàn tiền lẻ như thu nhập hiện nay thì xích lô chỉ mãi là phương tiện chở hàng xén, đồ đạc lỉnh kỉnh và sẽ bị cơ quan chức năng quyết liệt thu gom, xử lý.

 

Thêm một mùa xuân nữa đã về, chiếc xích lô của ông Nguyễn Văn Rồng và những người bạn đã bạc phết màu sơn, hoen rỉ những thanh sắt và cộc cạch những âm thanh phát ra khi lăn bánh. Còn những người đạp xích lô như ông Rồng thì đã bước vào tuổi 70, vẫn cố sức dắt, đạp phương tiện cũ kỹ này thong dong trên đường để chống chọi cái nghèo cố hữu của nghề xích lô đạp.

Đoàn Phú

     

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều