Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 13/04/2025, 02:40 En

Những người vác tù và...
Kỳ 2: Tìm "đầy tớ" cho dân không dễ

08:05, 24/05/2010

Để lựa chọn được những cán bộ cơ sở năng động, nhiệt huyết, hết lòng vì dân..., chính quyền cấp xã và đơn vị ấp đã có những động thái tích cực như: giới thiệu, bồi dưỡng và tổ chức bầu chọn công khai dân chủ. Song, bên cạnh những người nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở thì bất cập hiện nay là chế độ lương, phụ cấp quá thấp nên khó thu hút người có trình độ, năng lực tham gia công tác ở cơ sở.

Để lựa chọn được những cán bộ cơ sở năng động, nhiệt huyết, hết lòng vì dân..., chính quyền cấp xã và đơn vị ấp đã có những động thái tích cực như: giới thiệu, bồi dưỡng và tổ chức bầu chọn công khai dân chủ. Song, bên cạnh những người nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở thì bất cập hiện nay là chế độ lương, phụ cấp quá thấp nên khó thu hút người có trình độ, năng lực tham gia công tác ở cơ sở.

 

* Được dân tin yêu là vui rồi!

 

Theo quy định hiện hành, đại biểu HĐND các cấp, trong đó có cấp xã được tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu. Còn các chức danh lãnh đạo như: chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, thành viên UBND do đại biểu HĐND bầu chọn. Người đứng đầu các tổ chức đoàn thể chính trị và quần chúng như: MTTQ, Nông dân, Cựu chiến binh... được đại hội đại biểu hiệp thương chọn lấy những người tiêu biểu nhất. Trong khi đó, đối với đơn vị ấp, thì trưởng và phó ấp, tổ trưởng và tổ phó an ninh nhân dân cũng được tổ chức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu.

Dù tiền phụ cấp hàng tháng cho cán bộ ấp rất thấp, nhưng họ vẫn có mặt bất cứ lúc nào khi dân cần.

Các cán bộ ở cơ sở được phân chia thành 2 nhóm đối tượng: cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và nhóm cán bộ không chuyên trách, cán bộ ấp. Theo ông Vũ Đình Nhai, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Định (huyện Định Quán), việc phân chia này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác, đặc thù chuyên môn, lĩnh vực phụ trách của từng cán bộ, công chức. Song, dù là cán bộ do người dân trực tiếp bầu ra hay thông qua đại diện bầu cử hoặc do hiệp thương bầu chọn, thì các cán bộ cấp xã, ấp cũng đều phải làm nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 

Cái khó hiện nay là khó tìm được những người tình nguyện, nhiệt tình gắn bó lâu dài với công việc vác tù và. Đối với những vùng có đông đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số thì việc tìm "đầy tớ" tự nguyện phục vụ nhân dân càng khó hơn. Lãnh đạo địa phương có đông đồng bào dân tộc ít người như xã Phú Lợi (huyện Định Quán), ông Ngô Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã bày tỏ: "Muốn chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào đầy đủ và kịp thời thì phải tìm kiếm và bồi dưỡng cán bộ là đồng bào dân tộc tại chỗ. Nhưng việc này không dễ chút nào. Tuy vậy, địa phương vẫn đề ra mục tiêu ưu tiên chọn cán bộ cơ sở phải là người nói cùng ngôn ngữ, hiểu phong tục tập quán thì mới nói cho đồng bào dân tộc... ưng cái bụng".

 

Theo lãnh đạo các xã, mặc dù Nhà nước đã quy định rõ chức danh và chế độ tiền lương, hoạt động phí... cho cán bộ cơ sở, nhưng thực tế chế độ ấy rất thấp, chưa tạo điều kiện tốt cho họ an tâm làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi tham gia đảm nhận công tác, với tinh thần trách nhiệm cao, phần lớn cán bộ cơ sở đã nỗ lực thể hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, ông Đoàn Vĩnh Viễn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) mới nói: "Với cán bộ phong trào ở cơ sở thì tiêu chí để xét chọn đòi hỏi rất cao: phải là người có kinh nghiệm sống, có uy tín, trình độ, khả năng vận động quần chúng và tất nhiên phải có đạo đức tốt. Rồi họ còn phải chịu sự sát hạch bằng phiếu tín nhiệm của người dân. Vì dân có tín nhiệm thì cán bộ mới tự tin, nhiệt huyết với phong trào và thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ công tác được cấp trên giao phó. Vì vậy, dù không có lương bổng gì, nhưng cán bộ cơ sở vẫn ngày đêm vác tù và vì với họ, được dân tin yêu là niềm vui, là sự động viên lớn lao rồi...".

 

* Còn bất cập về chế độ chính sách

 

Toàn tỉnh hiện có 171 đơn vị cấp xã (tùy vào số dân mà mỗi đơn vị cấp xã được bố trí từ 19 - 25 cán bộ, công chức) và có gần 1.000 ấp, khu phố. Việc tìm kiếm cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để lựa chọn, đề cử vào đảm nhận các nhiệm vụ ở cơ sở tương xứng với trình độ và năng lực hiện đang được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng. Ông Tạ Trung Hiếu, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, việc lựa chọn cán bộ cơ sở, kể cả cán bộ phong trào ở ấp (khu phố) trước hết phải tuân thủ các quy định hiện hành, phải tổ chức đề cử và bầu cử công khai dân chủ. Song, cũng không thể bỏ qua yếu tố tìm ra những cán bộ đủ đức, đủ tài và được nhân dân tín nhiệm, tin yêu. Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Tổ chức - tuyên giáo thuộc Ủy ban MTTQ tỉnh thì nói, hiện các địa phương đang có ý kiến đề xuất với tỉnh là không nên phân biệt cán bộ chuyên trách hay không chuyên trách ở cấp xã về chế độ lương, phụ cấp, bởi ai cũng là cán bộ phục vụ nhân dân. Đối với cán bộ ấp, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho họ vì đây là lực lượng quan trọng trợ giúp chính quyền cơ sở trong mọi hoạt động, phong trào, cũng như nắm bắt tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhanh chóng nhất.

Đội dân phòng KP2, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tuy không được cấp kinh phí nhưng hoạt động khá tốt.

 

Qua tiếp xúc với cán bộ các ấp (khu phố) chúng tôi ghi nhận được, chính đơn vị cơ sở này là nơi tiếp nhận, giải quyết, thực hiện đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công việc đồ sộ như vậy nhưng theo ông Nguyễn Thành Ẩn, Trưởng ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc): "Chế độ phụ cấp và hỗ trợ công tác phí quá thấp và không phải cán bộ ấp nào cũng được hưởng", nên không thu hút được nhiều người tham gia công tác. Vì thế, trình độ của không ít cán bộ cơ sở rất hạn chế. Những cán bộ công tác ở ấp, tổ không ai xác định đó là cái nghề, không ai sống được bằng đồng lương, phụ cấp, nên họ khó gắn bó lâu dài và vì vậy chất lượng chuyên môn thường không cao. Ngoài những người nhiệt tình, tâm huyết, số còn lại đứng tên cho có, từ đó dẫn đến tình trạng một số cán bộ cơ sở tỏ ra hách dịch, cửa quyền, không gần và sát dân. Và, tình trạng mất đoàn kết nội bộ, mất dân chủ do cán bộ cơ sở gây ra cũng không phải ít.

 

Còn đối với cấp xã, việc thực hiện chế độ lương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Với cùng trình độ chuyên môn, nhưng cán bộ chủ chốt (lãnh đạo) chỉ có hai bậc lương, còn công chức chuyên môn (nhân viên) thì được nâng lương thường xuyên theo niên hạn. Cho nên, chỉ sau vài năm công tác, công chức chuyên môn được hưởng lương cao hơn cán bộ lãnh đạo ở xã là chuyện thường. Với thực trạng như thế thì khó tạo điều kiện tốt cho cán bộ cơ sở phấn đấu cũng như thu hút nhân tài và động viên người nhiệt huyết tham gia, đảm nhận công tác ở cơ sở, nhất là các chức danh thuộc khối đoàn thể và ở ấp. Vì vậy, một lãnh đạo ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đề xuất, cán bộ không chuyên trách cấp xã và đơn vị ấp cần thực hiện theo hướng tự quản, khoán kinh phí hoạt động và hỗ trợ chi phí cho họ trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện... 

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều