Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người vác tù và...
Kỳ 1: Công bộc của dân

07:05, 23/05/2010

Bao năm qua, những cán bộ cơ sở vẫn lặng lẽ vác tù và bám cơ sở bất kể ngày đêm, mưa bão. Trong khi đó, tiền công tác phí, phụ cấp chẳng đủ đổ xăng, thậm chí có người còn không có. Tuy vậy, những "công bộc" của dân này vẫn cần mẫn với nhiệm vụ được giao.

Bao năm qua, những cán bộ cơ sở vẫn lặng lẽ vác tù và bám cơ sở bất kể ngày đêm, mưa bão. Trong khi đó, tiền công tác phí, phụ cấp chẳng đủ đổ xăng, thậm chí có người còn không có. Tuy vậy, những "công bộc" của dân này vẫn cần mẫn với nhiệm vụ được giao.

 

* Tổ trưởng phụ nữ là... đàn ông

 

Tháng 5 này, hồ Trị An bắt đầu cạn nước. Tổ trưởng Tổ phụ nữ 13 (tổ Xóm Bè) Tạ Thanh Nhàn vận động cư dân xuôi bè đến những con suối sâu để ổn định cuộc sống. Theo sự chỉ huy của ông Nhàn, từng mảng bè được di chuyển và neo lại ở hạ lưu dòng suối Sa Mát. Trong những ngày này, ông Nhàn liên tục chạy xuồng máy đến thăm hỏi, động viên và chỉ huy các thanh niên, phụ nữ Xóm Bè tìm nơi neo đậu an toàn.

 

Ông Nhàn tổ chức họp tổ phụ nữ ngay trên bè của gia đình mình.

Năm nào cũng vậy, đến mùa khô hạn, ông Nhàn cùng bà con Xóm Bè đều di chuyển về hạ lưu dòng suối Sa Mát để tạm cư, đến tháng 8 thì quay về thượng nguồn con suối để cho trẻ em đi học, còn người lớn thì được gần bờ để kiếm kế sinh nhai. Ông Nhàn bộc bạch, ở Xóm Bè nghèo khó này, ông được địa phương giao rất nhiều chức vụ như Tổ trưởng các Hội: Người Cao tuổi, Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Phụ nữ và phụ trách an ninh nhân dân. "Miễn lo được cho dân là tui nhận làm, có cực khổ mấy cũng kệ" - ông Nhàn nói.

 

Các chị em phụ nữ sống ở nơi đây cho biết, do họ ít giao tiếp với bên ngoài, lại không nhiều chữ nghĩa nên phải cậy nhờ ông Nhàn giữ chức tổ trưởng phụ nữ giùm. Nhưng chị em cũng không định "cho" ông Nhàn luôn đâu: "Sau vài năm, tổ được củng cố thì cánh phụ nữ tụi tui sẽ cử người ra nhận làm, chứ ai để đàn ông làm tổ trưởng phụ nữ, kỳ lắm!". Bà Lê Thị Minh Hải, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cho hay, hơn 6 năm nay, chi hội này ráo riết vận động nhưng vẫn chưa tìm được chị em nào thay thế ông Nhàn. Bà Hải nói: "Ở làng bè này không thiếu phụ nữ nhưng tìm người nhiệt tình, có điều kiện tham gia công tác tốt như ông Nhàn thì chưa có. Do đó, chúng tôi tiếp tục động viên ông Nhàn cáng đáng thêm nhiệm vụ của chị em".

 

Theo đánh giá của các chị em và cán bộ ấp này, dù là giới mày râu nhưng ông Nhàn làm công tác phụ nữ, dân số không thua kém gì cánh tóc dài. Công tác tập hợp, kết nạp hội viên, tuyên truyền sức khỏe sinh sản đều được ông truyền đạt đến từng người, từng bè. Ai có nhu cầu vay vốn làm ăn thì ông tập hợp lại và thành lập tổ tín chấp. Phụ nữ nào bị chồng bạo hành hoặc kinh tế gia đình khó khăn thì ông đứng ra bảo vệ, động viên và tìm hướng giải quyết, giúp đỡ. "Cho nên, ông Nhàn được cánh phụ nữ tụi tui cưng như trứng mỏng" - chị Lê Thị Thơm, một hội viên phụ nữ ở Xóm Bè cho biết. Còn bà Lê Thị Minh Hải thì nói: "Tổ trưởng phụ nữ là đàn ông thì đúng là chuyện lạ. Nhưng ông tổ trưởng Tạ Thanh Nhàn (năm nay trên 60 tuổi) đã làm được rất nhiều việc tốt, có lợi cho chị em phụ nữ ở đây nên ai cũng quý trọng ổng".

 

* Quan nhất thời, dân vạn đại

 

Hành động hiến đất làm đường của vợ chồng chị Nguyễn Thị Gấm (Tổ trưởng Tổ an ninh nhân dân số 6, thuộc ấp 3, xã Thanh Sơn) khiến người dân địa phương khen nức nở. Sau đó, chị Gấm còn đứng ra vận động các hộ dân góp tiền làm cầu. Anh Thanh (một người dân địa phương) cho biết, nếu không hiến đất thì tiền bán đất đủ cho vợ chồng chị Gấm xây lại nhà mới. Vậy mà, vợ chồng chị Gấm vẫn giữ "lều tranh" xiêu vẹo để dành tiền đóng góp vào việc chung nhằm giúp bà con xóm làng không còn phải chịu cảnh đường sá lầy lội, cầu tre lắc lẻo.

 

Người dân địa phương còn quý và biết ơn vợ chồng chị Gấm vì từ nhiều năm qua đã tự nguyện đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho xóm làng. Trước đây, anh Đào Thanh Kiêm, chồng chị Gấm cũng là Tổ trưởng Tổ an ninh nhân dân số 6. Hai vợ chồng này đã xác định: "Chúng tôi làm được điều gì cho xóm làng thì gắng sức làm, không so đo thiệt hơn, không mong được hưởng phụ cấp, lợi lộc gì... ".

 

Ông Huỳnh Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, với một xã vùng sâu, xa như Thanh Sơn, giao thông đi lại rất khó khăn thì việc vận động người dân đồng thuận với các chủ trương phát triển kinh tế, dân sinh rất cần vai trò hỗ trợ của cán bộ cơ sở. Ông Nghĩa nói: "Nhờ những cán bộ ấp, tổ tích cực như ông Nhàn, chị Gấm... làm cầu nối, chúng tôi mới hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao".

 

Dù không được hỗ trợ kinh phí hoạt động nhưng đội ngũ dân phòng, thanh niên tình nguyện các ấp vẫn làm tốt việc bảo vệ sự bình yên cho người dân.

Song, điều trăn trở hiện nay là phần lớn cán bộ công tác ở cơ sở phải "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Theo quy định của UBND tỉnh, chỉ có cán bộ đầu ngành khối đoàn thể cấp xã (MTTQ, Nông dân, Phụ nữ...) mới được hưởng lương cơ bản và các chế độ khác như bảo hiểm xã hội, y tế. Cán bộ cấp phó các khối đoàn thể này và các hội, đoàn thể quần chúng khác như: Hội Người cao tuổi, Khuyến học, trưởng ấp, công an viên... chỉ được hưởng phụ cấp (hỗ trợ) tiền lương trong quá trình tham gia công tác, đảm nhiệm chức vụ. Còn các chức danh khác ở ấp thuộc hội, đoàn thể, dân phòng, tổ an ninh nhân dân... thì không được hưởng gì cả.

 

Mặc dù nhiều người xác định, được "vác tù và" là niềm vui trong cuộc sống, nhưng về lâu dài không thể không quan tâm đến quyền lợi của họ, cho dù đó chỉ là khoản tiền ít ỏi động viên tinh thần. Nói như ông Phạm Xuân Hà, Ấp đội trưởng ấp Bầu Cối, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), thì: "Được làm đại diện cho một bộ phận nhân dân ở ấp, tổ cũng vui lắm rồi. Mình phải xác định làm quan chỉ là nhất thời, làm dân mới vạn đại. Vì vậy, điều gì có lợi cho dân thì tôi cũng ráng làm, điều hại thì cố tránh, cốt giữ tiếng thơm khi về... vườn. Nhưng làm việc như một cán bộ thực thụ suốt tháng này qua năm kia mà không được hưởng chế độ phụ cấp nào thì với nhiều người, kể cũng buồn, khó động viên họ gắn bó lâu dài, làm việc tích cực...".

 Đoàn Phú

 

Tin xem nhiều