Những vụ án ly hôn mà chúng tôi ghi nhận được tại tòa án cho thấy, việc đổ vỡ hôn nhân, nhất là của những cặp vợ chồng trẻ ngày càng đơn giản, dễ dàng. Người ta "không ưng" nhau chuyện nọ, chuyện kia là đưa nhau ra tòa ly dị...
Những vụ án ly hôn mà chúng tôi ghi nhận được tại tòa án cho thấy, việc đổ vỡ hôn nhân, nhất là của những cặp vợ chồng trẻ ngày càng đơn giản, dễ dàng. Người ta "không ưng" nhau chuyện nọ, chuyện kia là đưa nhau ra tòa ly dị...
* Những cuộc hôn nhân kém bền vững
Trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Tuy nhiên, trên nền tảng cùng nhau xây dựng gia đình, cuộc sống hạnh phúc, nuôi dạy con cái khôn ngoan, thành đạt thì những mâu thuẫn đó có thể hóa giải được. Song, theo chuyên gia tâm lý Lê Minh Công, có một nghịch lý là, khi đời sống ngày càng nâng lên, nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần được đáp ứng đầy đủ trong mỗi gia đình thì cũng là lúc không ít cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn đến mức không thể hòa giải nên phải đưa nhau ra tòa ly dị. Đi tìm câu hỏi tại sao về vấn đề này, chúng tôi đã có dịp tham dự các phiên tòa ly hôn và lắng nghe các bên liên quan giãi bày.
Chị T.T.K. (32 tuổi, trú tại phường An Bình, TP.Biên Hòa) chủ động làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa xin được ly hôn với anh N.T.T. (người chồng, lớn hơn chị K. 1 tuổi). Trước tòa, chị K. trình bày, vợ chồng chị đăng ký kết hôn vào tháng 4-2004. Thời gian đầu chung sống, cuộc sống của gia đình diễn ra bình thường như bao gia đình khác. Nhưng sau đó, hai vợ chồng phát hiện ra mỗi người có một cá tính khó hòa hợp. "Vì trước khi lấy nhau, vợ chồng tôi không tìm hiểu kỹ về nhau nên đã xảy ra nhiều điều bất hòa trong thời gian chung sống"- chị K. nói. Sự không hòa hợp đó được chị K. kể lại, chị làm trong lĩnh vực kinh doanh, còn anh T. là một cán bộ công chức. Do đặc thù công việc, nên hai người ít khi có dịp trao đổi với nhau về công việc của mỗi người. Thế nhưng, điều khiến vợ chồng trẻ này phải đưa nhau ra tòa do cách sống của hai người càng lúc càng xa điểm chung là mái ấm gia đình, sự hòa hợp và chia sẻ, yêu thương và trách nhiệm. "Tôi thì hay ở nhà, còn anh ấy thì thường xuyên vắng mặt. Chồng tôi ít khi quan tâm dạy dỗ cho con, một mình tôi nhiều lúc gần như không kham nổi... " - chị K. nói trong nghẹn ngào. Trước tình cảnh này, chị K. đã nhiều lần góp ý, nhưng anh T. vẫn không thay đổi cách sống. Từ đó, điểm chung giữa hai người càng bị cách xa và những xung đột đã xảy ra. Không thể chịu nổi áp lực của cuộc sống gia đình như thế, nên theo chị K., ly hôn là để giải thoát cho cả hai.
Cũng là những bất đồng trong cuộc sống, chỉ sau 10 tháng lấy nhau (kết hôn vào tháng 9-2009), chị N.T. H. (42 tuổi) và anh V.H.T. (nhỏ hơn vợ 9 tuổi, ngụ ở huyện Trảng Bom) đã cùng gửi đơn xin được ly hôn. Chị H. là một giáo viên, còn anh T. làm nông nghiệp. Chỉ được một tháng sau ngày cưới, đôi vợ chồng này đã xảy ra mâu thuẫn. Chồng thì suốt ngày bán mặt cho ruộng rẫy, hết việc thì lo đi ăn nhậu. Do đó, người vợ khó tìm được ở anh T. một bờ vai vững chãi, sự chia sẻ trong công việc, trong cuộc sống. Đã nhiều lần chị H. tìm đến các chuyên gia tâm lý để tìm hướng giải quyết, nhưng đều không thành vì người chồng vẫn "chứng nào tật nấy". Vì vậy, cả hai người đã đi đến quyết định ly hôn.
* Hệ lụy sau ly hôn
Tại các văn phòng luật sư, nơi mà nhiều cặp vợ chồng thường tìm đến để được tư vấn pháp lý, chúng tôi ghi nhận được, xu thế các vụ ly hôn ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân của các vụ ly hôn hầu hết do sự bất đồng trong cuộc sống.
Biết rằng sau ly hôn là những tổn thất rất lớn cho bản thân và các con, thế nhưng chị N.T.N. (40 tuổi, trú tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) vẫn phải đến Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa để nộp đơn xin ly dị với chồng vì... chịu hết nổi. Chị đã phân trần với thư ký tòa án: "Vợ chồng tôi có 3 con chung. Khi quyết định ly hôn, tôi rất ray rứt. Biết rằng, chúng tôi bỏ nhau sẽ để lại cho các con những tổn thất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, hiện nay gia đình đối với tôi là địa ngục, tôi không thể chịu đựng được nữa nên mới quyết định như vậy". Chị N. cũng như nhiều cặp vợ chồng khác khi đi đến quyết định ly hôn hiểu rõ những bất hạnh mà con trẻ phải gánh chịu. Thế nhưng, khi hạnh phúc vợ chồng không còn cứu vãn được nữa thì họ bất chấp tất cả để được giải thoát.
Luật sư Hà Văn Nam (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nói: "Việc các gia đình ly hôn để lại những đứa con thiếu đi sự chăm sóc của cha hoặc mẹ không chỉ là gánh nặng cho người nhận nuôi con mà có thể gây hệ quả xấu cho xã hội. Bởi, thiếu đi sự chăm sóc của gia đình là thiếu đi kỹ năng sống, cho nên có những đứa trẻ đã vì thế mà sa vào con đường phạm tội".
Trần Danh