
Trong những năm qua, Nhà máy A42 (thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không- không quân), đóng tại TP.Biên Hòa đã sửa chữa hàng trăm lượt máy bay trực thăng và động cơ máy bay các loại, góp phần không nhỏ vào hoạt động của không quân Việt Nam. Cán bộ, công nhân viên nhà máy là những người thợ có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất.
Trong những năm qua, Nhà máy A42 (thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không- không quân), đóng tại TP.Biên Hòa đã sửa chữa hàng trăm lượt máy bay trực thăng và động cơ máy bay các loại, góp phần không nhỏ vào hoạt động của không quân Việt Nam. Cán bộ, công nhân viên nhà máy là những người thợ có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất.
* Những người thợ tận tụy
5 năm qua, Nhà máy A42 đã sửa chữa được hàng trăm lượt động cơ, thiết bị hàng không và vô tuyến điện máy bay với tổng giá trị sửa chữa đạt trên 232 tỷ đồng. Trong điều kiện vật tư kỹ thuật, phụ tùng đặc chủng khan hiếm, điều gì đã giúp cho nhà máy hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra? Đại tá Hồ Đức Hải, Giám đốc Nhà máy A42 cho biết, đơn vị hết sức coi trọng công tác chuẩn bị sản xuất, khảo sát đánh giá trạng thái kỹ thuật của sản phẩm, bảo đảm vật tư, lập và điều hành tiến độ sản xuất đúng kế hoạch.
Mặt khác, nhà máy luôn chú trọng công tác huấn luyện nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tính đa dạng công việc cho người lao động. Nhờ vậy, các công nhân làm việc trên dây chuyền sửa chữa kỹ thuật hàng không đều đã qua huấn luyện và thường xuyên được nâng cao tay nghề. Đây cũng là đơn vị có nhiều biện pháp khuyến khích cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng tự học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu sản xuất. Hiện tại, nhà máy có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 46 kỹ sư...
Bên cạnh các giải pháp đã nêu, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhà máy đã tháo gỡ khó khăn nguồn vật tư nhập ngoại khan hiếm bằng cách nghiên cứu tự sản xuất một số vật tư kỹ thuật. Trong những năm qua, nhà máy đã chế tạo hàng trăm loại gioăng, đệm đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn của ngành, phục vụ nhiệm vụ của nhà máy và bảo đảm cho đơn vị sử dụng. Nhờ vậy, nhà máy đã tiết kiệm nhiều tiền của so với phải nhập khẩu những chiếc gioăng giá thành mỗi chiếc vài chục đô la Mỹ.
Phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Nhà máy A42 rất sôi động. Từ Phó giám đốc Lê Ngọc Minh đến Trưởng phòng Kỹ thuật Triệu Thế Chung và các kỹ sư: Trần Đức Hiếu, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Trọng Hưng... đều có những đề tài, sáng kiến góp phần giải quyết những khó khăn về kỹ thuật. Mới đây, nhà máy đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu đề tài: Ứng dụng công nghệ tự động hóa chế tạo cánh tay máy phục vụ cho công nghệ Plasma (phun phủ phục hồi lớp kim loại trong sửa chữa kỹ thuật hàng không) và chế tạo máy mài tự động để mài lá tuốc-bin động cơ máy bay. Còn đề tài cấp Quân chủng của thượng tá Trần Đức Hiếu về ứng dụng thử bột gốm kim loại đặc biệt để phun phủ Plasma các chi tiết động cơ đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất. Trong 5 năm qua, nhà máy đã có 2 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp Quân chủng và 76 sáng kiến cấp nhà máy góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng cho Quân chủng.
* Tìm tòi những kỹ thuật mới
Mấy năm trước, có lúc đơn vị huấn luyện bay C10 không hoạt bay được vì động cơ máy bay huấn luyện L39... có vấn đề. Để sửa chữa động cơ của máy bay L39, Quân chủng đã phải gửi động cơ ra nước ngoài đại tu. Hiện nay, Nhà máy A42 đang đầu tư dây chuyền công nghệ để có thể sửa chữa lớn động cơ AI-25TL dùng cho máy bay L39 ngay tại nhà máy. Đây là dự án lớn, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Các cán bộ kỹ thuật khi được cử sang nước ngoài học tập kinh nghiệm đã tranh thủ vừa học vừa tìm cách khai thác tài liệu công nghệ để áp dụng cho công việc. Phó giám đốc Lê Ngọc Minh cho biết, lãnh đạo Bộ Quốc phòng về nguyên tắc đồng ý cho nhà máy xây dựng dự án "sửa chữa động cơ AL-31F3" dùng cho máy bay chiến đấu hiện đại Su-C và Su-D. Nếu như triển khai dự án thành công, Nhà máy A42 sẽ vươn lên tầm cao mới trong lĩnh vực sửa chữa kỹ thuật hàng không, đặc biệt là sửa chữa động cơ phản lực hàng không.
Hiện nay, nhiệm vụ mà ngành kỹ thuật nhà máy đặt ra là: Triển khai công nghệ để khai thác hiệu quả các dây chuyền của nhà máy, chú trọng nghiên cứu triển khai nhiều công nghệ mới và khó trong sản xuất hàng không, nâng cao độ sâu sửa chữa và chất lượng máy bay trực thăng và động cơ; nghiên cứu ứng dụng, phát huy năng lực của dây truyền để phục vụ cho các nhiệm vụ sửa chữa các sản phẩm kỹ thuật hàng không khác của Quân chủng và Bộ Quốc phòng; chủ động nghiên cứu và hợp tác với các viện và nhà máy để đầu tư công nghệ chế tạo sản phẩm vật tư kỹ thuật hàng không.
Nói đến Nhà máy A42, không thể không nhắc đến các quản đốc phân xưởng như: Phạm Khánh Quỳnh, Đậu Sĩ Lượng, Nguyễn Thanh Tao, Trần Văn Hoàn... Họ là những cán bộ kỹ thuật gắn bó hàng chục năm với nhà máy. Song, giám đốc Hồ Đức Hải vẫn còn băn khoăn, là hiện nay quy định đội ngũ sĩ quan chuyên nghiệp đến tuổi 50 phải nghỉ hưu, dẫn đến tình trạng nhiều thợ lành nghề của nhà máy đang độ tuổi sung sức, dày dạn kinh nghiệm phải ra về. Đó là điều đáng tiếc...
Đoàn Hoài Trung