
Khi những bị can trong vụ án cố ý làm trái ở công trình đường 600 ra trước vành móng ngựa, chúng tôi đã có mặt tại con đường này để ghi nhận thực tế hiện trạng công trình. Đây là con đường từng được người dân địa phương mơ ước, thế nhưng khi công trình hoàn thành thì lại là nỗi thất vọng và ám ảnh của bà con địa phương vì chất lượng kém cỏi.
Khi những bị can trong vụ án cố ý làm trái ở công trình đường 600 ra trước vành móng ngựa, chúng tôi đã có mặt tại con đường này để ghi nhận thực tế hiện trạng công trình. Đây là con đường từng được người dân địa phương mơ ước, thế nhưng khi công trình hoàn thành thì lại là nỗi thất vọng và ám ảnh của bà con địa phương vì chất lượng kém cỏi.
>>>Kỳ 2: Không đạt chất lượng vẫn nghiệm thu
* Ám ảnh một con đường
Do mặt đường 600 lồi lõm, nhiều ổ gà, ổ voi nên để đi hết tuyến dài hơn 18km chúng tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi ô tô. Một thực tế mà chúng tôi nhận thấy là, hiện nay hầu như trên suốt tuyến đường, nơi nào cũng bị hư hỏng nặng. Có nhiều chỗ, người phương xa mới đến không còn nhận ra đường nhựa làm cách đây 8 năm vì nó đã bị... đất hóa. Trên mặt đường, tại nhiều đoạn, người dân địa phương đã tự tìm đất sỏi dặm vá những chỗ mặt đường bể nặng để thuận tiện cho đi lại và vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, đường 600 trông giống như chiếc áo rách vá đùm vá néo.
Đường 600 nằm trên địa bàn nhiều đồi núi, cho nên có rất nhiều khúc cua gấp. Hai bên đường dân cư sống đông đúc và lại có rất nhiều cây xanh tàng lớn, um tùm đã gần như che lấp tầm quan sát của người đi đường. Vậy mà ở những nơi này hầu như không hề có một tấm biển cảnh báo nguy hiểm nào. Không những thế, chúng tôi ghi nhận được, trên suốt tuyến đường dài hơn 18km này đi qua địa bàn nhiều xã thuộc huyện Tân Phú cũng không hề thấy một cột mốc cây số hay biển báo nào về an toàn giao thông.
Những người dân sống ở hai bên tuyến đường này cho biết, từ khi đường 600 hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay thì gần như bà con chưa có một ngày nào bước đi trên con đường khang trang và an toàn. Bởi, theo những người dân sống ở đây phản ảnh, thì ngay lúc công trình còn đang thi công ở phía trước thì phía sau đường đã hư hỏng, xuống cấp!
Ông Vũ Quang Hợp, một người dân sống ven đường 600 (thuộc ấp 2, xã Phú An, huyện Tân Phú) cho biết: "Đoạn đường đi qua khu vực này đã bị hư hỏng nặng từ rất lâu. Lúc đầu cũng có một số người đưa phương tiện đến dặm vá, còn hiện nay thì... buông luôn rồi. Vì vậy, con đường có rất nhiều những ổ voi, ổ gà, hễ nắng thì đầy bụi, mưa lớn thì biến thành bãi sình lầy. Bây giờ chúng tôi quan tâm là, những cán bộ, đơn vị thi công sai phạm bị xử lý như thế nào và bao giờ thì công trình này mới được làm lại cho dân nhờ?!". Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống ven đường 600 thì nói: "Do đoạn đường này hư hỏng nặng nên những năm qua từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Nhiều người khách lạ không quen đường, nên khi đi qua những đoạn hư hỏng thường bị té xe, gây thương tích".
* Đi lại và vận chuyển hàng hóa rất khó khăn
Giai đoạn 3 công trình đường 600 (từ km7+600 đến km17+150) đi qua phần lớn địa bàn xã Phú An (huyện Tân Phú). Đoạn đường dài gần 10km này đã được thi công từ năm 2001 và được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2002. Tuy nhiên, kể từ khi đoạn đường được đưa vào sử dụng, những người dân địa phương chưa kịp vui lại phải chống chọi với biết bao nguy hiểm mà con đường này gây ra. Một cán bộ ở xã Phú An cho biết, chỉ sau khi đưa vào sử dụng được vài ngày, mỗi khi có xe tải chạy qua thì mặt đường "nhúc nhích" và sau đó hình thành những sóng trâu ngay giữa đường, tạo nên những cái bẫy rất nguy hiểm cho những ai thiếu cẩn thận mỗi khi đi qua.
Là một người hàng ngày phải đi lại trên con đường này, cô Nguyễn Thị Chiến (giáo viên Trường THCS Phú An) cho biết: "Tôi là người chứng kiến sự thay đổi trên con đường này từ lúc có dự án làm đường cho đến nay. Trước đây, con đường chưa làm, chúng tôi đi lại rất khó khăn. Sau đó, đường được nhựa hóa, công trình đưa vào sử dụng gần 10 năm, thế nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy thuận lợi, an tâm mỗi khi đi lại. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, trong đó có nhiều giáo viên và các học sinh của chúng tôi là những nạn nhân".
Không riêng cô Chiến, nhiều người dân ở xã Phú An mà chúng tôi đã tiếp xúc cũng bày tỏ nỗi niềm: "Bao đời sống giữa miền quê nghèo khó, khi có con đường nhựa, với người dân là niềm mơ ước thành hiện thực. Nhưng niềm vui ấy đã nhanh chóng bị cướp mất bởi những người thiếu trách nhiệm...". Một cụ già ngoài 70 tuổi ở xã Phú An tâm sự: "Tôi gần đất xa trời nên không dám hy vọng nhìn thấy con đường 600 nâng cấp, sửa chữa hoặc được làm mới trở lại. Nhưng tôi cũng rất mong, pháp luật xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm, công ty thi công làm ăn gian dối và buộc họ phải làm lại con đường mới để trả lại quyền lợi cho chúng tôi và tạo niềm tin cho người dân".
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Phú An nói: "Hiện nay, UBND xã thường xuyên tiếp nhận sự phản ánh của người dân về tình trạng tuyến đường này hư hỏng, xảy ra tai nạn giao thông. Thông qua các kỳ họp hội đồng nhân dân, chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của các cử tri để đề nghị cấp trên sớm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này. Thế nhưng, đến nay gần 10 năm kể từ khi công trình đưa vào sử dụng cũng là thời gian đường hư hỏng, người dân địa phương vẫn phải chịu đựng cảnh nắng bụi, mưa bùn và mặt đường càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng". Lãnh đạo UBND xã Phú An cũng cho biết, đường 600 xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nhân dân địa phương. "Cụ thể nhất là do đường hư hỏng nặng, nên việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Có những năm cũng chính vì việc đi lại quá khó khăn, xe không vào được để vận chuyển hàng hóa, nên nông dân ở đây dù trúng mùa cũng thành... mất mùa. Việc thi công con đường nhưng không đạt yêu cầu về chất lượng đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương rất nhiều" - ông Thắng nói.
Danh Trường