Báo Đồng Nai điện tử
En

Công trình đường 600 "tai tiếng"
Kỳ 1: Trúng thầu để... bán thầu

09:05, 26/05/2010

Gần 10 năm qua, đường 600 nối từ các xã vùng sâu Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú An (huyện Tân Phú) ra quốc lộ 20 trở thành tuyến giao thông đau khổ của nhiều người dân địa phương và là công trình "tai tiếng" vào loại bậc nhất của tỉnh Đồng Nai. Đây là con đường để lại bài học lớn trong công tác quản lý xây dựng các công trình giao thông nói riêng và công trình công cộng có vốn đầu tư của Nhà nước nói chung.

Gần 10 năm qua, đường 600 nối từ các xã vùng sâu Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú An (huyện Tân Phú) ra quốc lộ 20 trở thành tuyến giao thông đau khổ của nhiều người dân địa phương và là công trình "tai tiếng" vào loại bậc nhất của tỉnh Đồng Nai. Đây là con đường để lại bài học lớn trong công tác quản lý xây dựng các công trình giao thông nói riêng và công trình công cộng có vốn đầu tư của Nhà nước nói chung.

 

* Trúng thầu nhưng không thi công

 

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc cải tạo nâng cấp đường 600, Sở Giao thông - vận tải (GT-VT) đã giao cho Ban quản lý dự án chuyên ngành GT-VT Đồng Nai lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tháng 6-1997, Ban quản lý dự án này đã ký hợp đồng với đại diện Công ty công trình GT-VT Đồng Nai để lập báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật thi công và lập dự toán công trình đường 600. Sau khi ký kết hợp đồng, Giám đốc Công ty công trình GT-VT Đồng Nai giao ông Phạm Văn Hường làm chủ đề án thiết kế và ông Lê Quý Phúc chủ trì thiết kế phần cầu và một số cán bộ khác trong công ty làm thành viên hội đồng thiết kế.

 

Tháng 10-1997, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp đường 600 do Sở GT-VT Đồng Nai làm chủ đầu tư, với chiều dài toàn tuyến hơn 18km. Dự kiến, công trình này sẽ triển khai thực hiện từ năm 1998 đến năm 2000. Ban quản lý dự án chuyên ngành GT-VT đã lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu và ký kết hợp đồng với 3 doanh nghiệp để thi công phần lớn tuyến giao thông này. Sau đó, các đơn vị thi công và Ban quản lý dự án cho nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng với chất lượng khá tốt. Riêng đoạn đường từ km7+600 đến km17+150 (dài 9.550m) thì chưa thi công vì có liên quan đến đường vành đai Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đường 600 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đến năm 2001, UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp đoạn đường này. Thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Bạch Mai là Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành GT-VT Đồng Nai đã ký hợp đồng với Công ty công trình GT-VT Đồng Nai để lập lại chi tiết tổng dự toán. Làm như vậy tức là hai đơn vị nêu trên đã vi phạm Quyết định số 497 của Bộ Xây dựng, vì hồ sơ thiết kế và tổng dự toán công trình đường 600 được duyệt từ năm 1997 nhưng đến năm 2001 vẫn sử dụng lại hồ sơ này (thời gian cho phép sử dụng hồ sơ thiết kế và tổng dự toán các công trình tối đa là 2 năm). Thế nhưng, thời điểm đó, lãnh đạo Sở GT-VT Đồng Nai vẫn ký quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công với tổng dự toán trên 5,2 tỷ đồng.

 

Tiếp đó, Ban quản lý dự án cho lập tổ chuyên gia tư vấn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu, chấm thầu và tổ chức thi công. Đơn vị trúng thầu thi công đoạn còn lại của đường 600 là Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn. Ông Lê Trọng là Giám đốc và ông Võ Quang Thái, Phó giám đốc công ty này đã có hành vi không tổ chức thi công khi trúng thầu mà bán thầu lại cho công ty khác để hưởng chênh lệch.

 

* Bán thầu lần một, lần hai

 

Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn trúng thầu thi công đoạn đường dài 9.550m trên tuyến đường 600 với tổng kinh phí gần 4,2 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi trúng thầu, công ty này không tổ chức thi công mà bán thầu lại cho Xí nghiệp 539 thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 do ông Phạm Thanh Hải làm Giám đốc và ông Nguyễn Nhựt làm Phó giám đốc. Cách thức bán thầu được che đậy bằng cách ông Lê Trọng ký hợp đồng tuyển dụng ông Nguyễn Nhựt cùng một số cán bộ của Xí nghiệp 539 vào làm việc cho Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn và giao ông Nhựt làm chỉ huy trưởng công trình. Ông Nguyễn Nhựt đã tổ chức thi công 4.800m đường trên đường 600 với kinh phí "trúng thầu" từ Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn hơn 2 tỷ đồng, nhưng phải trích nộp cho công ty này 3% trong tổng giá trị được giao khoán.

 

Tiếp đó, ông Lê Trọng ký hợp đồng giao thầu cho ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Xí nghiệp 539 phần đường còn lại với kinh phí thi công hơn 2,1 tỷ đồng, nhưng cũng phải trích nộp cho Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn 3%/ tổng giá trị xây lắp công trình. Như vậy, sau khi bán thầu cho ông Hải và ông Nhựt thì công ty của ông Lê Trọng được hưởng lợi hơn 100 triệu đồng.

Hai bị cáo Lê Trọng (trái) và Phạm Thanh Hải bị cáo buộc về hành vi cố ý làm trái tại công trình đường 600.

Dù đã bán thầu, nhưng ông Lê Trọng vẫn giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật công trình cho cấp phó là ông Võ Quang Thái. Là người chịu trách nhiệm về chất lượng công trình nhưng ông Thái không kiểm tra, giám sát nguồn gốc vật liệu, chất lượng thi công, kết quả thí nghiệm, độ chặt nền đất, moduyn đàn hồi mặt đá... trước khi nghiệm thu. Ông Thái chỉ dựa vào kết quả nghiệm thu đã được chủ đầu tư ký tên, đóng dấu nháy của bên thi công để ký hợp thức hóa hồ sơ nhằm mục đích được quyết toán khối lượng xây lắp hoàn thành. Nhưng trên thực tế thì khối lượng xây lắp chưa hoàn thành và công trình chưa bàn giao, chất lượng không đảm bảo, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và bất bình trong nhân dân.

 

Sau khi mua được thầu từ phía ông Lê Trọng, ông Phạm Thanh Hải và ông Nguyễn Nhựt cũng không tổ chức thi công mà bán lại cho ông Nguyễn Hữu Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Việt để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, để che đậy việc làm này, Xí nghiệp 539 đã ký kết hợp đồng để Công ty Đại Việt cung cấp vật liệu phục vụ công trình. Đây là việc làm hình thức, trên thực tế hai ông Hải và Nhựt đã để cho Công ty Đại Việt đưa nguyên vật liệu, nhân công vào thi công công trình.

Như vậy, mặc dù không tham gia đấu thầu, nhưng ông Hải, ông Nhựt cũng có được gói thầu để hưởng chênh lệch 3%. Ông Nguyễn Hữu Huynh trên danh nghĩa không mua thầu nhưng lại trực tiếp tổ chức thi công công trình. Và khi thi công lại đưa vào nguyên vật liệu không đúng yêu cầu của thiết kế và tổ chức thi công không đảm bảo, nhưng vẫn được chủ đầu tư, hội đồng nghiệm thu kết luận đạt yêu cầu.

Nhóm PV

 

 

Tin xem nhiều