Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 6, 25/04/2025, 03:15 En

Chức nhỏ, quyền... to

09:05, 21/05/2010

Tuy chỉ là cán bộ đoàn thể xã hoặc cán bộ ấp và thậm chí là người thân thích của họ nhưng một số người lại thích "ăn to nói lớn", hành động tùy tiện để chứng tỏ "quyền uy" của mình trước người khác.

Tuy chỉ là cán bộ đoàn thể xã hoặc cán bộ ấp và thậm chí là người thân thích của họ nhưng một số người lại thích "ăn to nói lớn", hành động tùy tiện để chứng tỏ "quyền uy" của mình trước người khác.

 

* Quan bà

 

Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp vào ấp 5, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) công tác. Vừa đến văn phòng ấp, chưa kịp hỏi thăm đường đến nhà ấp trưởng, chúng tôi được bà S. (vợ của trưởng ấp) hoạnh họe, tỏ ra rất quyền uy. Bà S. nói với chúng tôi, muốn cậy nhờ việc gì thì hãy nói thẳng để bà về "tâu" lại với chồng. Cũng theo bà S., ở nơi "khỉ ho, cò gáy" này, mọi việc lớn nhỏ trong ấp đều phải qua tay bà mới được trôi chảy. Biết gặp phải "quan bà", chúng tôi đành giả lả đôi câu cho qua chuyện, rồi tìm cách rút lui.

Những cây cầu do dân góp tiền xây dựng ở ấp 5, xã Mã Đà.

Ghé vào một quán cà phê gần đó, chúng tôi được người dân ở đây phản ảnh, với vai trò là "đệ nhất phu nhân" của trưởng ấp 5, bà S. từng "chỉ đạo" chồng quyết định cho hộ này vay vốn, hộ kia thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Một người dân cho biết thêm, có lần bà S. còn "quậy" chồng rùm beng cả xóm khi ông này lập danh sách hộ vay vốn mà không để cho bà "duyệt" trước. Những khi bị vợ dồn ép như vậy, vị trưởng ấp này đôi lúc cũng bức xúc "xin" bà đừng can thiệp quá sâu vào công việc của ấp. Tuy nhiên, bà S. vẫn chứng nào tật nấy. Một người dân bất bình nói: "Ở đây, chúng tôi sợ bà S. hơn sợ cán bộ ấp. Bởi, bà ta rất dữ dằn và có quan hệ rộng nên đụng vào sẽ bị vạ lây, thiệt thân". Ông Tư, một người dân sống trong ấp 5 tâm sự, bà S. thể hiện uy quyền như một cán bộ cỡ bự, chẳng hạn như thường đứng ra tổ chức cưới hỏi cho con cháu để tạo thanh thế. "Nếu người được mời mà không đi ăn cưới hoặc gửi bao thư thì coi chừng không yên với bà ta..." - ông Tư nói.

Trao đổi với chúng tôi, một đảng viên lớn tuổi sống tại ấp 5 bày tỏ, trước những hành xử không hay của bà S. như: cậy thế chồng làm cán bộ ấp ăn nói xấc xược, gây mất đoàn kết tại cộng đồng... địa phương đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông trưởng ấp - chồng của bà S. - vì không "dạy" được vợ nên vẫn để chuyện không hay xảy ra. Được biết, nhiều người dân, đảng viên và cán bộ ấp đã từng có ý kiến tìm người khác thay thế ông trưởng ấp này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy xã có ý kiến (!?).

 

* Cậy thế, ỷ quyền

 

Khi đề cập đến việc vận động nhân dân đóng góp tiền làm cầu, đường giao thông nông thôn, nhiều người dân ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) tỏ ra rất bất bình đối với cách vận động làm cầu qua suối Cốp (nối giữa ấp Lý Lịch 2 và ấp 3) của ông Trương Văn Việt, Chủ tịch MTTQ xã. Bà con phản ảnh, là cán bộ lãnh đạo khối Mặt trận và là đảng viên, đáng ra ông Việt phải gương mẫu, đầu tàu trong việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đằng này, ông Việt qua mặt cán bộ ấp, xã khi đề xuất với chính quyền trong việc xây dựng cầu qua suối Cốp.

 

Để làm cầu, ông Việt đề xuất với ấp Lý Lịch 2 và ấp 3 "xin" 4 dầm cũ do UBND xã Phú Lý quản lý (trị giá cả tỷ đồng) để làm cầu, còn kinh phí xây cầu do ông bỏ ra. Khi chủ trương làm cầu suối Cốp được các cơ quan chức năng thẩm định và chấp thuận thì ông Việt đứng ra triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của người dân, ông Việt lợi dụng chủ trương làm cầu để tư lợi cá nhân. Cụ thể, khi làm cầu, ông Việt bít hết các lối đi qua đây, nên cây cầu chỉ phục vụ riêng cho việc di chuyển hàng hóa vào rẫy gia đình ông tại đây mà thôi.

Cầu làm chưa xong nhưng ông Việt đã đào hào sâu ngăn cách những khu vực tiếp giáp với đất của ông.

Một người dân sinh sống tại đây cho biết, năm 2006, ông Việt mua thêm mảnh đất tại khu vực này. Do không thỏa thuận được với hộ liền kề để mở lối đi, ông Việt liền kiện chủ đất này và bị thua kiện. Uất ức và vì sĩ diện nên ông ta mới nghĩ kế... làm cầu. "4 dầm cầu cũ (bằng thép) trọng lượng gần 80 tấn, có giá trị cả tỷ đồng, lại là tài sản công, nhưng chỉ sử dụng để phục vụ cho một gia đình, mà lại là gia đình cán bộ đảng viên thì quá đáng lắm. Điều này chỉ có ông Việt mới dám làm"- nhiều người dân địa phương bức xúc nói như vậy. Xung quanh vụ làm cầu suối Cốp, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Lai, Chủ tịch UBND xã Phú Lý cho biết, nếu ông Việt và Ban ấp Lý Lịch 2 và ấp 3 không thực hiện làm đường và cầu đúng như dự án đã trình thì UBND xã sẽ cho thu hồi lại 4 dầm cầu trên. Ông Lai nói: "Chuyện thu hồi tài sản công khi bị cá nhân chiếm dụng là điều chúng tôi phải làm. Còn cách thức xử lý cán bộ vi phạm ra sao phải chờ Đảng ủy và cấp trên quyết định".

 

Ngoài chuyện tư lợi trong chuyện làm cầu suối Cốp, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Lý, ông Việt đã không ít lần ban hành các văn bản không đúng chức năng, nhiệm vụ của mình (đã được địa phương thu hồi). Theo một cán bộ công tác tại xã Phú Lý, tuy là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nhưng ông Việt có đủ uy danh lẫn tiền của để "nói chuyện" phải trái với những người chống đối và thường họ không có kết cục tốt đẹp nếu dám đối đầu với ông. Cũng theo cán bộ này, với cương vị là trưởng khối vận của xã đáng lẽ ông Việt phải gương mẫu, quan hệ gần gũi, thân thiện với quần chúng, thế nhưng ông ta lại tỏ thái độ xem thường những đóng góp của nhân dân, điều này không thể chấp nhận được!

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều